1. Số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp theo tuần của Mỹ giảm xuống dưới 500.000, dấu hiệu thị trường lao động đang trở về mức trước đại dịch
Ngày 6/5/2021, CNBC dẫn thông báo của Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp tuần cuối tháng 4 là 498.000, lần đầu tiên xuống dưới mức 500.000 kể từ đầu đại dịch COVID-19. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với dự đoán của Dow Jones là 527.000.
Theo CNBC, việc các hạn chế đang tiếp tục được dỡ bỏ đã khiến số lượng đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong các tuần gần đây giảm xuống. Tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn cần thêm một khoảng thời gian dài để có thể phục hồi hoàn toàn.
Nhà kinh tế Robert Frick đánh giá trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước đại dịch sớm hơn 2 năm, việc số lượng việc làm gia tăng đang giúp giảm các căng thẳng về tài chính và nghèo đói. Ông Robert Frick cũng dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ ít nhất trong suốt giai đoạn mùa hè năm nay.
2. Chính quyền Biden có khả năng tiếp tục duy trì các biện pháp cấm đầu tư vào Trung Quốc của Tổng thống Trump
Ngày 6/5/2021, Bloomberg đưa tin Chính quyền Biden có khả năng duy trì áp lực với Trung Quốc thông qua việc tiếp tục giới hạn các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, vốn được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump. Các quan chức trong Chính quyền được cho là vẫn đang thảo luận sơ bộ về các lệnh cấm đầu tư với các công ty có liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong đó có 3 tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc.
Theo lệnh cấm, các nhà đầu tư Mỹ có thời hạn một năm để ngừng quan hệ làm ăn với các công ty có tên trong danh sách. Danh sách đầu tiên được đưa ra từ giữa năm 2020 và thời hạn ngừng giao dịch là ngày 27/5/2021; còn thời hạn với các công ty trong danh sách bổ sung tháng 11/2020 là ngày 11/11/2021. Một điều luật quốc phòng được ban hành từ tháng 1/2021 cho phép Chính quyền Biden mở rộng lệnh cấm đầu tư ra ngoài lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, gồm bất kỳ công ty Trung Quốc nào liên quan đến các hoạt động gián điệp, vi phạm nhân quyền…
Theo Bloomberg, Tổng thống Biden đang gặp nhiều căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, danh sách hạn chế đầu tư mà Chính quyền Trump công bố từ tháng 11/2020 đã tạo ra một cuộc xung đột khiến Trung Quốc đe dọa sẽ theo đuổi các hành động pháp lý nếu các tập đoàn toàn cầu tuân theo lệnh cấm của Mỹ.
Tuy nhiên, các lệnh giới hạn đầu tư này đang vấp phải phản ứng mạnh từ giới tài chính phố Wall. Nhiều nhân vật đang kêu gọi Chính quyền Biden rút lại lệnh cấm. Hoặc ít nhất, các ngân hàng mong muốn Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính công bố các hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện lệnh cấm. Theo cựu quan chức về trừng phạt hàng đầu tại Bộ Tài chính Mỹ John Smith, hiện là đối tác của công ty luật Morrison & Forrester, các tổ chức tài chính toàn cầu có giao dịch chứng khoán với các công ty quân sự của Trung Quốc đang phải dừng các hoạt động do lo sợ vi phạm trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, OFAC chỉ có một số hướng dẫn hạn chế về việc các ngân hàng lớn có hàng ngàn nhân viên, những ngân hàng phải tuân thủ lệnh cấm đầu tư này, có thể hoạt động như thế nào trong thương mại quốc tế.
Các Phát ngôn của Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh Quốc gia từ chối bình luận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong nhiều phát biểu đã tái khẳng định lập trường tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc có từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)