Tin Kinh tế Mỹ

0
124
(minh hoạ)
(Internet)

1. Sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Biden khẳng định vị thế nắm giữ quyền lực đối với nền kinh tế Mỹ

Ngày 9/7/2021, báo Washington Post (WP) đăng bài bình luận về Sắc lệnh hành pháp mới của Tổng thống Biden nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, theo đó đã đưa ra 72 sáng kiến nhằm kiềm chế các công ty quyền lực có khả năng kiểm soát thị trường và dẫn tới tình trạng độc quyền về mặt hàng và giá cả. Sắc lệnh được cho là sẽ thách thức hoạt động kinh doanh của các công ty về công nghệ, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và sản xuất. Phát biểu trước khi ký, Tổng thống Biden cho rằng trọng tâm của chủ nghĩa tư bản Mỹ đơn giản là cạnh tranh cởi mở và công bằng, cho rằng cạnh tranh giữ cho nền kinh tế vận động cũng như giữ cho nó phát triển. Đây là lý do tại sao chủ nghĩa tư bản là động lực lớn nhất của thế giới đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng.

WP thông tin thêm rằng Sắc lệnh đã đề ra một loạt lĩnh vực được cho là cần cải cách, trong đó khuyến khích các cơ quan quản lý liên bang đưa ra các quy tắc mới về hoạt động thu thập dữ liệu và giám sát người dùng của các công ty công nghệ, cách thức hoạt động của các gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google, Apple và Amazon đã làm để có được vị thế thống trị. Sắc lệnh cũng đưa ra hàng loạt điều chỉnh đối với lĩnh vực dược phẩm, hàng không…. song ảnh hưởng nhất vẫn là lĩnh vực công nghệ thông tin. Sắc lệnh khuyến nghị giám sát kỹ hơn đối với các thương vụ mua bán và sát nhập của các tập đoàn lớn, nhất là đối với các startup đối thủ non trẻ.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Lina Khan và quyền Trưởng phòng phụ trách chống độc quyền của Bộ Tư pháp có mặt tại lễ ký của Tổng thống Biden cho biết sẽ khởi động một cuộc đánh giá chung về các hướng dẫn sát nhập với mục tiêu điều chỉnh các quy định này theo hướng khắt khe hơn. Sắc lệnh hành pháp cũng kêu gọi FTC đặt ra các quy tắc mới để chống lại vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong các thị trường trực tuyến. Những người chỉ trích đã bày tỏ quan ngại về vai trò kép của các công ty như Amazon hay Apple khi vừa là nhà điều hành thị trường song cũng là bên tham gia vào thị trường, cạnh tranh với các nhà bán lẻ hoặc phát triển ứng dụng ít tên tuổi và có tiềm lực nhỏ hơn.

Qua Sắc lệnh này, chính quyền Biden cũng muốn xem xét đưa ra các hướng dẫn mới về giám sát và thu thập thông tin sau những bê bối lớn về quyền riêng tư liên quan đến dữ liệu do Facebook và các ông trùm công nghệ khác nắm giữ. Sắc lệnh cũng khuyến khích khôi phục các quy tắc trung lập từ thời Obama, theo đó yêu cầu các nhà cung cấp Internet phải đối xử bình đẳng với tất cả các truy cập mạng; đồng thời kêu gọi Ủy ban Truyền thông Liên bang phục hồi lại các kế hoạch nhằm dán nhãn băng thông rộng giúp làm rõ hơn số tiền người dân phải chi trả cho các dịch vụ Internet.

Theo đánh giá của WP, nỗ lực của Nhà Trắng phản ánh một sự thay đổi lớn trong giới hoạch định chính sách của đảng Dân chủ, nơi sản sinh một thế hệ các nhà kinh tế mới đã nghiên cứu và ủng hộ lập luận rằng việc hợp nhất doanh nghiệp đã gây hại cho người lao động và người tiêu dùng. Tuy nhiên bước đi này của chính quyền cũng sẽ đặt ra thách thức khi có khả năng phải đối mặt với sự phản kháng gay gắt từ các doanh nghiệp, vốn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tòa án; ví dụ như vụ kiện chống độc quyền của FTC liên bang gần đây đưa ra nhằm chống lại Facebook.

Ngoài ra, Sắc lệnh này chưa thể đi vào hiệu lực ngay, thay vào đó sắc lệnh đưa ra một văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan liên bang cần bắt đầu các quy trình làm việc riêng của mình, cũng như đưa ra các khuyến nghị đối với một số cơ quan độc lập có vai trò quan trọng với các hoạt động chống độc quyền như FTC.

2. Các nhà kinh tế dự báo tình trạng lạm phát sẽ có xu hướng tăng trong các năm tới

Ngày 11/7/2021, Wall Street Journal dẫn kết quả khảo sát cho thấy việc nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gián đoạn kéo dài do đại dịch sẽ khiến tỷ lệ lạm phát trên 2% sẽ duy trì tới năm 2023. Theo đó, khảo sát của WSJ đưa ra nhằm tìm hiểu các dự báo về khoảng thời gian sẽ diễn ra lạm phát ở mức cao so với các đánh giá từ tháng 4/2021. Các trả lời cho thấy mức lạm phát có khả năng tăng lên 3,2% vào quý IV/2021 và giảm xuống dưới 2,3% vào các năm 2022 và 2023.

Tuy nhiên, trong báo cáo của mình cuối tuần trước, FED vẫn giữ quan điểm cho rằng lạm phát tăng trong giai đoạn hiện nay là do các khó khăn và gián đoạn trong khâu tuyển dụng, cùng với các yếu tố tạm thời khác do ảnh hưởng của đại dịch tới phục hồi kinh tế; tin tưởng rằng lạm phát sẽ giảm xuống dưới 2% trong vòng 2 năm tới.

Theo đánh giá của nhà kinh tế trưởng tại công ty Naroff Economics, Joel Naroff, kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp, bước sang thời kỳ lạm phát và lãi suất cao hơn so với những gì đã từng chứng kiến trong 20 năm qua. Ông Naroff cùng các chuyên gia kinh tế khác cho rằng tình trạng lạm phát cao hiện nay có thể tạo ra những thách thức mới cho các hộ gia đình, các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, vốn kỳ vọng vào một mức lạm phát bằng hoặc dưới 2%. Nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton, Dinae Swonk đánh giá tình trạng lạm phát tăng dự kiến sẽ diễn ra lâu hơn so với dự đoán trước đây của FED, cho rằng FED khả năng sẽ phải tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

WSJ nhận định nếu đánh giá của các nhà kinh tế là đúng thì khả năng cao FED sẽ phải tăng lãi suất cơ bản sớm hơn hoặc cao hơn mức mong đợi nhằm giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5/2021 đã tăng lên 3,9%, gần gấp đôi mục tiêu 2%. Một số lo ngại cho rằng FED có thể hành động quá chậm. Nhà kinh tế trưởng tại Hội đồng hóa học Mỹ, ông Kevin Swift cho rằng hiện đang có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng giá cả đang tăng nhanh trong khi các cơ quan quản lý chính sách tiền tệ sẽ cần có trách nhiệm điều chỉnh và kiểm soát đường cong này.

WSJ cũng cho rằng sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, chi phí vận chuyển cao và tình trạng thiếu lao động có thể chỉ là tình trạng tạm thời khi thị trường điều chỉnh theo sự gián đoạn. Tuy nhiên, sự kết hợp của nguồn tài trợ kích thích liên bang dồi dào, nguồn dự trữ tiết kiệm hộ gia đình và việc đẩy mạnh tiêm chủng vắcxin trên diện rộng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng vọt, cho phép các doanh nghiệp tăng giá đáng kể lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng cũng đang bắt đầu dự đoán về mức lạm phát cao hơn. Theo khảo sát về người tiêu dùng của Đại học Michigan, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng đã tăng lên 2,8% vào tháng 6/2021, tương đương với mức tỷ lệ năm 2014. Lạm phát cao hơn trong vài năm tới sẽ tác động lên nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau như ảnh hưởng tới chi tiêu gia đình, chi phí đi vay, kìm hãm tăng trưởng đối với lãi suất nhà ở, và đặc biệt là ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here