1. Đại dịch COVID-19 thúc đẩy tăng trưởng y tế từ xa, song gây tổn thương cho các ngành dịch vụ khác
Ngày 3/5/2021, Inside Trade dẫn báo cáo của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) về tác động của đại dịch COVID-19 lên nhu cầu, sản lượng, phương thức cung cấp và năng suất ở một số lĩnh vực thương mại dịch vụ. Theo đó, đại dịch đã ngăn cản sự phát triển của thương mại dịch vụ trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục quốc tế, kiến trúc và kỹ thuật, song thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là dịch vụ y tế từ xa.
Theo báo cáo của ITC, Mỹ là nhà xuất nhập khẩu về dịch vụ lớn nhất thế giới vào năm 2019, song đã giảm tới 27% giai đoạn giữa năm 2020. Tỷ lệ người dân sử dụng một số dịch vụ như y tế từ xa đã tăng mạnh trong năm 2020. Số liệu thăm dò trong báo cáo cho thấy có 46% người được hỏi đã sử dụng dịch vụ này, so với 11% năm 2019. Báo cáo dự đoán tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế từ xa khó có thể duy trì ở mức cao như hiện nay, song trong tương lai vẫn sẽ được sử dụng nhiều.
Đại dịch cũng thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ thiết kế kiến trúc và kỹ thuật cho bệnh viện và các cơ sở sản xuất dược phẩm. Báo cáo nhận định các gói kích thích kinh tế của chính phủ vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là trong quản lý nước thải, giao thông vận tải và chăm sóc sức khỏe về lâu dài cũng sẽ góp phần hỗ trợ phát triển cho mảng dịch vụ nêu trên.
Tuy nhiên, các hoạt động của ngành dịch vụ giáo dục đang gặp khó khăn lớn. Số lượng sinh viên nước ngoài học tập tại Mỹ – nguồn đóng góp lớn nhất cho thương mại xuyên quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục đã giảm mạnh trong năm 2020 do COVID-19. Vào học kỳ mùa thu năm 2020, mức giảm là 43% so với thời điểm năm 2019.
2. Chính quyền Biden đối mặt với sức ép phải dỡ bỏ bằng sáng chế vắc-xin
Theo The Hill ngày 4/5/2021, một nhóm nghị sỹ Đảng Dân chủ, trong đó có HNS Lloyd Doggett (Texas), Jan Schalowsky (Illinois), Earl Blumenauer (Oregon) và Rosa Delauro (Connecticut), chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, đã kêu gọi Chính quyền Biden sớm dỡ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các bằng sáng chế vắc-xin, hoặc có các hành động giúp chia sẻ vắc-xin nhiều hơn với các nước khác trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục gia tăng trên toàn cầu. Vào tháng trước, Thượng nghị Sĩ Bernie Sanders cùng với 9 Thượng nghị Sĩ đảng Dân chủ cũng đã gửi thư lên Chính quyền với nội dung tương tự. Trong chương trình “Meet the Press” của NBC Chủ Nhật vừa rồi, Thượng nghị Sĩ Sanders tái khẳng định quan điểm dỡ bỏ bỏ hộ bằng sáng chế, cho rằng các công ty dược phẩm cần chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ về vắc-xin cho các nước khác để có thể sản xuất vắc-xin đáp ứng nhu cầu cho các nước nghèo.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng bằng sáng chế và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không phải là rào cản chính trong việc tăng khả năng tiếp cận vắc-xin toàn cầu, mà vấn đề nằm ở năng lực và công nghệ sản xuất của các nhà máy và tính phức tạp trong khâu sản xuất. Chuyên gia về chính sách tại Trung tâm Phát triển toàn cầu, bà Rachel Silverman cho biết sở hữu trí tuệ là một phần cần thiết nhưng vẫn chưa đủ để các nước có thể sản xuất những dòng vắc-xin như vây; đồng thời cho rằng các nhà sản xuất vắc-xin có thể bị gây áp lực buộc phải tham gia nhiều hơn vào thỏa thuận cấp phép tự nguyện để chia sẻ thông tin chi tiết với các nước khác về quy trình sản xuất; gợi ý Mỹ nên có các biện pháp giúp xây dựng năng lực sản xuất vắc-xin toàn cầu như đưa ra các đơn đặt hàng lớn đối với vắc-xin. Phía các nhà sản xuất vắc-xin hiện đang phản đối mạnh mẽ việc dỡ bỏ bằng sáng chế vắc-xin dù cũng đã đưa ra đề xuất về thỏa thuận cấp phép tự nguyện. Pfizer lập luận việc dỡ bỏ bằng sáng chế dẫn tới việc các nguyên liệu thô khan hiếm được tiếp cận với chi phí bằng 0 sẽ khiến việc sản xuất vắc-xin trở nên khó khăn hơn, cho biết vắc-xin của Pfizer cần 280 nguyên liệu từ 86 nhà cung cấp ở 19 quốc gia.
Hiện Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden hiện vẫn chưa có quyết định đối với việc này, khẳng định trọng tâm của chính quyền hiện giờ là tối đa hóa sản xuất và cung cấp vắc-xin cho thế giới với chi phí thấp nhất; việc dỡ bỏ bằng sáng chế hiện vẫn là một lựa chọn đang được cân nhắc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)