– Bộ Kinh tế Đài Loan thận trọng trước động thái Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Đài Loan vào danh sách để theo dõi thao túng tiền tệ. Tính đến tháng 10, thặng dư thương mại Mỹ-Đài đã vượt 20 tỷ USD, và có khả năng vượt 2% GDP của Đài Loan trong năm nay. Nếu điều này xảy ra Đài Loan sẽ có động thái mua ròng đồng đô la như đã làm trước đây và thận trọng trong các quyết sách sắp tới [1].
– Ngay sau khi bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, Ngân hàng trung ương Đài Loan đã liên lạc với Bộ Tài chính Mỹ, theo đó phía Đài Loan khẳng định sẽ có các chính sách điều chỉnh tỉ giá linh hoạt, đồng thời cho rằng tiêu chuẩn đánh giá của Mỹ còn có nhiều điểm tranh cãi. Ngoài ra, Đài Loan cho rằng chiến tranh thương mại do Mỹ phát động cũng là tác nhân gây ra thặng dư thương mại hai bên ngày càng lớn [2].
– Phó Viện trưởng Viện hành chính (Phó Thủ tướng) Đài Loan Thẩm Vĩnh Tân chia sẻ chính quyền Đài Loan cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khó khăn liên quan đến thiếu đất và thiếu nước khi đầu tư, kinh doanh tại Đài Loan. Trong quý 3, tăng trưởng GDP của Đài Loan đạt 3,92%, đứng đầu trong 4 con rồng châu Á, riêng tháng 10 xuất khẩu đạt 51 tỷ USD, đạt mốc cao nhất trong lịch sử [3].
– Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ngày 16/10/2020 công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2020 khẳng định Đài Loan có hệ thống tài chính lành mạnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân hoàn mỹ và kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, do đó đã giúp Đài Loan có được thành tích phòng dịch tốt nhất thế giới, giúp cho phát triển kinh tế đạt mức cao nhất châu Á. Cũng theo báo cáo này, Đài Loan đứng thứ 3 tại châu Á và thứ 12 thế giới về năng lực cạnh tranh quốc gia [4].
– Tập đoàn công nghệ Foxconn mới đây đã ra mắt hệ điều hành EV-Kit dùng cho các sản phẩm xe điện sắp tới. Cũng theo liên minh sản xuất xe do Foxconn đứng đầu, dự kiến trong tháng 2/2021 sẽ tiếp nhận đơn hàng và tháng 4/2021 sẽ có sản phẩm xuất xưởng đầu tiên ở dòng xe ô tô điện [5].
– Hiệp hội công nghiệp máy móc Đài Loan dự báo sản lượng máy móc do Đài Loan sản xuất trong năm 2021 sẽ tăng khoảng 5-10%, giá trị xuất khẩu đạt trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng đề nghị chính phủ Đài Loan cần duy trì ổn định mức tỉ giá để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa [6].
– Tập đoàn Pegatron cho biết vẫn tiếp tục triển khai các nhà máy tại Ấn Độ sau vụ việc các nhà máy của Wistron bị đập phá cuối tuần trước. Pegatron cho rằng cũng có thể sẽ có một chút điều chỉnh về cung cách quản lý tại nhà máy để giảm thiểu các phát sinh với công nhân bản địa. Dự kiến nhà máy sản xuất IPhone tại Ấn Độ của Pegatron có thể hoàn thành vào cuối năm 2022 [7].
[1] CNA 17.12
[2] CNA 17.12
[3] CNA 15.12
[4] CNA 16.12
[5] Thời báo kinh tế 10.12
[6] Thời báo kinh tế 09.12
[7] Taiwan Apple Daily 16.12