Tin Kinh tế Mỹ

0
50
(CNN)
(CNN)

1. Chính quyền Biden và các nước phương Tây cần tập trung vào các biện pháp giúp đối đầu hiệu quả với Trung Quốc, thay vì tiếp tục tìm cách thay đổi hành vi của nước này.

Ngày 06/03/2021, tạp chí Foreign Policy đăng bài viết của ông Clyde Prestowitz, chủ tịch & sáng lập của Viện Chiến lược Kinh tế, cựu cố vấn Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Reagan, thể hiện ủng hộ quan điểm coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, song phản đối cách tiếp cận đi vào đối thoại và tham vấn với đồng minh trước khi đi vào triển khai hành động với Trung Quốc. Ông Prestowitz cho rằng cách tiếp cận này chỉ đúng khi các bên đối thoại có chia sẻ mục tiêu chung, dẫn việc EU hồi đầu năm 2021 đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc bất chấp việc Biden đã đề nghị trì hoãn cho tới khi ông nhậm chức và tiến hành đối thoại; khẳng định cách tiếp cận đối thoại và tham vấn đồng minh đã được chứng minh là không thành công dưới các Chính quyền trước đây, từ thời Reagan cho tới Obama.

Bài viết khẳng định từ thực tiễn, kinh nghiệm cũng như các tuyên bố của Trung Quốc, phải nhìn nhận rõ rằng Trung Quốc không có ý định trở thành một cổ đông trong trật tự tự do của phương Tây. Tác giả dẫn ví dụ về “Tài liệu số 9” của Trung Quốc năm 2013, trong đó nhấn mạnh sự phản đối cơ bản đối với dân chủ lập hiến, xã hội dân sự, các giá trị phổ quát và bất kỳ phương tiện truyền thông nào không tuân theo kỷ luật của đảng; Trung Quốc trong chương trình “Made in China 2025” cũng đã tuyên bố việc sử dụng chính sách công nghiệp để đạt được sự thống trị của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao như máy bay, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Trước các thực tiễn như trên, nếu Chính quyền Biden có ý định tái can cự với Trung Quốc dù có hay không có đồng minh, thì cũng đồng nghĩa với việc lãng phí thời gian, trong khi cũng sẽ không làm thay đổi phương hướng, phương pháp phát triển kinh tế và cả động lực thống trị của Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ cùng các đồng minh cần khẩn trương tìm cách giảm bớt đáng kể sự phụ thuộc của phương Tây vào nền kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, và các nước có thể hình thành một liên minh thống nhất, thúc đẩy hợp tác để cải thiện hoạt động sản xuất, tăng cường hiệu suất công nghệ, và cả thúc đẩy mở rộng thị trường tiệu thụ giữa nhóm các nước này nhằm tránh rơi vào tình trạng có thể bị Trung Quốc trả đũa kinh tế như Úc thời gian gần đây.

Việc giảm bớt sự phụ thuộc không nhất thiết phải thực hiện ngay lập tức hoặc trong tất cả các lĩnh vực, song riêng đối với các lĩnh vực Trung Quốc đề cập trong chương trình Made in China 2025, Mỹ và đồng minh cần phải duy trì thống lĩnh cả về công nghệ và sản xuất. Bài viết gợi ý Tổng thống Biden nên học theo Trung Quốc, thúc đẩy một kế hoạch gọi là “Made in the Free World 2030” với sự tham gia của các đồng minh, trong đó đảm bảo việc dẫn đầu trong đổi mới và sản xuất đối với các ngành công nghệ thiết yếu của tương lai. Theo đó, Mỹ có thể khởi xướng được một kế hoạch tương tự như kế hoạch giúp hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ cuối những năm 1980, song phạm vi sẽ mở rộng ra các lĩnh vực như công nghệ viễn thông, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, robot…

2. Goldman Sachs dự báo việc làm tại Mỹ tới hết năm 2021 sẽ tăng nhanh trở lại

Ngày 08/03/2021, CNBC dẫn báo cáo mới nhất của Goldman Sachs cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay có thể giảm xuống gần bằng trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, còn 4,1%, thậm chí có thể thấp hơn tùy thuộc vào mức độ phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ đang tăng cường kích thích tài chính và sự trở lại làm việc của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Dự báo cũng cho thấy nền kinh tế sẽ trở lại mức lương trước đại dịch trước cuối năm 2022, một quan điểm mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ủng hộ hôm thứ Hai trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC.

Chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, ông Joseph Briggs cho biết việc mở cửa trở lại nền kinh tế, các gói kích thích tài chính và việc người dân đã dồn được nhiều tiết kiệm là các lý do cho việc kỳ vọng việc tuyển dụng trong năm 2021 sẽ bùng nổ trở lại. Ông Briggs cũng dẫn một nguyên nhân khác có thể giúp thị trường lao động nhanh chóng phục hồi là việc hiện còn 2/3 số người mất việc làm còn lại do đại dịch thuộc các lĩnh vực nhạy cảm với virus, nơi việc làm sẽ phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn, nhất là ngành du lịch, dịch vụ khách sạn…

Ngoài Goldman Sachs, CNBC cũng cho biết có nhiều nhà dự báo khác cũng đang kỳ vọng mức tăng lớn trong năm. Nhà kinh tế học Andrew Hollenhorst của Citigroup đánh giá số việc làm mới 379.000 trong tháng 2 thực chất thấp hơn mức kỳ vọng là 410.000. Hollenhorst lưu ý rằng “đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà hàng đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi bị giới hạn vào cuối năm 2020, và điều đó đã được thể hiện trong báo cáo hôm nay”, dự báo “hoạt động ăn uống tại nhà hàng tiếp tục gia tăng cho thấy đây sẽ tiếp tục là nguồn hỗ trợ cho việc làm trong những tháng tới”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here