* Về tốc độ tăng trưởng: Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (DANE) báo cáo GDP trong quý II/2021 đã tăng trưởng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là do sự đóng góp năng động của các hoạt động kinh tế như lĩnh vực nghệ thuật, giải trí (83,8%), vận tải và lưu trú (40,3%), ngành sản xuất, chế tạo (32,5%) và xây dựng (17,3%). Tuy nhiên, nếu tính theo quý (tháng 4 đến tháng 6), GDP ghi nhận giảm 2,4% so với quý I/2021 do bị ảnh hưởng bởi làn sóng biểu tình chống Chính phủ và các biện pháp giãn cách xã hội gây ra tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu.
Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Colombia tăng trưởng 8,8% (ít hơn 0,2% so với dự báo của Ngân hàng Trung ương Colombia). Vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương Colombia đã nâng dự báo tăng trưởng lên 7,5%. Tuy nhiên, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ 4 ở Mỹ La tinh là 6% trong năm 2021.
* Về cán cân thương mại: DANE báo cáo tổng kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 26,65 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại trong giai đoạn này là 6,95 tỷ USD, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù thâm hụt thương mại tăng đáng kể so với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà phân tích tin tưởng rằng nền kinh tế của đất nước đang dần phục hồi và đi đúng hướng.
* Về nợ nước ngoài: Ngân hàng Trung ương Colombia (BRC) báo cáo nợ nước ngoài của Colombia trong tháng 5 đạt 157,52 tỷ USD, chiếm 51,7% GDP. Theo đó, nợ công là 91,97 tỷ USD (tăng 17,79% so với cùng kỳ năm 2020) và nợ tư nhân là 65,55 tỷ USD (giảm 2,67%). Trong năm 2020, nợ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của Colombia đã tăng từ 51,7% (tháng 1) lên mức kỷ lục 56,9% (tháng 12). Tuy nhiên, năm 2021 ghi nhận sự đảo chiều với mức 51% (tháng 1), thậm chí giảm xuống 50,4% (tháng 3) và kết thúc tháng 5 với 51,7%.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)