- Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ giảm (Foreign Affairs, Asia Time, Cục phân tích kinh tế Mỹ 23/7/2018)
Tổ chức đầu tư quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC) dẫn dự báo của UNCTAD cho hay dòng vốn FDI toàn cầu vào năm 2018 sẽ chỉ tăng 10%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong vài năm qua. Mặc dù Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí số một trên thế giới như là điểm đến cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, song FDI vào Mỹ trong quý I năm nay đã giảm so với mức tăng trung bình quý 1 của những năm gần đây. Theo số liệu của Cục phân tích kinh tế, thuộc Bộ Thương mại Mỹ, FDI quý I/2016 đạt 146,5 tỉ USD; con số này trong quý I/2017 là 89,7 tỉ USD, và quý I/2018 chỉ đạt 51,3 tỷ USD.
Theo nhận định của Foreign Affairs và Asia Time, “thái độ thù địch”, chủ nghĩa kinh tế dân túy” của chính quyền Mỹ hiện nay đã tác động và làm giảm sự hấp dẫn của Mỹ như là điểm đến cho các hoạt động đầu tư kinh doanh; việc đầu tư ròng vào Mỹ của các tập đoàn đa quốc gia (kể cả nước ngoài và Mỹ thực hiện) đã giảm xuống mức gần như bằng không, là chỉ số sớm nhất cho thấy những tác động tiêu cực và tổn hại tới nền kinh tế Mỹ do chính sách “gây xung đột thương mại” và “ức hiếp” các công ty và các chính phủ của chính quyền Trump hiện nay. Việc chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn ra khỏi nước Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng của Mỹ trong dài hạn, giảm số việc làm được trả lương tốt và làm tăng việc chuyển hướng thương mại toàn cầu khỏi Mỹ. Sự chuyển hướng này sẽ khiến cho toàn bộ nền kinh tế thế giới trở nên không ổn định hơn. Báo chí cho rằng những lợi ích thu được từ chính sách cắt giảm, cải cách hệ thống thuế của Đảng Cộng hòa có thể bù đắp những thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế và việc làm trong năm 2018 và năm tới, các chỉ tiêu kinh tế tiêu chuẩn như giá trị đồng đôla, thị trường chứng khoán Mỹ và tỷ lệ lĩ suất đối với nợ chính phủ về cơ bản ổn định song những chỉ số này không phản ánh được việc nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch sang “kỷ nguyên hậu Mỹ” khi mà các đối tác thương mại lớn đã tiến hành các thỏa thuận thương mại không có Mỹ, như CPTPP, FTA EU – Nhật. Việc FDI ròng vào Mỹ liên tục giảm trong những năm từ 2017 trở lại đây là kết quả của sự suy giảm chung sự hấp dẫn của Hoa Kỳ như là một điểm đến cho các nhà đầu tư dài hạn.
Chiều hướng suy giảm này là nhân tố tác động khiến Quốc hội Mỹ thông qua 3 biện pháp nhằm tăng cường thu hút FDI: thúc đẩy chi tiêu, tạo mã số thuế thuận lợi cho việc sản xuất tại Mỹ, cắt giảm tỷ lệ thế cho các công ty. Các chính sách khuyến khích này cùng với lo ngại của các công ty Trung Quốc và nước khác về khả năng tiếp cận thị trường Mỹ trong tương lai đã giúp bơm thêm dòng đầu tư vào Mỹ trước khi Quốc hộ Mỹ thông qua Đạo Luật Hiện đại hóa rủi ro đầu tư nước ngoài với các quy định được cho là chặt chẽ hơn về đầu tư. Diễn biến này có thể giúp tăng tổng đầu tư FDI vào Mỹ trong cả năm 2018 song nhìn chung FDI vào Mỹ vẫn giảm đáng kể.
- Mỹ: công bố quyết định sơ bộ áp thuế chống bán phá giá sản phẩm ruy băng trang trí của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ (Bộ thương mại Mỹ 31/7)
Ngày 31/7 Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ khẳng định việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ruy băng trang trí bằng nhựa nhập khẩu từ TQ. Bộ TM đã xác định được rằng mặt hàng này bị bán phá giá vào Mỹ với biên độ giao động từ 45,16 đến 370,04%. Với quyết định này, Bộ TM sẽ hướng dẫn Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thu tiền ký quỹ/đặt cọc từ các nhà nhập khẩu mặt hàng này từ TQ theo tỷ lệ sơ bộ trên. Năm 2017 giá trị nhập khẩu mặt hàng này của TQ vào Mỹ là 22,5 triệu USD. Bộ TM sẽ ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vào trung tuần tháng 10 năm nay
Với khẩu hiệu “thương mại bình đẳng, tự do và có đi có lại”, từ đầu năm 2016 tức là từ đầu CQ Trump đến nay, Bộ TM Mỹ đã khởi xướng 120 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, tăng 216% so với cùng thời kỳ của CQ trước. Hiện Bộ TM đang duy trì 456 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm hỗ trợ cho các công ty và ngành công nghiệp của Mỹ bị ảnh hưởng bởi “thương mại không công bằng”.
- Động thái của một số nước đồng minh trước các biện pháp áp thuế của Mỹ (Inside US trade 31/7, The Star 29/7)
Tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G20 tại Achentina cuối tuần qua, Liên minh châu Âu EU đã cam kết sẽ mua thêm đậu tương của Mỹ cho dù mức mua này lớn hơn là yêu cầu của thị trường. Với Mỹ, quyết định của EU được đánh giá là rất có ý nghĩa khi mà Trung Quốc tiến hành trả đũa nhằm vào các mặt hàng nông sản của Mỹ trong đó có đậu tương. Bộ Trưởng Nông nghiệp Mỹ đã thẳng thắn nói ra điều này khi cho rằng “hy vọng EU sẽ đẩy mạnh và mua nhiều hơn đầu tương của Mỹ, thay thế lượng đầu tương xuất khẩu sang Trung Quốc bị mất đi”
Không chỉ với, hiện Mỹ đang tìm kiếm các thị trường thay thế Trung Quốc cho xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Tại Achentina, Bộ Trưởng Nông nghiệp Mỹ đã dự lễ chúc mừng việc đưa sản phẩm thịt lợn Mỹ trở lại thị trường Achentina sau hơn 2 thập kỷ; gọi đây là “chiến thắng” của người nông dân Mỹ. Ngoài ra, Mỹ đang xúc tiến việc Achentina mua thịt bò Mỹ.
Với Nhật, ngày 31/7, Bộ Trưởng Kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi cho biết sẽ gặp Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 9/8 để giải quyết một loạt các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại hai nước. Theo đánh giá của Trung tâm Wilson, Nhật có thể chấp nhận mở cửa thêm cho một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để tránh khả năng bị áp thuế đối với sản phẩm ôtô và phụ tùng ôtô; còn chính quyền Trump cũng đang chịu áp lực gia tăng từ các nghị sĩ và cộng đồng doanh nghiệp về việc đạt được các thỏa thuận với các nước đồng minh, cho rằng việc đạt được các thỏa thuận này sẽ tạo cho Mỹ vị thế tốt hơn trong cuộc chiến với Trung Quốc. Do vậy cả Mỹ và Nhật đều chịu những sức ép nhất định cho việc đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp tới, góp phần “tăng thêm sức nặng” cho việc thiết lập cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe bên là Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 tới.
Trong lúc này, các nước EU, Canada, Mehico, Nhật và Hàn Quốc đã gặp nhau tại Geneve, Thụy Sĩ để vạch ra chiến lược trước khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối với ôtô và phụ tùng ôtô xuất khẩu sang Hoa Kỳ./.
(nguồn: ĐSQ VN tại Hoa Kỳ)