1. Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho biết Mỹ đang chú ý đến “minh bạch” trong chuỗi cung ứng nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip
Ngày 21/5/2021, Inside Trade đưa tin Chính quyền Biden đang tìm cách giải quyết tình trạng “thiếu minh bạch” trong chuỗi cung ứng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ô tô và các ngành khác. Thông tin này được Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đưa ra sau một loạt cuộc gặp với gần ba mươi giám đốc điều hành từ các công ty sản xuất chất bán dẫn để tìm hiểu sự thiếu hụt chip đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác nhau và cùng các nhà lãnh đạo ngành tìm ra các giải pháp khả thi. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết “chuỗi cung ứng còn thiếu minh bạch và chúng tôi đang tìm cách có thể giúp chia sẻ thông tin nhiều hơn giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng”. Bà nói “chúng tôi đang cố gắng tìm ra vai trò, nếu có, của chính phủ có thể và nên thực hiện trong việc tăng cường chia sẻ thông tin.” Ngày 21/5/2021 Nhà Trắng cũng tuyên bố khắc phục sự thiếu hụt chất bán dẫn là “ưu tiên hàng đầu và ngay lập tức” của chính quyền Biden.
Tuyên bố của Raimondo được đưa ra sau khi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (D-NY) hôm thứ Ba công bố gói dự luật tập trung vào Trung Quốc, với tên gọi “Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ”, đề xuất sử dụng 52 tỷ đô la để tài trợ cho Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích cho Sản xuất Chất bán dẫn ở Mỹ (Đạo luật CHIPS). Raimondo cho biết Bộ Thương mại đã tích cực ủng hộ việc tài trợ 52 tỷ đô la cho Đạo luật CHIPS; các quan chức của Bộ họp hàng ngày với các nhà lập pháp để đưa ra ý kiến chuyên môn và “đảm bảo đạo luật cán đích” với “sự ủng hộ sâu sắc và rộng rãi của lưỡng đảng”.
Raimondo cũng cho biết Mỹ đang làm việc với các đồng minh và đối tác để giải quyết các vấn đề thiếu hụt trong chuỗi cung ứng bán dẫn và điều hoà các nhu cầu cung cầu. Bà gặp Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo các doanh nghiệp Hàn Quốc vào sáng 21/5 để bàn về vấn đề này.
Raimondo cho biết Bộ Thương mại đang “liên hệ thường xuyên giữa các ngành” để đánh giá xem diễn biến của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra như thế nào. Bà cũng có kế hoạch gặp Giám đốc điều hành của công ty sản xuất chip nhớ Micron Technologies vào thứ Hai tới để trao đổi tìm giải pháp.
2. Các thượng nghị sĩ Cộng hoà ủng hộ dự luật yêu cầu ‘tính minh bạch’ trong các cuộc đàm phán về việc miễn trừ TRIPS
Ngày 21/5/2021, Inside Trade đưa tin, trong tuần này một sửa đổi sẽ được đưa ra tại Thượng viện nhằm hạn chế quyền của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong việc tiến hành các cuộc đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới về đề xuất xoá bỏ các nghĩa vụ sở hữu trí tuệ nhất định. Theo thành viên cao cấp của Uỷ ban Tài chính Thượng viện Mike Crapo (R-ID), việc này sẽ được thực hiện thông qua việc bổ sung các điều khoản liên quan đến “thảo luận, minh bạch và tăng cường giám sát của Quốc hội”.
Tài liệu dài 30 trang được Crapo đệ trình như một bản sửa đổi cho “Đạo luật biên giới bất tận”, một phần quan trọng của gói dự luật tập trung vào Trung Quốc đang được Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (D-NY) thúc đẩy và tranh luận tại Thượng viện trong tuần này. Tài liệu này “không cho phép USTR sửa đổi hoặc điều chỉnh các hiệp định thương mại, kể cả trong WTO, theo cách thức có thể ảnh hưởng đến các quyền của Mỹ trước Trung Quốc hoặc Nga.” Nó cũng yêu cầu USTR phải tuân theo các thủ tục nhất định khi muốn bỏ các nghĩa vụ theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, gồm báo cáo liên cơ quan về tác động của Hiệp định, lấy ý kiến công chúng, trình các hiệp định lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ để đánh giá, và tham vấn với Quốc hội.
Đề xuất sửa đổi này là nỗ lực lập pháp thứ hai nhằm đảo ngược quyết định của chính quyền Biden ủng hộ việc từ bỏ và tiến tới các cuộc đàm phán dựa trên văn bản tại Geneva; Các nhà lập pháp Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện đã đề xuất một dự luật riêng nhằm cấm USTR ủng hộ tuyên bố của Biden. Đề xuất sửa đổi của Crapo cũng được 17 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ, gồm Phó lãnh tụ thiểu số John Thune (SD), cựu Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley (IA), thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch (ID) và Y tế, Giáo dục, Lao động và Thượng viện, thành viên cao cấp của Ủy ban lương hưu Richard Burr (NC) ủng hộ.
Đầu tháng qua, USTR Katherine Tai đã thông báo ý định của chính quyền trong việc tiến tới xoá bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ, gây ra sự phản đối kịch liệt từ ngành dược phẩm và những người ủng hộ ngành này trong Quốc hội, nhưng lại nhận được sự ủng hộ của những người tiến bộ và các nhóm xã hội dân sự. Năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất các nước từ bỏ một số nghĩa vụ theo thỏa thuận TRIPS – gồm bằng sáng chế, bí mật thương mại và bản quyền – đối với vắc xin COVID-19, phương pháp điều trị và chẩn đoán. Phạm vi từ bỏ sở hữu trí tuệ có khả năng được điều chỉnh trong đề xuất sửa đổi mới mà các đồng tác giả dự kiến công bố dự kiến của các nhà đồng tài trợ vào cuối tháng này. Việc bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ nhận được sự ủng hộ của đa số các nước đang phát triển. Cho dù Mỹ ủng hộ bỏ sở hữu trí tuệ nhưng một số nước phát triển, bao gồm Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ và Nhật Bản, vẫn chưa ủng hộ.
Một số nhà lập pháp Cộng hòa đã lập luận rằng việc bỏ sở hữu trí tuệ sẽ dẫn đến việc “trao tặng” tài sản trí tuệ của Mỹ cho các quốc gia như Trung Quốc. Đề xuất sửa đổi nêu lại quan điểm này; nói rằng việc từ bỏ “làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về kinh tế và an ninh quốc gia” do Nga và Trung Quốc đã thực hiện “gián điệp công nghiệp quy mô lớn và đánh cắp công nghệ đối với tài sản trí tuệ của người Mỹ”. Do đó, “Tổng thống và bất kỳ quan chức, nhân viên hoặc đại diện nào của Mỹ, không được thương lượng hoặc ký kết bất kỳ việc rút, đình chỉ hoặc sửa đổi nào đối với một hiệp định thương mại có ảnh hưởng bất lợi, vô hiệu hoặc làm suy yếu các quyền của Mỹ hoặc các cá nhân Mỹ theo thỏa thuận thương mại đối với Trung quốc hoặc Nga”.
Nếu chính quyền tiến hành các cuộc đàm phán về việc miễn trừ TRIPS, sẽ phải đối mặt với một số rào cản thủ tục mới theo đề xuất sửa đổi. Trước hết, trong vòng 1 năm, Bộ trưởng Thương mại – sau khi tham vấn của USTR, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh – sẽ phải đệ trình một “báo cáo y tế công cộng liên ngành” lên Quốc hội, trong đó “sẽ kết luận rằng liệu việc miễn trừ TRIPS đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 có làm tăng khả năng tiếp cận vắc xin trên toàn cầu hay không.” Ngoài báo cáo này, Bộ trưởng Quốc phòng – cũng sau khi tham vấn của USTR, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh – sẽ được yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra “để xác định tác động của việc từ bỏ TRIPS đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ hay không, đặc biệt là liệu sự từ bỏ đó đối với công nghệ mRNA có thể góp phần vào việc phát triển công nghệ này của Trung quốc, Nga hoặc các quốc gia được cho là nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.”
Về mặt thủ tục, USTR sẽ phải thông báo cho Cơ quan Đăng ký Liên bang về các mục tiêu của mình trong các cuộc đàm phán và công khai kế hoạch của mình để lấy ý kiến công chúng. Sau khi kết thúc thời gian lấy ý kiến, USTR phải đệ trình kế hoạch đàm phán của mình lên ITC, sau đó tiến hành một phiên điều trần công khai và đưa ra một báo cáo về tác động kinh tế có thể xảy ra. Đề xuất sửa đổi cũng yêu cầu tham vấn chặt chẽ với Quốc hội, giải quyết sự chỉ trích lâu dài từ các nhà lập pháp rằng họ không được USTR thông báo một cách thường xuyên.
3. Thúc đẩy phát triển đồng đô la kỹ thuật số
Tại Hội nghị do Coindesk tổ chức ngày 24/5/2021, Lael Brainard, Thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed), đã khuyến khích sự ra đời của đồng đô la kỹ thuật số, một loại tiền điện tử được ngân hàng trung ương hỗ trợ. Theo Lael Brainard đồng tiền kỹ thuật số này có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc cung cấp dịch vụ tài chính cho gần 1/5 số dân Mỹ, những người được cho là bị hạn chế về dịch vụ tài chính. Bà cũng cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này có một số lợi ích khác như an toàn của một hệ thống được Fed hậu thuẫn, các cải tiến về hiệu quả và thanh toán xuyên biên giới hoặc các giao dịch giữa các cá nhân tại các nước khác nhau.
Bà Brainard nhấn mạnh đồng tiền này cần được phát triển một cách thận trọng, nhưng cho rằng đại dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nhu cầu về một hệ thống mà người dân có thể truy cập vào hệ thống tiền điện tử. Bà nói: “Cục Dự trữ Liên bang cam kết đảm bảo rằng công chúng có thể truy cập vào các phương tiện thanh toán an toàn, đáng tin cậy và bảo mật bao gồm cả tiền mặt. Chúng tôi sẽ tìm hiểu, dự đoán nhu cầu và sở thích của các hộ gia đình và doanh nghiệp để có thể dần chuyển sang thanh toán kỹ thuật số”. Những bình luận này được đưa ra vài ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo rằng Ngân hàng trung ương sẽ công bố báo cáo về các vấn đề liên quan đến tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương vào mùa hè này.
Nhìn chung, sự phát triển của Ngân hàng trung ương về tiền điện tử (CBDC) sẽ mang lại cho người tiêu dùng khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với tiền điện tử, giống như sử dụng bitcoin và các loại đồng tiền tương tự. Theo Brainard, mặc dù việc sử dụng tiền mặt tăng đột biến tại một số thời điểm nhất định, nhưng đã có sự chuyển hướng rõ rệt của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sang các giao dịch không tiếp xúc được hỗ trợ bằng thanh toán điện tử. Bà cho biết, bằng cách giới thiệu một loại tiền an toàn của ngân hàng trung ương đến các hộ gia đình và doanh nghiệp trong các hệ thống thanh toán kỹ thuật số, CBDC sẽ giảm thiểu rủi ro tín dụng, rủi ro tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Fed chưa có thời gian cụ thể cho việc phát hành đồng tiền điện tử của riêng mình. FedNow Service, một hệ thống thanh toán có một số điểm giống với đồng đô la kỹ thuật số, dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau hai năm nữa.
4. Những người bảo vệ môi trường cho rằng cơ sở hạ tầng là con đường quan trọng để thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu
Những người ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden coi đây là một công cụ quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu của Tổng thống. Một số người cho rằng đó là cách thích hợp nhất về mặt chính trị để thông qua một số điều khoản mà họ lo ngại rằng có thể không có đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng. Họ lo ngại rằng nếu kế hoạch không được Quốc hội thông qua, có thể khiến các cam kết của Biden như giảm lượng khí thải của Mỹ xuống một nửa mức của năm 2005 vào cuối thập kỷ này khó thực hiện được. Kế hoạch “Việc làm Mỹ” của Tổng thống Biden có một số điều khoản nhằm đối phó với biến đổi khí hậu như phát triển xe điện, cải thiện hiệu suất năng lượng của các tòa nhà và tiêu chuẩn điện sạch. Các điều khoản này yêu cầu các nhà cung cấp điện phải cung cấp năng lượng sạch vào năm 2035.
Kế hoạch xây dựng hạ tầng trị giá khoảng 2,3 nghìn tỷ USD đang vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa vì bị cho rằng quá đắt và dàn trải. Chính quyền Biden đã giảm quy mô kế hoạch xuống 1,7 nghìn tỷ USD sau khi loại bỏ nguồn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển – bao gồm cả khí hậu – nhưng tiếp tục thúc đẩy các khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch và đường dây truyền tải, cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xe điện nhưng đề nghị này cũng không được các đảng viên Cộng hòa đón nhận.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ cho rằng có nhiều cách khác nhau để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Tổng thống Biden. Brad Townsend, Phó chủ tịch phụ trách chính sách và tiếp cận cộng đồng của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng, cho rằng “Đầu tư cơ sở hạ tầng thực sự quan trọng. Bạn cũng sẽ cần các cơ chế chính sách khác, chẳng hạn như các chính sách toàn diện, có thể có nhiều cách tiếp cận dựa trên thị trường khác nhau”, trong đó, tiêu chuẩn điện sạch có thể là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận dựa trên thị trường.
Các quy định của chính quyền cũng được coi là một cách khác để hoàn thành một số mục tiêu khí hậu bên cạnh các hành động của quốc hội. Theo Goldfuss, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách năng lượng và môi trường tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, chính quyền có thể cố gắng đạt được các mục tiêu của mình bằng cách xây dựng một bộ quy định về không khí sạch, tập trung vào ô nhiễm không khí, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, điều này cũng sẽ tác động giúp giảm thiểu ô nhiễm khí hậu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)