1. Cán cân thương mại Mỹ – Trung có cải thiện nhưng còn căng thẳng
Cán cân thương mại Mỹ – Trung đã có sự cải thiện vào năm 2020 nhưng quan hệ hai bên vẫn căng thẳng khiến Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với phép thử cải thiện mối quan hệ kinh tế với nền kinh tế số 2 thế giới.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 07/02, mức thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc đã giảm 10% xuống còn 310,8 tỷ USD vào năm 2020, sau khi giảm 18% vào năm 2019 từ mức thâm hụt cao kỷ lục hồi năm 2018 là hơn 418,95 tỷ USD. Theo ông Eswar Prasad, giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell thì mặc dù thâm hụt có giảm nhưng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn còn rất lớn.
Chính quyền Biden cho biết họ đang xem lại các chính sách thương mại của cựu Tổng thống Trump và vẫn chưa cho biết liệu có kế hoạch mở rộng Hiệp định thương mại song phương đã ký với Bắc Kinh năm ngoái hay không. Theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký dưới thời Tổng thống Trump, Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu thêm một số hàng hóa Mỹ nhưng Mỹ vẫn đánh thuế khoảng 370 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại của mình vào ngày 05/02/2021, ông Biden gọi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ. Ông nói “Chúng ta sẽ đối đầu với hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động hung hăng, ép buộc của họ và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc nhắm vào quyền con người, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu”.
Các chuyên gia cho rằng chính quyền Biden cố gắng giải quyết các vấn đề thương mại với Trung Quốc như một phần của cuộc thảo luận rộng hơn nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Theo Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, “câu hỏi đặt ra là chính quyền Biden có thể chuyển nội dung đàm phán với Trung Quốc khỏi những tiêu chí mang tính bề mặt như thâm hụt thương mại và tập trung vào những tiêu chí thực chất hơn về việc làm, đổi mới, khả năng phục hồi chuỗi cung và an ninh quốc gia hay không”.
Báo cáo ngày 06/02/2021 cho thấy, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại do đại dịch gây ra, năm 2020, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD, là mức thâm hụt lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc là một trong số ít nước có những điểm sáng với Mỹ. Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc tăng 17,1% lên 124,6 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 3,6% xuống 435,4 tỷ USD. Sự gia tăng hàng hóa vào Trung Quốc chủ yếu là do các sản phẩm như đậu nành, dầu thô, bông và ngô, là những mặt hàng nằm trong Hiệp định Thương mại giai đoạn 1.
Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng không đạt được mục tiêu tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất và năng lượng của Mỹ theo thỏa thuận song phương. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc Trung Quốc mua hàng hóa của Mỹ theo cam kết giai đoạn 1 mới đạt 93,7 tỷ USD vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức cam kết 159 tỷ USD. Các quan chức Trung Quốc đổ lỗi cho sự thiếu hụt hàng hóa do đại dịch gây ra. Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm vào năm 2020, thì việc mua hàng từ các quốc gia Châu Á khác, bao gồm cả Việt Nam và Thái Lan lại tăng lên do một số công ty Mỹ chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan.
2. Đề nghị tăng lương tối thiểu lên 15 USD khó được thông qua lần này
Ngày 06/02/2021, Tổng thống Joe Biden cho biết đề nghị tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ khó được thông qua trong Dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mà Đảng Dân chủ tìm cách thông qua mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Ông nói “Tôi đã cố gắng đưa đề nghị tăng lương vào trong dự luật cứu trợ nhưng khó giữ được”. Ngày 5/2, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Hạ viện đặt mục tiêu thông qua gói cứu trợ tài chính trong vòng hai tuần tới.
Dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD do Đảng Dân chủ đưa ra gồm các điều khoản hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần cho đến tháng 9, 350 tỷ USD cứu trợ cho các chính quyền tiểu bang, địa phương, và các vùng bộ lạc tự trị, 20 tỷ USD cho chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia, và 50 tỷ USD cho việc xét nghiệm. Dự luật có thể bao gồm 170 tỷ USD cho trường học và các cơ sở giáo dục đại học và 30 tỷ USD trợ giúp thuê nhà.
Đảng Cộng hòa phản đối việc tăng lương tối thiểu trong gói cứu trợ Covid-19 và cảnh báo rằng điều đó có thể gây thêm căng thẳng cho các doanh nghiệp đang phải vật lộn với sự suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Cả Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin cũng phản đối việc tăng lương này. Do vậy Đảng Dân chủ sẽ không đủ phiếu để thông qua dự luật.
Trong khi Tổng thống Joe Biden cho biết về điều khoản tiền lương 15 USD/giờ sẽ khó có thể được đưa vào dự luật cứu trợ Covid, ông cũng hứa sẽ ưu tiên thúc đẩy thông qua việc tăng lương tối thiểu theo một dự luật riêng.
3. Biden có chính sách thay thế “Nước Mỹ trên hết” của Trump
Trong bài phát biểu ngày 04/02/2021, Tổng thống Joe Biden đã đề cập đến “Chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu”. Đây là lời đáp trả với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump, và là nỗ lực đầu tiên của đảng Dân chủ nhằm giải quyết những vướng mắc do thương mại tự do mang lại. Về mặt chính trị, đối với Tổng thống Joe Biden, đây là việc cần thiết vì nó giúp cho cử tri thấy rằng ông đã nhận ra những vấn đề mà Tổng thống Donald Trump đã giải quyết vào năm 2016 bằng can thiệp vào các thỏa thuận thương mại. Một số cố vấn hàng đầu của ông Biden đã chỉ ra một cách tiếp cận mới với thương mại nhằm bảo vệ việc làm của người Mỹ trong khi vẫn giữ được hiệu quả của toàn cầu hóa.
Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu rằng ông vẫn giữ nguyên chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, sử dụng chúng làm đòn bẩy để xây dựng các chính sách khác. Điều ông Joe Biden muốn làm là hợp tác với các đồng minh để đối đầu với các hành vi lạm dụng thương mại của Trung Quốc với tư cách là một khối, thay vì thực hiên đơn phương như Tổng thống Trump. Ông Biden chưa nêu chi tiết chính sách này, nhưng quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc đã giảm sút kể từ khi Tổng thống Obama hết nhiệm kỳ năm 2017.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, đã phác thảo những điểm chính của “Chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu”. Ông là đồng tác giả của một báo cáo năm 2020 được Carnegie Endowment for International Peace xuất bản, trong đó đề xuất các chính sách thương mại mới cần đặt người lao động lên hàng đầu. Báo cáo của Carnegie đưa ra hàng chục khuyến nghị, ví dụ như phát triển “chiến lược cạnh tranh quốc gia” để tạo ra nhiều việc làm có lương cao, nâng cao đào tạo nhân viên và kết nối người lao động với các công ty có nhu cầu. Các công đoàn có thể góp ý nhiều hơn vào các giao dịch thương mại tại các cơ quan như USTR.
Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng Mỹ cần có những cách tốt hơn để giải quyết các tranh chấp thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden cũng có kế hoạch sử dụng các dự luật kích thích sắp tới nhằm có các khoản đầu tư lớn vào năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Kế hoạch Mua hàng Mỹ của ông có thể tạo ra thêm các hoạt động kinh doanh cho các công ty Mỹ.
Câu hỏi lớn nhất là liệu ông Joe Biden có thể đưa ra được kết quả vào thời điểm giữa nhiệm kỳ năm 2022, hay thậm chí là cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 hay không. Các chính sách và giao dịch thương mại thường mất nhiều thời gian để thực hiện và lâu hơn để thay đổi thực tế.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)