Tin Kinh tế Colombia

0
136
(https://www.alamy.com)
(https://www.alamy.com)

1. Colombia đặt mục tiêu thu hút 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho đến năm 2022.

Chính phủ Colombia mới đây đã tiết lộ chiến lược nhằm thu hút 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài cho đến năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành 04 nghị định như sau: (i) Các dự án đầu tư lớn có giá trị trên 280 triệu USD sẽ được miễn hoàn toàn thuế tài sản, thuế cổ tức và sẽ có hợp đồng pháp lý ổn định trong vòng 20 năm; (ii) Ưu đãi đặc biệt cho các dự án phát triển du lịch, hạ tầng khách sạn, và các khu du lịch đặc biệt; Bao gồm: giải phóng mặt bằng cấp tốc, bảo hộ đầu tư trung và dài hạn, giảm một số thuế nhất định; (iii) Ưu đãi đặc biệt để thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu với một loạt sắc lệnh nhằm đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; (iv) Nghị định quy định về hóa đơn điện tử, nhằm tối ưu hóa công cụ này để trở thành một giao thức thanh toán và giao dịch bảo mật an toàn cho doanh nghiệp, bảo đảm cung cấp thanh khoản cho khu vực sản xuất và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra Chính phủ cũng công bố việc hiện đại hóa hệ thống quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mở rộng việc áp dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và linh hoạt hơn cho khu vực tư nhân (đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của Colombia).

Trong 02 năm qua, đã có 382 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 46 quốc gia với tổng giá trị đầu tư 14 tỷ 354 triệu USD, tạo ra 141 nghìn việc làm tại 87 thành phố ở 23 tỉnh trên cả nước. Từ tháng 1 đến tháng 7/2020, đã có 104 dự án với tổng giá trị đầu tư 5 tỷ 649 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019), tạo ra 35.500 việc làm. Hiện đang có 536 công ty từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Mỹ Latinh quan tâm đến việc đầu tư vào Colombia. Kết quả khảo sát với 229 công ty đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Colombia cho thấy 99,6% được tiếp tục coi quốc gia Nam Mỹ này là điểm đến lý tưởng và đầu tư chiến lược.

Đối với Hoa Kỳ, Tổng thống Ivan Duque tái khẳng định việc các công ty Hoa Kỳ coi Colombia là điểm đầu tư chiến lược, Chính phủ Colombia luôn quan tâm, tạo các ưu đãi và điều kiện thuận lợi nhất để đẩy nhanh quá trình đầu tư, hiện đã có hơn 260 công ty đến từ Bắc Mỹ đang tiếp cận đầu tư vào Colombia.

Các chuyên gia kinh tế nhận xét các Nghị định trên là bước đi táo bạo và đột phá để đáp ứng mục tiêu thu hút và ưu đãi đầu tư, đặc biệt đối với các công ty nước ngoài đang đặt trụ sở tại Colombia. Là một quốc gia có 16 Hiệp định Thương mại Tự do, Chính phủ của Tổng thống Ivan Duque đặt mục tiêu mạnh mẽ để Colombia có thể trở thành một trung tâm sản xuất, xuất khẩu và tái xuất khẩu hàng đầu tại khu vực.

Về xuất khẩu, bên cạnh xuất khẩu năng lượng khai thác. Colombia xác định rằng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ là điểm mấu chốt để tái kích hoạt nền kinh tế đất nước. Colombia sẽ tìm cách tận dụng các cơ hội thương mại và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường. Các thị trường mà Colombia nhắm tới là Hoa Kỳ, Liên minh Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu và các thị trường khác được ưu tiên chiến lược như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ và Nhật Bản.

 Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch cho biết gần 2.000 doanh nghiệp Colombia với khả năng cung cấp 134 mặt hàng và dịch vụ Colombia có tiềm năng xuất khẩu đã xác định giao dịch với 3.526 nhà nhập khẩu từ 57 quốc gia trên thế giới để đạt được mục tiêu xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ là 9,6 tỷ USD trong năm 2020.

2. Nợ công của Colombia tiệm cận giới hạn khó kiểm soát.

Theo dự báo của Bộ Tài chính về kinh tế Colombia năm 2020, lạm phát ở mức 2,4%, GDP giảm 5,5%, thâm hụt tài chính 8,2%, nhập khẩu giảm 27,8% và nợ công lên tới 66% GDP, cao hơn mức khuyến nghị tối đa là 60% GDP. Trong khi đó cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá triển vọng bi quan hơn cho kinh tế Colombia năm 2020 với GDP giảm 7,3%; nợ công ở mức 68% GDP, cao hơn các nền kinh tế khác trong khu vực như Uruguay (65%), Mexico (44%), Chile (35%); thâm hụt tài chính 9,2%, cao hơn đáng kể so với  biến động trung bình 2,6% giai đoạn 2015 đến 2019. Moody’s cho biết Colombia phải đối mặt với 02 thách thức về mặt tài chính là áp lực mức thu và sự biến động của cơ cấu chi tiêu công, trầm trọng hơn và mang tính rủi ro cao hơn hơn trong bối cảnh đại dịch.

Về ngân sách Quốc gia cho năm 2021, Bộ Tài chính cho biết sẽ đạt ở mức 314 tỷ peso, trong đó 155 tỷ đến từ nguồn thu thuế và hải quan Quốc gia, 64 tỷ đến từ các khoản tín dụng và số còn lại đến từ các khoản thu khác. Tỷ lệ phân bổ như sau: 185 tỷ peso sử dụng cho các hoạt động chi tiêu công, 75,9 tỷ để trả nợ công và 53,1 tỷ sử dụng cho đầu tư. Về các số liệu khác: thâm hụt tài chính tăng 41,6% so với năm 2020, GDP tăng trưởng 3,6%, nhập khẩu tăng 13,1%.

Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế đánh giá rằng sự ổn định của kinh tế Colombia về mặt tổng thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, các nguyên nhân chủ yếu khiến nợ công tăng là do đồng peso mất giá, hiệu suất kinh tế giảm do cách ly xã hội và các khoản tín dụng khẩn cấp cho lĩnh vực y tế và trợ cấp xã hội. Đồng thời khuyến nghị Chính phủ cần nỗ lực mở rộng kinh tế, tận dụng tốt các nguồn lực dành cho đầu tư xã hội, chú trọng đến việc kiểm soát dịch bệnh và có chính sách tài khóa hiệu quả.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Colombia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here