Tin Kinh tế Mỹ

0
68
(ảnh minh hoạ)
(Internet)

1. Thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục gặp khủng hoảng dù Tổng thống Mỹ tiếp theo là ai

Ngày 19/10/2020, Công ty phân tích tài chính Mỹ S&P Global công bố báo cáo cho biết, dù không phải đối mặt với nguy cơ suy thoái, song dữ liệu thị trường lao động cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng phục hồi yếu, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (7,9%).

Báo cáo cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 14,7% vào tháng 4/2020 đã phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương của thị trường lao động Mỹ trong giai đoạn đại dịch. Thực trạng này cũng cho thấy, đã có một bộ phận người dân do chán nản vì thiếu việc làm, lo lắng về các biện pháp phòng ngừa y tế, hoặc cần phải ở nhà chăm sóc con cái hoặc người cao tuổi, đã vĩnh viễn rời bỏ lực lượng lao động.

Báo cáo cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Mỹ trong tháng 9/2020 sẽ là 10,3% nếu tính thêm tất cả số lượng người dân đã rời bỏ lực lượng lao động kể từ tháng 2/2020 (trong đó chủ yếu là lao động nữ); đồng thời đưa ra dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ không giảm về mức trước thời điểm đại dịch cho đến sau 2024. Trước bối cảnh trên, S&P Global nhận định Chính quyền mới sẽ cần đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho người lao động, thông qua các biện pháp như: tiếp tục đưa ra các gói kích thích kinh tế, thúc đẩy cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách thương mại và thuế.

S&P Global đưa ra một số dự báo nếu cựu phó Tổng thống Biden lên nắm quyền: (i) Về cơ sở hạ tầng, đề xuất gói đầu tư trị giá 2 nghìn tỷ USD của Biden có thể tăng thêm 5,7 nghìn tỷ USD vào GDP của Mỹ trong 10 năm và tạo ra khoảng 2,3 triệu việc làm tới năm 2024; (ii) Về thương mại, dù cả Biden và Trump đều cam kết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, song S&P Global tỏ kỳ vọng Biden sẽ chú trọng hơn vào việc tập hợp liên minh, giảm các chính sách bảo hộ có thể gây rủi ro cho một số ngành công nghiệp nhạy cảm như lĩnh vực sản xuất ô tô; (iii) Về điều chỉnh chính sách thuế, ủng hộ chủ trương tăng thuế doanh nghiệp của Biden, cho rằng chính sách giảm thuế doanh nghiệp của Chính quyền Trump không phát huy hiệu quả, làm tăng nợ quốc gia, trong khi nhiều công ty trên thực tế đã không sử dụng nguồn tiền tiết kiệm được từ chính sách trên cho việc tái đầu tư hay mở rộng quy mô sản xuất.

2. Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney dự đoán COVID-19 sẽ thay đổi cách Mỹ thúc đẩy các hoạt động thương mại và nông nghiệp ngoài nước.

Ngày 19/10/2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Ted McKinney đánh giá rằng, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, các hoạt động thương mại và nông nghiệp ngoài nước của Mỹ đã tìm cách thích ứng thông qua hình thức trao đổi trực tuyến; và các biện pháp này vẫn có thể đem lại thành công. Thời gian tới, hình thức trao đổi trực tuyến sẽ được Bộ Nông nghiệp sử dụng nhiều hơn trong các hoạt động thương mại và đối ngoại, dù việc trao đổi trực tiếp, nhất là trong hoạt động giới thiệu sản phẩm vẫn có ưu thế nhất định.

Ông McKinney cho biết, khi các biện pháp hạn chế đối phó với dịch Covid được gỡ bỏ, Bộ Nông nghiệp sẽ nối lại việc thúc đẩy cho khoảng 08 kế hoạch thương mại nông nghiệp lớn đang bị ngưng trệ. Theo đó, bên cạnh các chuyến thăm trực tiếp, Bộ Nông nghiệp sẽ tổ chức thêm các sự kiện triển lãm thương mại trực tuyến do các thuận lợi trong việt tổ chức, cũng như khả năng tiếp cận được một lượng lớn người tham dự.

Nhận định về các thị trường mới của Mỹ, Thứ trưởng McKinney cho biết đã từng chuyển danh sách các nước mà Mỹ nên tập trung thúc đẩy thương mại về nông nghiệp cho Trưởng đoàn đàm phán Nông nghiệp tại USTR, Gregg Doud, trong đó có nêu Việt Nam và Philippines. Ông McKinney tin rằng Mỹ có cơ hội to lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và Việt Nam hiện là đối tác đang có sức mua cao; khẳng định Mỹ có cơ hội tăng trưởng rất lớn tại Việt Nam cùng các nước Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Bộ Nông nghiệp Mỹ hiện đã làm việc với tất cả đối tác trên cơ sở mục tiêu đa dạng hóa thị trường tại khu vực.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here