* Về chương trình cải cách thuế: Trước làn sóng phản đối của các đảng phái và người dân ngày càng gia tăng, thậm chí ở một số thành phố đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và dân thường khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương, Tổng thống Colombia Ivan Duque tuyên bố rút lại dự thảo cải cách thuế đã trình lên Quốc hội vào tháng trước.
* Về xuất khẩu: Cục Thống kê Hành chính Quốc gia Colombia (DANE) báo cáo xuất khẩu trong tháng 3 tiếp tục trên đà phục hồi, đạt 3,3 tỷ USD (giá FOB), tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, xuất khẩu nhiên liệu và các sản phẩm của ngành công nghiệp khai thác chiếm tỷ trọng 42,3%, nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống (28%), ngành sản xuất (21,7%), và các lĩnh vực khác (8%). Cũng trong tháng 3/2021, Colombia đã xuất khẩu 14,8 triệu thùng dầu thô, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý I/2021, giá trị xuất khẩu của Colombia ghi nhận đạt 8,8 tỷ USD (giá FOB), tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020. Báo cáo cho biết Mỹ tiếp tục là điểm đến chính của hàng xuất khẩu Colombia chiếm 27,7% thị phần (đạt 691 triệu USD), tiếp đến là các quốc gia Trung Quốc (14%), Panama (5,1%), Ecuador (4,8%), Brazil (4,7%) và Peru (3,5%).
* Về tỉ lệ thất nghiệp: Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động về kinh tế và xã hội và một trong số đó là sự suy thoái của thị trường lao động. Theo số liệu từ Cục Thống kê Hành chính Quốc gia (DANE), tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3/2021 là 3,4 triệu người (chiếm 14,2%), giảm 1,7 điểm phần trăm so với tháng 2/2021 (15,9%) và cao hơn giảm 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020 (12,6%). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lao động có việc làm tại Colombia đã tăng từ 20,5 triệu người (tháng 3/2020) lên 20,8 triệu người (tháng 3/2021). Lĩnh vực ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về việc làm là xây dựng (tăng 152.000 người), tiếp theo là lĩnh vực thương mại (148.000) và công nghiệp sản xuất (135.000).
Ở chiều ngược lại, ngành chứng kiến sự suy giảm nhân sự nhiều nhất là hành chính công, giáo dục (-190.000 lao động), hoạt động chuyên môn, khoa học, kỹ thuật (-83.000) và nông nghiệp, chăn nuôi (-48.000).
Xét về khu vực, Bogotá là thành phố đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp với 853.000 người (chiếm 18,4%), tiếp đến là Medellin (18,3%), Cali (15,9%), Barranquilla (15,1%) và Bucaramanga (10,2%).
Theo các nhà phân tích, việc thị trường lao động Colombia phục hồi trong những tháng tới sẽ phụ thuộc vào tiến độ thực hiện tiêm chủng đại trà cũng như việc dỡ bỏ hạn chế đối với việc di chuyển giữa các vùng và những quy định cho phép tái mở rộng hoạt động sản xuất của Chính phủ nước này.
* Về lãi suất: Trong phiên họp thường kỳ, Ban lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Colombia quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng thứ 7 liên tiếp ở mức 1,75%. Bên cạnh đó, dựa trên kết quả khả quan của nền kinh tế trong quý I năm 2021, Ban lãnh đạo đã điều chỉnh tăng kỳ vọng tăng trưởng từ 5,2% lên 6% cho năm nay.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)