– Ngày 03/6/2021, Cục Công nghiệp Đài Loan phối hợp cùng Tổng hội Công nghiệp, Hiệp hội điện cơ điện tử Đài Loan tổ chức Tọa đàm trực tuyến về chiến lược tái cơ cấu sản xuất điện tử của Đài Loan sau Covid-19. Phát biểu tại Tọa đàm, Trưởng bộ phận Đầu tư của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho rằng hiện vẫn còn hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực điện tử của Đài Loan chưa đi theo các tập đoàn lớn sang Việt Nam, việc chậm trễ này có thể sẽ mất cơ hội để đầu tư bởi giá bất động sản công nghiệp đã tăng nhiều trong thời gian qua, ngoài ra cũng phải cạnh tranh với doanh nghiệp Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc trong việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao[i].
– Bộ Kinh tế Đài Loan phê duyệt gói cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19 cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh với tổng số tiền là 43,2 tỷ Đài tệ (khoảng 1,6 tỷ USD). Các lĩnh vực được trợ cấp lần này là thương mại, dịch vụ, ăn uống, bán lẻ, làm tóc…ước tính có hơn 1 triệu người trực tiếp và gián tiếp được hưởng các trợ cấp này[ii].
– Ngân hàng trung ương Đài Loan ban hành chính sách gia hạn các khoản vay cho doanh nghiệp và nới lỏng hồ sơ vay vốn cho các doanh nghiệp nhằm đối phó với các khó khăn của đợt bùng phát dịch Covid-19 từ cuối tháng 4 vừa qua. Tổng số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp đợt này lên tới 400 tỷ Đài tệ (tương đương 14,8 tỷ USD)[iii].
– Bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp, Viện nghiên cứu công nghiệp Đài Loan dự đoán ngành chế tạo-sản xuất vẫn sẽ có mức tăng trưởng 10,2% và đạt 20 nghìn tỷ Đài tệ (khoảng 740 tỷ USD) trong năm nay nhờ các đơn hàng được đặt kín đến cuối năm. Viện này cũng dự đoán nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục mạnh mẽ vào các tháng cuối năm và giá trị sản xuất công nghiệp toàn cầu sẽ tăng khoảng 3%[iv].
– Nhóm dự báo của Viện Nghiên cứu công nghiệp Đài Loan công bố dự báo sản lượng sản xuất điện tử của Đài Loan năm 2021 vẫn tiếp tục tăng mạnh tới 18,1% đạt 3,8 nghìn tỷ đài tệ (tương đương 140 tỷ USD), trong đó động lực tăng trưởng vẫn là nhu cầu sử dụng AI và 5G tăng nóng trên toàn cầu[v].
– Bộ Kinh tế Đài Loan công bố số liệu đầu tư ra nước ngoài trong 4 tháng năm 2021, theo đó, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của các doanh nghiệp Đài Loan và chiếm tới 35% tổng đầu tư ra trong 4 tháng năm 2021. Việt Nam cũng là quốc gia doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều nhất trong Asean, tiếp theo đó là Indonesia, Philippines[vi].
– Bộ Tài chính Đài Loan công bố sau một quá trình điều tra tỉ mỉ, chi tiết, có thể kết luận sản phẩm nhôm lá của Trung Quốc có đầy đủ yếu tố để áp thuế chống bán phá giá, Bộ Tài chính Đài Loan sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bộ Kinh tế để thẩm định để có thể ra phán quyết về vụ việc này trong thời gian tới. Dự kiến các sản phẩm này có thể bị áp thuế lên tới trên 30%[vii].
[i] VECO 03.06
[ii] CNA 02.06
[iii] CNA 03.06
[iv] CNA 02.06
[v] Apple Daily 01.06
[vi] Thời báo kinh tế 31 .05
[vii] Apple Daily 31.06
(Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc)