Tin kinh tế châu Âu

0
144
(Internet)

– Trụ cột xã hội giúp EU tỏa sáng

(Internet)

Vào ngày 7-8/5/2021, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp thượng đỉnh tại thành phố cảng Porto, Bồ Đào Nha. Tổng thống Bồ Đào Nha mô tả, cuộc họp “cung cấp hỗ trợ chính trị ở mức cao nhất cho Trụ cột xã hội Châu Âu và việc thực hiện nó”. Thủ tướng Stefan Löfven sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh này và đưa ra quan điểm của mình về con đường của trụ cột xã hội “từ Gothenburg đến Porto”. Trước đó, Thủ tướng đã ca ngợi trụ cột này và khẳng định, nó không phá hoại mô hình thị trường lao động của Thụy Điển.

Per Hidesten và Jonas Hagelqvist viết rằng: với tư cách là đại diện cho chủ sử dụng lao động trong ngành xuất khẩu của Thụy Điển, chúng tôi cực kỳ chỉ trích sự phát triển tràn lan trong EU, nơi ngày càng có nhiều dự luật có thể được liên kết với trụ cột xã hội. Các dự luật đã đề cập đến nhiều thứ, trong đó có quy định về mức lương tối thiểu ở cấp độ EU, các nguyên tắc và quy định về điều kiện làm việc. Gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã trình bày một đề xuất về quy định đối với minh bạch tiền lương. Dù đề xuất này có mục đích chính đáng, nhằm giải quyết sự khác biệt bất hợp lý về tiền lương giữa nam và nữ, nhưng nó có nguy cơ đối nghịch với các thỏa thuận tiền lương có liên quan đến hiệu quả làm việc của từng cá nhân. Nó gây bất lợi cho cả phụ nữ và đàn ông làm việc tốt. Đối với chúng tôi, rõ ràng đây là một con đường sai lầm.

Con đường hướng đến một Châu Âu xã hội mạnh mẽ và sống động phải trải qua quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế, trong đó điều kiện quan trọng nhất là mọi người phải có việc làm trong các công ty cạnh tranh, mà chúng có thể tăng trưởng và phát triển ở Châu Âu. Cụ thể, điều này có nghĩa là các thị trường lao động ở Châu Âu phải tiếp tục được cải cách, nhưng theo những cách khác nhau ở các bộ phận khác nhau của EU. Ở một số nước EU, vấn đề có thể là thay đổi mức lương tối thiểu, hoặc đạt được chi phí lao động gián tiếp thấp hơn. Ở các nước khác, có thể là vấn đề đưa ra các hình thức việc làm linh hoạt hơn, hoặc thay đổi hệ thống an sinh xã hội để kích thích việc làm. Đây là trách nhiệm của các nước thành viên. Một thị trường lao động được điều tiết quá mức không có lợi cho khả năng cạnh tranh, cho các công ty và cho người lao động hoặc công dân EU nói chung.

Mô hình của chúng tôi (mô hình của Thụy Điển) dựa trên các thỏa thuận tập thể và là một hiện tượng độc đáo, nơi các đối tác xã hội thương lượng các điều kiện về thị trường lao động. Chúng tôi muốn bảo vệ nó. Ba cuộc họp quan trọng nhất, ở đó chúng tôi nhắc nhở Thủ tướng trước hội nghị thượng đỉnh EU là:

Thứ nhất, EU phải tôn trọng hơn sự phân chia quyền năng giữa EU và các nước thành viên. Chính sách xã hội và chính sách thị trường lao động trước hết thuộc trách nhiệm của các nước thành viên. Luật của EU nên dành cho các vấn đề xuyên biên giới thực sự. Thứ hai, khi EU lập pháp trong lĩnh vực thị trường lao động, tất cả các sáng kiến ​​mới ở cấp độ EU cần dựa trên bằng chứng; phải có bằng chứng cho thấy chúng hữu ích. Các sáng kiến ​​cũng cần được đánh giá trên cơ sở chúng đóng góp như thế nào vào khả năng cạnh tranh của Châu Âu. Chúng tôi đề xuất rằng, việc kiểm tra năng lực cạnh tranh đặc biệt mới được áp dụng cho tất cả các sáng kiến ​​mới. Một biện pháp kiểm soát để tránh các đề xuất cản trở việc tăng khả năng cạnh tranh, nhiều việc làm hơn và tăng trưởng bền vững.

Thứ ba, sự phát triển của thị trường lao động phải được hỗ trợ, không được điều tiết quá mức hoặc bị cản trở. Nếu châu Âu phải đương đầu với sự cạnh tranh toàn cầu, số hóa ngày càng tăng và các mô hình kinh doanh mới, cần có sự đổi mới và linh hoạt về việc làm, giờ làm và dịch chuyển lao động. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có một Châu Âu xã hội mạnh mẽ.

– Hội đồng Châu Âu thông qua Thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Ngày 28/4/2021, các nhà lãnh đạo EU, Thủ tướng Anh và các doanh nghiệp Châu Âu bày tỏ hy vọng, việc phê chuẩn cuối cùng của thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới, tích cực bất chấp nhiều chủ đề gây chia rẽ vẫn còn giữa hai bên. Thỏa thuận này được các nhà lãnh đạo EU thông qua ngày 27/4/2021, đã tháo gỡ rào cản cuối cùng để Thỏa thuận có hiệu lực thực hiện. Trước đó, Quốc hội Anh đã thông qua Thỏa thuận này.

Sau khi các nhà lập pháp Châu Âu phê chuẩn với số phiếu áp đảo (660-5, 32 phiếu trống) Thỏa thuận đảm bảo thương mại tự do tiếp tục giữa hai bên mà không có thuế quan và hạn ngạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, cuộc bỏ phiếu đánh dấu “bước cuối cùng trong một hành trình dài, mang lại sự ổn định cho mối quan hệ mới của Anh với EU với tư cách là các đối tác thương mại quan trọng, đồng minh thân thiết và sự công bằng về chủ quyền”. Về phía Châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, “việc thực hiện đúng thỏa thuận là cần thiết”; còn Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh sự khởi đầu của một “kỷ nguyên mới”.

Các nhà lập pháp EU cho biết trong một nghị quyết kèm theo sự phê duyệt rằng, Vương quốc Anh rút khỏi EU là một “sai lầm lịch sử, vì không nước thứ ba nào có thể được hưởng những lợi ích như một thành viên EU”. Trong một tranh luận trước cuộc bỏ phiếu, nhiều nhà lập pháp EU đã chỉ trích sự ra đi của Anh, nhưng khẳng định, việc phê duyệt thỏa thuận là lựa chọn tốt nhất để tránh làm gián đoạn kinh tế, đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường chung EU. BusinessEurope, một tổ chức vận động hành lang đại diện cho các doanh nghiệp ở EU cho biết, trong khi các tác động lâu dài của Brexit đối với thương mại vẫn còn đó, việc phê chuẩn thỏa thuận mang lại “sự rõ ràng và chắc chắn về mặt pháp lý”.

Chủ tịch BusinessEurope Pierre Gattaz nói:  “Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, điều khiến thỏa thuận này trở thành một trong những thỏa thuận thương mại quan trọng nhất mà EU từng hoàn tất” và “Cuộc bỏ phiếu tích cực của Nghị viện Châu Âu đã loại bỏ yếu tố không chắc chắn lớn, trong khi các công ty của cả hai bên vẫn đang điều chỉnh theo thực tế giao dịch mới trong khi vật lộn với các thách thức COVID-19”.

Xuất khẩu của Anh sang EU giảm mạnh 5,7 tỷ bảng Anh (8 tỷ USD) trong tháng 1 so với tháng 12/2020 và phục hồi 3,7 tỷ bảng Anh (5,2 tỷ USD) trong tháng 2/2021. Nhập khẩu cũng giảm mạnh trong tháng Giêng và phục hồi yếu hơn trong tháng Hai. Chính phủ Anh đã hạ thấp tác động của Brexit, nói rằng các hạn chế về coronavirus đóng một vai trò trong sự suy thoái kinh tế.

Mối quan hệ giữa EU và Anh đã trở nên căng thẳng kể từ khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 01/01/2021. Trong năm nay, hai bên đã tranh cãi về nhiều vấn đề, từ vấn đề vi phạm cái gọi là Nghị định thư Bắc Ireland (Northern Ireland protocol), việc cung cấp vắc xin COVID-19, cho đến sự công nhận ngoại giao đầy đủ đối với EU tại Anh.

Trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra giữa London và Brussels về các quy định thương mại của Bắc Ireland, Nghị viện EU cho biết, thỏa thuận này sẽ cung cấp thêm các công cụ pháp lý để “ngăn chặn và bảo vệ chống lại sự khác biệt đơn phương đối với các nghĩa vụ mà cả hai bên đã ký kết”. Đầu năm nay, EU cáo buộc Anh vi phạm luật pháp quốc tế sau khi chính phủ Anh đơn phương gia hạn cho đến tháng 10 thời gian ân hạn vì không thực hiện kiểm tra hàng hóa di chuyển giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh. Động thái này khiến EU bắt đầu hành động pháp lý chống lại Anh.

Những sự kiểm tra đó đã được thống nhất như là một phần của thỏa thuận EU-Anh, nhằm tránh tạo ra một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland (thành viên EU) vì biên giới Ireland rộng mở đã giúp củng cố tiến trình hòa bình chấm dứt nhiều thập kỷ bạo lực giáo phái ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, căng thẳng và bạo lực đã leo thang trong những tuần gần đây tại lãnh thổ này, với việc các thành viên Công đảng Anh nói rằng, thỏa thuận giữa Anh và EU đã dẫn đến việc tạo ra một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Vương quốc Anh. Các chính trị gia Công đảng Anh đang yêu cầu chính phủ tách các thỏa thuận về Bắc Ireland ra khỏi thỏa thuận Brexit.

Sự nhạy cảm về địa vị của Bắc Ireland cũng được chứng kiến ​​vào tháng 9/2020 khi Quốc hội Anh xem xét luật trao cho chính phủ Thủ tướng Boris Johnson quyền thay thế một phần của Thỏa thuận Brexit liên quan đến Bắc Ireland. Căng thẳng tiếp tục gia tăng vào tháng 1/2021 khi EU đe dọa cấm vận chuyển vắc xin covid-19 đến Bắc Ireland như một phần trong các động thái nhằm tăng cường nguồn cung cho EU. Điều đó sẽ tạo ra một biên giới cứng trên đảo Ireland, đó chính là kịch bản mà thỏa thuận Brexit được tạo ra để tránh.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here