Tin Kinh tế Bangladesh

0
94
(Internet)
(Internet)

1. Chính phủ dự kiến mức sử dụng viện trợ nước ngoài kỷ lục trong năm tài khóa 2021-22

Chính phủ đang có lượng viện trợ nước ngoài kỷ lục và các đối tác phát triển cũng đang dốc toàn lực để giúp Bangladesh vượt qua cơn đại dịch. Còn các ngân hàng đang trong tình trạng dư thừa thanh khoản và không có nơi nào để cho vay do tình trạng bấp bênh của nền kinh tế. Chính phủ sẽ sử dụng phần lớn hai nguồn quỹ này để xoay vòng ngân sách cho năm tài chính tiếp theo trong tình hình doanh thu quốc gia giảm.

Chính phủ hy vọng sẽ có thể sử dụng mức kỷ lục 1.150 tỷ Tk crore (khoảng 13 tỷ USD) từ nguồn tài chính nước ngoài trong năm tài chính 2021-22, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Bangladesh đang có khoảng 50,4 tỷ USD viện trợ nước ngoài, trong khi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các đối tác phát triển khác đã bày tỏ ý định cung cấp hỗ trợ ngân sách cho nền kinh tế Bangladesh để xử lý đại dịch tốt hơn.

Các ngân hàng dự kiến ​​sẽ cung cấp 762,52 tỷ Tk (khoảng 9 tỷ YSD) cho ngân sách, giảm 4,4% so với năm tài chính hiện tại. Chính phủ sẽ trích 370 tỷ Tk từ các nguồn phi ngân hàng, tăng 4,8% so với năm tài khóa 2020-21.

Thâm hụt ngân sách, tức là sự thiếu hụt thu nhập của chính phủ so với chi tiêu của chính phủ, được dự báo sẽ là 6,1% GDP – mức cao nhất trong những năm gần đây. Đối với các nước đang phát triển, thâm hụt ngân sách không phải là bất thường vì chính phủ cần chi tiêu lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong tương lai. Chính phủ đã xử lý chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu thông qua việc vay nợ trong nước và nước ngoài dưới dạng các khoản vay hoặc viện trợ không hoàn lại.

Nhưng giữ mức thâm hụt trong tầm 5% là khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và trên thực tế được coi là thông lệ tốt trên thế giới. Trong lịch sử, ở Bangladesh, khi ngân sách được soạn thảo, mức thâm hụt dự kiến ​​là 5% nhưng mức thâm hụt thực tế là khoảng 4% hàng năm do các Bộ, ngành không sử dụng hết số tiền được phân bổ. Tuy nhiên, kể từ năm tài chính 2018-2019, thâm hụt ngân sách đã chạm mốc 5%. Năm tài chính này, thâm hụt được cho là sẽ vượt qua mốc 6%.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là lý do để báo động. Zahid Hussain, cựu Trưởng bộ phận kinh tế của Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Dhaka, cho biết: “Thâm hụt ngân sách 6% không là vấn đề, ngay cả trong thời điểm bình thường, chứ chưa nói đến tình trạng y tế kinh tế khủng hoảng trong đại dịch”. Miễn là khoản thâm hụt 6% là cho các lĩnh vực cần thêm kinh phí cho đại dịch, thì đó sẽ không phải là vấn đề. Các lĩnh vực được ưu tiên vì đại dịch bao gồm y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, CMSMEs, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thậm chí, thâm hụt ngân sách tăng do tăng chi tiêu trong những lĩnh vực này có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cao.

Bộ Tài chính cũng không quá lo lắng. Một quan chức cho biết: “Không có rủi ro dài hạn đối với việc chính phủ chi tiêu cao hơn cho đại dịch và thu ngân sách thấp hơn trong năm tài chính này. Thực tế tỷ lệ nợ trên GDP vẫn trong mức an toàn. Trong 9 tháng đầu của năm tài chính 2020-21, thu ngân sách tăng 6,4% so với năm trước, nhưng lệnh ngừng hoạt động trên toàn quốc đang diễn ra đã ảnh hưởng đến xu hướng này.

2. Nhà đầu tư Nhật Bản tại Bangladesh gặp nhiều khó khăn

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại Bangladesh, các công ty Nhật Bản kinh doanh tại Bangladesh đang phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt là thiếu thông tin và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể làm giảm dòng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, thói quen trì hoãn các thủ tục hành chính công và thay đổi chính sách thường xuyên đã giảm động lực cho các nhà đầu tư Nhật Bản khởi nghiệp ở Bangladesh.

Tính đến tháng 12/2019, khoảng 310 công ty Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Bangladesh, với vốn đầu tư khoảng 386 triệu USD. Một thập kỷ trước, chỉ có 82 công ty Nhật Bản hoạt động tại Bangladesh.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy khoảng 67% trong số 75 công ty Nhật Bản được hỏi đang gặp nhiều khó khăn do việc tạm dừng hoặc cắt giảm các chuyến bay thương mại. 64% gặp trở ngại do cách ly bắt buộc 14 ngày sau khi đến Bangladesh. Khoảng 60% doanh nghiệp đều gặp khó khăn liên quan đến việc kiểm soát lây nhiễm, xử lý các ca nhiễm, đưa khách doanh nhân và kỹ thuật viên đến Bangladesh, xuất cảnh Bangladesh và tiêm chủng cho người Nhật Bản ở Bangladesh. Một nửa số người được hỏi cho biết những rắc rối trong khi kiểm tra thông tin mới nhất về hướng dẫn đi lại và hoạt động kinh doanh từ chính phủ.

31% phải đối mặt với những rắc rối về sự chậm trễ trong xuất nhập khẩu, 24% đề cập đến việc hủy và giảm đơn hàng, 9% thiếu vốn lưu động và 8% về việc thanh toán thư tín dụng quá hạn.

Ông Prodip Das, Giám đốc điều hành của Rohto-Mentholatum (Bangladesh) cho biết: “Các công ty Nhật Bản đến kinh doanh tại Bangladesh ban đầu phải đối mặt với sự thiếu thông tin phù hợp trong các lĩnh vực liên quan”. Các nhà đầu tư không nhận được thông tin từ các văn phòng chính phủ hoặc từ các công ty tư vấn tư nhân, và không có công ty tư nhân nào có thể giúp kết nối và tạo quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Lực lượng lao động dồi dào nhưng thiếu cấp quản lý.

Ông cũng cho biết các công ty Nhật thậm chí không có thông tin về hỗ trợ ngân hàng, đại lý làm thủ tục hải quan và vận chuyển hàng (C&F), và nhà phân phối, mặc dù những điều này rất quan trọng để điều hành kinh doanh. Các công ty Nhật Bản phải cung cấp nhiều tài liệu khác nhau và phải trải qua nhiều thủ tục hành chính và các quy tắc phức tạp trong việc khai thuế và tính thuế giá trị gia tăng.

Shah Muhammad Ashequr Rahman, trưởng bộ phận tài chính và thương mại của Bangladesh Honda Private, cho biết cần phải tăng cường thuận lợi hóa kinh doanh. Ông nói: “Nếu chúng ta có thể duy trì thời gian giao hàng tối thiểu và thông quan nhanh hơn, chi phí kinh doanh, chi phí nguyên vật liệu, máy móc thiết bị đầu tư sẽ cạnh tranh.

Hiroki Watanabe, giám đốc điều hành của Aishin International, cho biết các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đưa lợi nhuận về nước. “Rất dễ dàng để mang đầu tư đến Bangladesh nhưng rất khó để chuyển lợi nhuận về nước, điều này gây bất lợi cho đầu tư”. Các công ty phải trải qua rất nhiều thủ tục, tốn nhiều thời gian để chuyển lợi nhuận. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư gặp khó khăn về thị thực và giấy phép lao động.

Md Sirazul Islam, Chủ tịch điều hành của Cục Phát triển Đầu tư (Bida), cho biết các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài sẽ không gặp khó khăn gì nếu họ xin thị thực thông qua nền tảng dịch vụ một cửa của Bida. Ông cũng bác bỏ các chi tiết cho rằng thiếu thông tin, nói rằng Bida cung cấp tất cả các loại thông tin về đầu tư.

Paban Chowdhury, Chủ tịch điều hành của Cục Quản lý các khu kinh tế (Beza), cho biết có nhiều phạm vi trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Bangladesh, cần nới lỏng một số quy tắc và quy định để thu hút nhiều vốn FDI hơn. Ngân hàng Bangladesh, Ủy ban Doanh thu Quốc gia và Bộ Thương mại đã ban hành một số thông tư liên quan đến việc nới lỏng các quy tắc đầu tư. “Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian để đáp ứng tất cả kỳ vọng của các nhà đầu tư”. Ông Chowdhury cho rằng Bangladesh đang trở thành một điểm đến sinh lợi cho doanh nghiệp FDI.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here