Tin Kinh tế Bangladesh

0
85
(ảnh minh hoạ)

1. Bangladesh và Algeria ký thỏa thuận tăng cường thương mại hai chiều

Ngày 13/8/2020, Bộ trưởng Thương mại Tipu Munshi cho biết Bangladesh và Algeria đã đồng ý một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa hai quốc gia. Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hay Hiệp định Thương mại Ưu đãi (PTA) sẽ được ký kết thông qua đàm phán giữa hai nước. Một thỏa thuận đã từng được ký kết giữa hai nước vào năm 1973 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại và thỏa thuận năm 1973 sẽ được sửa đổi nếu cần thiết.

Ông Tipu cho biết cả hai nước đều có cơ hội tăng cường thương mại và Bangladesh muốn tận dụng cơ hội này. Bangladesh đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong xuất khẩu. Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may sẵn lớn thứ hai trên thế giới. Algeria có nhu cầu rất lớn đối với hàng may mặc, đay, các sản phẩm từ đay, từ da, thuốc lá và đồ nội thất do Bangladesh sản xuất.

Đại sứ Algeria tại Bangladesh Rabah Larbi cho biết Algeria quan tâm đến việc tăng cường thương mại với Bangladesh. Hiện tại, kim ngạch thương mại giữa hai nước còn thấp. Algeria có nhu cầu rất lớn đối với một số sản phẩm của Bangladesh. Algeria đã sẵn sàng ký FTA hoặc PTA với Bangladesh để tăng cường thương mại. Quyết định sẽ được đưa ra thông qua các cuộc thảo luận giữa hai nước.

2. Hà Nội dẫn trước Dhaka về xuất khẩu hàng may sẵn từ tháng 01-5/2020

Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may sẵn (RMG) trong 5 tháng đầu năm 2020. Việt Nam đã xuất khẩu hàng may mặc trị giá 10,50 tỷ USD từ tháng 1-5/2020, trong khi xuất khẩu RMG của Bangladesh trong cùng kỳ đạt 9,68 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu quần áo từ cả hai nước đều giảm trong thời gian này do sự bùng phát của Covid-19. Năm 2019, Bangladesh xuất khẩu 33,63 tỷ USD, chiếm 6,83% thị trường thế giới, tiếp theo là Việt Nam với 30,56 tỷ USD, chiếm 6,21% thị trường toàn cầu.

Mặc dù vậy, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 sau Trung Quốc trong năm 2019. Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu trên thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc thu về 151,58 tỷ USD, chiếm 30,81% thị trường toàn cầu.

Trong thời gian từ tháng 1-5/2020, Ấn Độ thu về 4,68 tỷ USD, tiếp theo là Campuchia với 3,28 tỷ USD, Pakistan 2,12 tỷ USD và Sri Lanka 1,61 tỷ USD.

Những người trong ngành cho rằng vấn đề cần lưu ý là các nhà máy Việt Nam không phải đóng cửa trong một tháng như Bangladesh. Là đối thủ cạnh tranh chính của Bangladesh cho vị trí thứ hai thế giới, với FTA tại thị trường EU, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Bangladesh cần tập trung vào đa dạng hóa cả sản phẩm và thị trường. Tỷ giá hối đoái cần được xem xét lại đối với các ngành định hướng xuất khẩu. Ngay cả những nước như Ấn Độ và Pakistan cũng đang làm rất tốt về xuất khẩu nhờ vào việc phá giá đồng tiền của họ.

Trong diễn biến khác, một dịch vụ vận chuyển mới có tên BBX2 , kết nối các cảng của Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam, dự kiến ​​sẽ bắt đầu từ ngày 22/8, giúp đẩy nhanh các chuyến hàng quần áo Bangladesh đến Mỹ từ Việt Nam thay vì Singapore.  CMA-CGM có trụ sở tại Pháp và SITC có trụ sở tại Hồng Kông (Công ty Vận tải quốc tế Sơn Đông) đã hợp tác để thực hiện dịch vụ này. Ban đầu, ít nhất bốn tàu sẽ hoạt động theo tuyến này.

Các tàu chở hàng hóa địa phương đầu tiên sẽ đi từ Chattogram đến TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam, mất khoảng 6 ngày. Từ đó, CMA-CGM, công ty vận tải bằng tàu biển lớn thứ tư thế giới, sẽ đưa hàng sang các tàu mẹ để đi trực tiếp đến các điểm tại Mỹ trong khoảng 12 ngày. Vì vậy, thời gian hàng hóa xuất khẩu của Bangladesh đến Mỹ, hiện là khoảng một tháng, sẽ được rút ngắn chỉ còn khoảng 20 ngày nhờ tuyến đường mới.

Sau đó, các tàu sẽ quay trở lại, qua các cảng của Trung Quốc để chở hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng thêm 3,2% trong quý 2, từ mức -6,8% trong quý 1. Giá trị thương mại song phương có thể đạt 18 tỷ USD vào năm 2021. Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng nhờ vào việc kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và thương mại của nước này với Bangladesh cũng đang tăng lên.

BBX2 là một trong những dịch vụ chuyển phát nhanh từ Trung Quốc đến Bangladesh có thời gian vận chuyển ngắn nhất trên thị trường giữa hai quốc gia. Đây là tuyến đầu tiên kết nối Bangladesh-Việt Nam, trong khi tuyến Bangladesh-Trung Quốc có thêm hai tuyến do Maersk Line và Sinocor-Hyundai cùng thực hiện. Khoảng 20 tàu đi lại giữa các cảng Trung Quốc và cảng Chattogram.

Xuất khẩu của Bangladesh đang tăng sau cú sốc và dịch vụ mới này muốn chiếm tỷ lệ lớn trong trao đổi thương mại bằng cách cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here