1.Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu quản lý thuế chặt chẽ hơn với tiền điện tử
Ngày 20/5/2021, CNBC đưa tin Bộ Tài chính thông báo đang thực hiện các biện pháp để quản lý các thị trường và giao dịch tiền điện tử, đồng thời sẽ yêu cầu bất kỳ khoản chuyển khoản nào trị giá 10.000 đô la trở lên phải được báo cáo cho Sở Thuế vụ. Bộ Tài chính cho rằng tiền điện tử tạo ra vấn đề lớn vì tạo thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp, trong đó có trốn thuế.
Theo Coin Metrics, Bitcoin đã chững đà tăng giá ngay sau thông báo của Bộ Tài chính. Phiên giao dịch cuối cuối chỉ tăng 0,6%, trong khi phiên trước đó đã tăng hơn 9%. Nhiều nhà phân tích Phố Wall đưa ra cảnh báo rằng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch có thể sẽ có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử. Thông cáo này của Bộ Tài chính là một phần của thông báo rộng rãi hơn về những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm truy quét nạn trốn thuế và thúc đẩy việc tuân thủ nghĩa vụ thuế tốt hơn. Theo ước tính của Bộ Tài chính, khoản chênh lệch giữa các khoản nợ thuế và các khoản nộp thuế của Mỹ là gần 600 tỷ đô la vào năm 2019. Việc gia tăng quản lý có thể sẽ làm một số nhà đầu tư tiền điện tử khó chịu vì giá trị của bitcoin giảm khoảng 25% trong tháng qua.
Với việc chuyên gia tiền điện tử lâu năm Gary Gensler trở thành người đứng đầu SEC thì Raymond James, chuyên gia phân tích của Ed Mills, cho rằng việc Quốc hội cho phép các qui định quản lý rộng hơn chỉ là vấn đề thời gian. Gensler đã nói với các nhà lập pháp vào đầu tháng này rằng việc cho phép SEC điều chỉnh các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ giúp đảm bảo các nhà đầu tư được bảo vệ và ngăn chặn việc thao túng thị trường. Theo James, “Trong ngắn hạn, điều này có thể gây ra hiện tượng ngại đầu tư do lo ngại từ tin tức báo chí. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, các quy định quản lý sẽ bổ sung thêm tính hợp pháp cho tiền điện tử và có thể bảo vệ các sàn giao dịch tiền điện tử hiện có.”
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều coi việc quản lý tiền điện tử là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021 trong bối cảnh giá bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác tăng vọt vào năm ngoái làm dấy lên lo ngại về thao túng thị trường và các khoản đầu tư bán lẻ không được thông tin.
2. Wyden, Schumer giới thiệu dự luật nhằm hạn chế ‘gian lận thương mại của Trung Quốc’
Ngày 19/5/2021, Inside Trade đưa tin Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden (D-OR) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (D-NY) đã đưa ra dự luật “chống lại gian lận thương mại của Trung Quốc và các quốc gia đối thủ khác”. Họ tuyên bố dự luật “Chống lại các chính sách áp bức và thao túng mà Đạo luật An ninh Kinh tế và Thương mại (viết tắt là COMPETES) gây nguy hiểm năm 2021” sẽ “tạo sân chơi bình đẳng cho công nhân, nông dân, ngư dân và gia đình Mỹ bằng cách nhắm vào các hoạt động tồi tệ nhất của Trung Quốc”. Hai TNS cho biết dự luật sửa đổi “có mục đích là một phần của nỗ lực của cả Thượng viện nhằm đảm bảo rằng Hoa Kỳ có vị trí để cạnh tranh hơn với Trung Quốc trong nền kinh tế trong tương lai.”
Theo tuyên bố của Wyden-Schumer về việc thông báo các sửa đổi, biện pháp này sẽ cho phép Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ có “công cụ” mới để “giải quyết các hoạt động thương mại kỹ thuật số chống cạnh tranh và các biện pháp kiểm duyệt như Tường lửa (Great Firewall) của Trung Quốc. Công cụ này gồm yêu cầu USTR xác định các đối tác thương mại làm gián đoạn thương mại kỹ thuật số; cho phép điều tra các biện pháp thương mại kỹ thuật số không hợp lý gây bất lợi cho người dân Hoa Kỳ; cho phép xem xét lại các đề xuất thương mại kỹ thuật số phân biệt đối xử.”.
Dự luật sẽ gắn với báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia hàng năm để xác định các đối tác thương mại “tham gia vào các hành vi, chính sách hoặc thực tiễn làm gián đoạn các hoạt động thương mại kỹ thuật số”, gồm “kiểm duyệt cưỡng chế trong thị trường của họ hoặc ngoài lãnh thổ” và “Các hoạt động thương mại điện tử hoặc kỹ thuật số khác với mục tiêu, hoặc tác động đáng kể, thúc đẩy kiểm duyệt hoặc truy cập dữ liệu ngoài tư pháp gây bất lợi cho người dân Hoa Kỳ”.
Dự luật Schumer-Wyden cũng sẽ tăng cường trách nhiệm các cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) Hoa Kỳ trong việc xử lý các hàng hoá được sản xuất bởi lao động cưỡng bức, gồm những mặt hàng từ khu vực Tân Cương (Trung Quốc) và sẽ chỉ đạo CBP “sử dụng tốt hơn dữ liệu về nhập khẩu thủy sản.” Dự luật yêu cầu các quy định mới, trong vòng một năm, về “việc xác minh nhập khẩu thủy sản để đảm bảo rằng không có hải sản hoặc sản phẩm thủy sản được thu hoạch hoặc sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức được đưa vào Hoa Kỳ”. Dự luật cũng sẽ chỉ đạo USTR đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia khác để hạn chế đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát hoặc không được báo cáo. Dự luật sẽ “yêu cầu CBP tăng cường kiểm tra hàng hóa từ các quốc gia được xác định là nguồn hàng giả đáng kể và cung cấp việc chia sẻ thông tin liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ với các bên quan tâm khác để thực hiện tốt hơn.” Các điều khoản khác sẽ “tăng cường giám sát, trách nhiệm giải trình và minh bạch đối với chính sách thương mại của Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu USTR báo cáo bổ sung về một số hoạt động nhất định liên quan đến Trung Quốc, cũng như nỗ lực của Trung Quốc để lách các nghĩa vụ hiện có và cung cấp sự linh hoạt cho CBP để đào tạo chéo các chuyên gia thương mại”.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)