1. Một số ảnh hưởng của nền kinh tế phát triển nóng của Mỹ đến sự phục hồi của các quốc gia.
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ làm sáng lên triển vọng kinh tế cho các quốc gia gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ sắp tới của Mỹ có thể tạo ra một số khoảng cách trong nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2021, nhanh nhất kể từ năm 1984. Theo OECD, sự tăng trưởng đó có thể giúp nền kinh tế Mỹ trở nên mạnh hơn nữa vào cuối năm nay và Mỹ sẽ là động lực chính trong tăng trưởng toàn cầu năm 2021.
Chương trình tiêm chủng của Mỹ, được triển khai nhanh hơn so với hầu hết các nước Châu Âu và Châu Á, đã đưa các hoạt động kinh tế bình thường trở lại nhanh hơn, tuy nhiên, gói cứu trợ và kích thích kinh tế lớn thứ hai của Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quyết định. Rất ít quốc gia giàu có khác làm được như Mỹ. Nền kinh tế phát triển nóng của Mỹ đang đẩy nhanh sự phục hồi ở nhiều nơi, đặc biệt là đối với các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Điều này mang lại lợi ích cho các quốc gia như Việt Nam. Theo ước tính của công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes, chỉ riêng gói cứu trợ của Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam trị giá khoảng 1,4% GDP trong 2 năm tới, giúp bù đắp cho các thiệt hại mà Việt Nam phải gánh chịu do đại dịch, nhất là thiệt hại từ du lịch. Tại Thái Lan, xuất khẩu được dự báo sẽ tăng 3%-5% trong năm nay, cùng với mức tăng trưởng 10% -11% doanh số bán hàng với Mỹ. Ngành công nghiệp phụ tùng ô tô của Thái Lan, lớn nhất ở Đông Nam Á, có thể tăng trở lại mức 22 tỷ USD doanh thu ở nước ngoài trong năm nay, bằng với mức của năm 2019, sau khi giảm 14% vào năm 2020.
Sự phục hồi kinh tế Mỹ cũng tạo áp lực lên các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nơi cung cấp cho Mỹ tất cả hàng hóa từ điện thoại thông minh đến quần áo trẻ em. Hiện nhu cầu đang vượt nguồn cung. Khu vực đồng tiền chung châu Âu, nơi việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đang bị đình trệ, dự kiến sẽ bị sa lầy trong suy thoái kinh tế trong nhiều tháng tới. Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới không có khả năng tiêm chủng cho phần lớn dân số trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm nữa. Tất cả các điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, nơi tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy nâng cao nền kinh tế trong những năm gần đây.
Sức mạnh của sự phục hồi kinh tế của Mỹ có thể làm cho những chênh lệch đó nặng nề hơn nếu các chi tiêu chính phủ đẩy lạm phát lên cao hơn, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải tăng lãi suất cơ bản sớm hơn so với dự kiến. Do vai trò quá lớn của đồng đô la Mỹ trong tài chính và thương mại toàn cầu, một động thái như vậy của Fed sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với nhiều quốc gia, nơi việc thu hồi vốn dự kiến sẽ chậm hơn nhiều.
2. Thương mại kỹ thuật số giúp khẳng định vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn độ dương – Thái Bình dương.
Theo 2 nhà phân tích kinh tế kỳ cựu là ông Wendy Cutler, cựu Phó Đại diện Thương mại Mỹ, và ông Joshua Meltzer, thành viên cấp cao của Viện Brookings, một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số giữa Mỹ và các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là cách để khẳng định lại vai trò của Mỹ đối với khu vực và cho các nước thấy “cam kết lâu dài của Mỹ đối với sự thịnh vượng kinh tế của khu vực”.
Các ông cho biết, tham gia vào thương mại kỹ thuật số, Mỹ có thể đề xuất một thỏa thuận kết hợp các thỏa thuận hiện có với nhau, giải quyết các vấn đề liên quan đến các công nghệ mới nổi đồng thời vẫn mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Thỏa thuận cũng sẽ thiết lập lại sự hiện diện của Mỹ trong trường hợp không tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (bao gồm Trung Quốc và 14 các nước khác) đồng thời kết hợp với các bài học rút ra các kinh nghiệm từ đại dịch.
Theo các nhà kinh tế, “Một thỏa thuận khu vực sẽ tập hợp một nhóm các quốc gia ủng hộ các tiêu chuẩn và chuẩn mực chung”, tạo cú hích cho các cuộc thảo luận của WTO và đưa Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại ở châu Á. Ba yếu tố quan trọng làm cho thỏa thuận kỹ thuật số khu vực năng động hơn, bao trùm hơn và mang lại lợi ích cho người lao động và người dân là tăng cường hợp tác về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi khác, đảm bảo các lợi ích của thương mại kỹ thuật số cho người lao động và doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cách tiếp cận theo mô đun, hướng tới sự tham gia nhiều hơn của các nước.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)