Tin Kinh tế Mỹ

0
61
(minh hoạ)
(Internet)

1. Bộ Ngoại giao Mỹ: Mỹ đang âm thầm khám phá các cơ hội thương mại ở châu Á

Ngày 06/7/2021, Inside Trade dẫn tin cho biết, điều phối viên tại Hội đồng An ninh Quốc gia về Ấn Độ – Thái Bình Dương, Kurt Campbell tại hội thảo do Viện Asia Society tổ chức đã cho biết chính quyền Biden, trong khi tập trung vào các ưu tiên kinh tế trong nước, đang âm thầm tìm kiếm các sáng kiến thương mại tiềm năng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tuyên bố trên của ông Campbell được đưa ra nhằm trả lời câu hỏi của phó Chủ tịch Asia Society, bà Wendy Cutler, cựu quan chức tại USTR, về chương trình nghị sự thương mại của chính quyền Biden, và liệu trong đó có bao gồm một sáng kiến thương mại ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay hay không.

Ông Kurt Campbell cho biết chính quyền Biden thừa nhận Mỹ cần một chương trình nghị sự thương mại hướng tới tương lai trong khu vực và nhận thức được rằng các đồng minh của Mỹ tại khu vực muốn thấy Mỹ tham gia nhiều hơn vào các chương trình thương mại đa phương; khẳng định chính quyền có thể thực hiện từng bước phát triển các sáng kiến thương mại đối với khu vực. Tuy nhiên, ông Campbell cũng không đưa ra mốc thời gian về việc Mỹ có thể tăng cường tham gia thương mại đối với khu vực, đề xuất Mỹ sẽ can dự cùng các đồng minh khu vực trong đối phó với Trung Quốc trên cơ sở tương đồng lợi ích với Mỹ, đồng thời cho rằng cách tiếp cận của Chính quyền Trump trong vấn đề Trung Quốc đã không hiệu quả.

Theo Inside Trade, hiện Tổng thống Biden đang tập trung vào các sáng kiến trong nước trước khi theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại mới. Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Anh hay Kenya, vốn được bắt đầu từ dưới chính quyền Trump, cũng như tiến hành gia hạn Thẩm quyền đàm phán nhanh (TPA) đã hết hạn vào tuần trước.

Tại Quốc hội, các nghị sỹ của cả 2 đảng đang thúc giục Chính quyền ưu tiên các thỏa thuận thương mại mới với các đồng minh của Mỹ, trong đó có đồng minh tại khu vực châu Á. Việc Mỹ nối lại đàm phán TIFA với Đài Loan vào tuần trước, trong đó có cả Thỏa thuận khung về Thương mại và đầu tư song phương đã thu hút sự chú ý của nội bộ cũng như dư luận Mỹ. Các nghị sỹ tại Ủy ban Tài chính Thượng viện được cho là cũng đang kêu gọi Mỹ quay trở lại với CPTPP.

2. Tòa án Thương mại Quốc tế ra lệnh đình chỉ thu các khoản thuế liên quan tới điều tra 301

Ngày 06/7/2021, Inside Trade cho biết Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (USCIT) theo yêu cầu trong đơn kiện chính phủ Mỹ của hơn 3.500 công ty đã lệnh cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) tạm dừng việc thu các biểu thuế theo điều khoản 301.

Theo Inside Trade, các nhà nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ đang đệ đơn kháng cáo tính hợp pháp của các biện pháp thuế nhằm vào khối hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên 320 tỷ USD do chính quyền Trump áp đặt theo Điều khoản 301 của Luật Thương mại 1974. Theo đó CBP đã tiến hành thu phần tiền đặt cọc cho các khoản thuế khi các nhà sản xuất nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ. Khoản tiền này thường sẽ được giữ trong khoảng 10 tháng, giai đoạn CBP sẽ tiến hành xem xét, phân loại và định giá hàng hóa trước khi đưa ra quyết định về phần tiền thuế cuối cùng mà các nhà nhập khẩu phải nộp.

Theo đơn kiện tháng 04/2021 của các nhà nhập khẩu, chính phủ Mỹ đã tuyên bố CIT không thể ra lệnh buộc CBP hoàn lại các khoản thuế đặt cọc. Quyết định này đã khiến các nhà nhập khẩu đệ đơn yêu cầu Tòa án ban hành một phán quyết sơ bộ nhằm buộc CBP tạm dừng việc thu thêm các khoản đặt cọc. Động thái này là để nhằm giúp các nhà nhập khẩu có thể có cơ hội được nhận lại phần hoàn thuế nếu thành công trong việc kháng cáo đối với việc áp thuế theo điều khoản 301.

Theo đó, trong tuần này CIT đã chấp nhận yêu cầu và đã ra lệnh cho chính phủ trong vòng 14 ngày cần có hình thức để tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu hàng hóa đệ đơn tạm dừng nộp phần tiền cọc cho các khoản thu thuế. Một khi các đơn đã được đệ trình, CBP sẽ không được phép thu tiền cọc đối với các nhà nhập khẩu này. Được biết, lệnh của CIT sẽ có hiệu lực trong vòng 28 ngày.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here