Tin Kinh tế Mỹ

0
46
(Twitter)
(Twitter)

1. Apple và các công ty khác của Mỹ đang chịu áp lực có phản ứng với sự ‘đàn áp’ của Trung Quốc

Theo CNBC, Thượng nghị sĩ Chris Coons (D-Del) cho biết Apple, Cisco và các công ty khác của Mỹ có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc phải có phản ứng đối với “sự đàn áp nhân quyền và dân chủ” của Bắc Kinh.

Thượng nghị sĩ Chris Coons đã so sánh mối quan hệ Mỹ-Trung với việc Mỹ “tách rời” khỏi Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh. Trong khi quan hệ kinh doanh của Mỹ hiện nay với Trung Quốc bền chặt hơn nhiều so với Liên Xô, ông cho rằng một số khoảng cách đang dần dần xuất hiện giữa hai siêu cường kinh tế. Coons chỉ trích cái mà ông gọi là “Vạn lý Trường thành Tường lửa” vì Trung Quốc đã sử dụng để hạn chế Internet ở Trung Quốc, thực hiện kiểm duyệt và giám sát, đàn áp người dân. Ông cũng lưu ý rằng cả chính quyền Biden và chính quyền Trump đều gọi cách Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng. Theo ông, các công ty đang cố gắng sản xuất và hoạt động ở cả hai quốc gia đang phải đối mặt với những câu hỏi ngày càng khó từ phương Tây về những việc các công ty này phải làm để giúp giải quyết việc đàn áp nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc và do người Trung Quốc thực hiện ở những nơi khác trên thế giới. Khi được hỏi những công ty đó nên nói gì với Trung Quốc ngay bây giờ, Coons trả lời “Hãy ngừng ăn cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi”. Ông buộc tội Trung Quốc vì đã buộc các công ty chuyển giao công nghệ cho các hoạt động ở Trung Quốc, sau đó thẳng tay đánh cắp chúng và bây giờ lại cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao vắc-xin và phấn đấu cho thế hệ công nghệ tiếp theo.

Coons đã ca ngợi dự luật sản xuất và công nghệ trị giá 250 tỷ USD, nhằm mục đích định vị Mỹ để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Ông cho rằng các khoản đầu tư đáng kể của dự luật vào chất bán dẫn, 5G, điện toán lượng tử và các ngành công nghiệp khác sẽ khiến Mỹ và các đồng minh thân cận vượt lên trước trong phát triển thế hệ công nghệ kép tiếp theo sử dụng cho cả dân sự và quân sự.

2. Mỹ nối lại đàm phán thương mại TIFA với Đài Loan

Theo Inside Trade ngày 10/6/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết Mỹ đã cam kết nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Đài Loan trong thời gian tới theo Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư của hai nước.

USTR Katherine Tai hôm thứ Năm đã gặp gỡ Bộ trưởng Đài Loan John Deng để thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ – Đài Loan và việc Mỹ tiếp tục hợp tác với Đài Loan về các vấn đề cùng quan tâm trong các cơ chế đa phương. Hai bên đồng ý triệu tập cuộc họp Hội đồng TIFA lần thứ 11 dưới sự bảo trợ của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ.

Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, nhưng vẫn duy trì quan hệ không chính thức với Đài Bắc thông qua AIT. Năm 2007, Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với Đài Loan trong khuôn khổ TIFA, nơi đưa ra các khuôn khổ và nguyên tắc chiến lược cho các cuộc đối thoại về thương mại và đầu tư. Các cuộc đàm phán hàng năm với Đài Loan đã bị đình trệ trong vài năm; lần cuối cùng được tổ chức vào năm 2016, dưới thời chính quyền Obama.

Thông báo của USTR được đưa ra hai ngày sau khi Ngoại trưởng Antony Blinken nói với một ủy ban ở Hạ viện rằng Mỹ đã tham gia vào các cuộc trao đổi với Đài Loan, hoặc sẽ sớm đạt được một số loại thỏa thuận khung. Tuyên bố của Blinken đã bị Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã kêu gọi Mỹ dừng bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào với Đài loan và nói rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ thỏa thuận nào của Mỹ với Đài Loan có “ý nghĩa chủ quyền và bản chất chính thức”.

Trong những năm gần đây, các nhà lập pháp đều thúc giục USTR theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan, cho rằng nó có thể là một cách để chống lại Trung Quốc. Chính phủ Đài Loan đã tỏ quan tâm mạnh mẽ đến việc bắt đầu các cuộc đàm phán về FTA. Trong một nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận thương mại, Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-Wen vào tháng 8 năm 2020 đã tuyên bố Đài Loan sẽ giảm bớt các hạn chế đối với nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã không theo đuổi việc có một thỏa thuận với Đài Loan và đến nay, chính quyền Biden cho biết họ sẽ tập trung vào chính sách đối nội trước khi theo đuổi bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nào.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here