Tin Kinh tế Mỹ

0
50
(AFP)
(Twitter)

1. Đề xuất ngân sách 2020 cho thấy chính quyền Biden không lo ngại về thâm hụt ngân sách

Ngày 28/5/2021, báo the Washington Post (WP) đăng bài phân tích cho biết đề xuất ngân sách trị giá khoảng 6000 tỷ USD của Tổng thống Biden cao hơn mức chi tiêu của Chính phủ Mỹ trước đại dịch khoảng 35%, sẽ tập trung vào các trọng tâm ưu tiên từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống, trong đó có đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu, cầu đường, đường truyền Internet tốc độ cao, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người dân. Về cơ bản, đề xuất ngân sách của chính quyền Biden gửi đi thông điệp rõ ràng rằng nhiều thành viên của phe Dân chủ không lo ngại vấn đề thâm hụt ngân sách.

Điều này cho thấy sự khác biệt trong suy nghĩ về thâm hụt ngân sách đối với chính quyền Obama, chính quyền vốn có nhiều nỗ lực nhằm giảm đáng kể thâm hụt ngân sách trong nhiệm kỳ thứ 02 khi nền kinh tế Mỹ đã được cải thiện. Chính quyền Biden hiện dự đoán thâm hụt ngân sách năm tài khóa 2022 sẽ là 1,8 nghìn tỷ USD và khoảng 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm sau đó trong vòng 10 năm tới.

Theo lập luận của Nhà Trắng, một kế hoạch chi tiêu như vậy sẽ đưa tăng trưởng kinh tế của Mỹ vào giai đoạn bền vững; Mỹ khi đó sẽ hưởng thành quả là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, thị trường lao động ở chế độ toàn dụng, lạm phát luôn duy trì ở mức không quá 2,3%, và trong ngắn hạn sẽ không có tác dụng phụ tiêu cực nào. Lập luận này hiện đang vấp phải sự nghi ngờ từ các nhà kinh tế cũng như giới đầu tư phố Wall, cho rằng việc chi tiêu chính phủ tăng quá nhanh sẽ gây lạm phát không mong muốn, tình trạng leo thang giá cả sẽ diễn ra trên diện rộng, và tình trạng lạm phát kéo dài như vậy sẽ buộc phải có các hành động kiểm soát như điều chỉnh tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang (FED). Một kịch bản như vậy thường sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế.

Cũng có nhiều nhà kinh tế cho rằng thời điểm hiện nay là cơ hội duy nhất để Mỹ có thể tiến hành vay với giá rẻ và đầu tư mạnh vào giáo dục và cơ sở hạ tầng. Đây cũng là lập luận mà nhóm quan chức hàng đầu trong Nhà Trắng sử dụng để giải thích cho các khoản đầu tư lớn. Đây là cơ hội để thúc đẩy trọng tâm của chính quyền Biden nhằm thu hút nhiều hơn người lao động Mỹ quay trở lại thị trường việc làm và đầu tư vào các lĩnh vực có thể cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc.

Thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay cũng đang thúc đẩy suy nghĩ mới về thâm hụt ngân sách. Lãi suất hiện đang ở mức 0% và FED đã nhiều lần để ngỏ việc lãi suất khó có thể tăng trước năm 2024 (tức là toàn bộ nhiệm kỳ của Tổng thống Biden). Điều này cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu cao trong việc mua nợ của Chính phủ Mỹ. Đà phục hồi nhanh chóng chưa từng thấy của nền kinh tế Mỹ từ 2020 tới nay cũng cho thấy nhiều khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đó, vốn chứng kiến sự phục hồi từ từ, và lạm phát tới tháng 04/2021 đã cao hơn dự kiến. Dự đoán giá cả sẽ tiếp tục tăng mạnh vào mùa hè khi nền kinh tế mở cửa trở lại và người dân tăng chi tiêu tiêu dùng.

Tóm lại, chính quyền Biden đang theo đuổi một sự thay đổi lớn và táo bạo thông qua sự gia tăng đáng kể mức chi tiêu, trong khi Mỹ trước đây chỉ quen với việc dần điều chỉnh chính sách. Việc Biden mong muốn nước Mỹ không quan tâm tới thâm hụt ngân sách trong một khoảng thời gian được cho cũng sẽ là một đòi hỏi lớn.

2. Thống đốc FED Lael Brainard: Đà phục hồi kinh tế Mỹ có nhiều tiến triển, song vẫn còn xa mới đạt mục tiêu

Ngày 01/06/2021, Reuter dẫn phát biểu của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Lael Brainard tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, cho biết Mỹ đang tiến gần hơn đến mục tiêu thị trường lao động toàn dụng và mức lạm phát 2%, song các vấn đề còn tồn tại sẽ buộc ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ hiện nay cho đến khi tình hình có tiến triển mới. Bà Brainard lưu ý, một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hiện nay, như mức chi tiêu tài chính và lợi thế chi tiêu nhanh chóng của việc mở cửa kinh tế rộng rãi hơn, dường như đang suy giảm. Đây cũng là lý do để FED không thay đổi quá sớm các chính sách tiền tệ hiện hành.

Theo Reuters, FED đang bước vào những tháng quan trọng để có thể hiểu được đúng về sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mở cửa trở lại sau đại dịch. Những đánh giá vốn có gặp nhiều khó khăn ở thời kỳ bình thường sẽ còn trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong bối cảnh mô hình chi tiêu và việc làm sẽ bị thay đổi vĩnh viễn bởi COVID-19. Việc bà Branaird thay đổi quan điểm, chuyển từ việc kêu gọi FED kiên nhẫn sang khẳng định FED sẽ kiên định với đánh giá của mình, có thể là chỉ dấu của một sự thay đổi quan trọng. Nhà kinh tế Michael Feroli đánh giá rằng điều này có thể là thời điểm điều chỉnh chính sách của FED sẽ tới sớm hơn so với dự kiến trước đây.

Trả lời phỏng vấn của ông Feroli, Thống đốc Brainard chia sẻ thêm rằng giá cả hiện đang bị đẩy lên cao hơn do tình trạng khan hiếm đột ngột của chip bán dẫn, cùng với việc gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu mua ô tô của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giới hoạch định cần thêm thời gian để điều chỉnh chính sách, cũng như tìm hiểu thêm lí do khiến người lao động do dự trong việc trở lại thị trường lao động. Trong trao đổi, bà Brainard cũng khẳng định sẽ chú ý tới các dấu hiệu lạm phát cao hơn, song cũng cảnh báo việc thắt chặt quá sớm sẽ hạn chế cơ hội tìm việc làm của người lao động.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here