Tin Kinh tế Bangladesh

0
67
(Internet)
(Internet)

1. Xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh tăng trở lại

Xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Hoa Kỳ đã tăng trở lại trong 5 tháng đầu năm dương lịch, ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số cả về giá trị và khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà xuất khẩu hàng may mặc cho biết ngành đã hoạt động hiệu quả hơn do kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi nhờ việc tiêm chủng Covid-19 được triển khai, việc kiểm soát lây nhiễm tốt và chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê được công bố hôm thứ Sáu (02/7), hàng may sẵn (RMG) xuất khẩu sang Mỹ tăng 15,38% lên 2,58 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái là 2,24 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Bangladesh đã xuất được 1,02 tỷ mét vuông các mặt hàng may mặc, tăng 27,30% so với 807,67 triệu mét vuông năm trước.

Xuất khẩu RMG sang Hoa Kỳ đạt 5,22 tỷ đô la vào năm 2020, giảm từ 5,92 tỷ đô la vào năm 2019. Tổng nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ từ khắp nơi trên thế giới trong giai đoạn này (từ tháng 1 đến tháng 5) cũng tăng 22,19% lên 29,21 tỷ USD từ 23,91 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020. Trong giai đoạn này, nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã tăng 26,17% lên 5,82 tỷ USD, so với 4,61 tỷ USD trong cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam và Campuchia cũng tăng 19,48% và 15,35% lên lần lượt 5,74 tỷ USD và 1,24 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ các quốc gia cung ứng chính khác bao gồm Ấn Độ, Mexico và Pakistan cũng tăng từ hơn 21% đến 58%, trừ Indonesia vẫn ở mức âm 1,75%.

Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) Md Shahidullah Azim cho biết nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi sau tác động tiêu cực của Covid-19 với sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu Mỹ đã chuyển một số đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Bangladesh. Ông hy vọng xuất khẩu RMG của Bangladesh sang Hoa Kỳ sẽ tăng hơn nữa khi một trong những công ty lớn của Mỹ là Walt Disney đã trở lại Bangladesh. Disney đã ngừng đặt hàng từ Bangladesh từ 8 năm trước, do vụ cháy nhà xưởng của Tazreen Fashion và sự cố sập Trung tâm thương mại Rana Plaza năm 2013.

Chủ tịch BGMEA Faruque Hassan cho biết việc Disney quay trở lại Bangladesh là sự công nhận cho những tiến bộ toàn diện và quá trình chuyển đổi. Sự hình thành đã diễn ra trong ngành công nghiệp RMG của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn tại nơi làm việc, các tiêu chuẩn xã hội và tính bền vững của môi trường.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp RMG đã có nhiều nỗ lực và đầu tư để đảm bảo an toàn về cháy nổ, điện và kết cấu nhà xưởng, triển khai văn hóa an toàn đồng thời tăng cường phúc lợi của người lao động.

2. Nhập khẩu lương thực của Bangladesh đạt mức cao thứ hai trong 10 năm qua

Theo số liệu thống kê của Cục Giám sát và kế hoạch lương thực (FPMU) của Bộ Lương thực, Bangladesh đã nhập khẩu 6,6 triệu tấn ngũ cốc trong năm tài chính 2020-21 vừa kết thúc (từ 7/2020-6/2021), cao nhất trong ba năm vừa qua, cũng là cao thứ hai trong thập kỷ vừa qua, sau mức kỷ lục của năm tài chính 2017-18. Mức nhập khẩu lương thực cao trong năm tài chính 2020-21 là do ảnh hưởng của lũ lụt lớn tái diễn trong năm 2020, những khó khăn do đại dịch gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp và Bộ Lương thực không duy trì được nguồn dự trữ lương thực.

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Lúa Bangladesh tiến hành cho biết Bangladesh đã phải hứng chịu những trận lũ lụt lặp đi lặp lại 5 lần vào năm 2020 với hơn 40% diện tích Bangladesh bị ngập nước trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, sản lượng lúa giảm trung bình 70 tấn trên một km2 diện tích. Hơn nữa, năm 2020 do một số đợt đóng cửa đề ngăn chặn lây lan Covid đã dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi giá trị nông sản. Tổng cục Lương thực cũng không thu mua được lượng ngũ cốc cho kho dự trữ quốc gia ở an toàn (ít nhất một triệu tấn).

Mặc dù trong những năm gần đây, Bangladesh nổi lên là quốc gia sản xuất lúa gạo đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, khiến Indonesia tụt hạng xuống vị trí thứ tư, nhưng do dân số cao, tập quán ăn uống chủ yếu là gạo và do các tác động bất thường theo mùa (như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh) thường buộc Bangladesh phải nhập khẩu gạo, chủ yếu từ Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar.

Bên cạnh đó, trong hơn hai thập kỷ qua, sản lượng lúa mì trồng trong nước của Bangladesh đã giảm từ 02 triệu tấn/năm xuống chỉ còn hơn 01 triệu tấn, trong khi nhu cầu về lúa mì lên tới gần 07 triệu tấn/năm. Kết quả là Bangladesh hiện được xếp hạng trong số 10 quốc gia nhập khẩu lúa mì hàng đầu trên thế giới.

Trong năm tài chính 2019-20, Chính phủ Bangladesh không nhập khẩu gạo; chỉ có khu vực tư nhân nhập khẩu 4.018 tấn gạo. Nhưng trong năm tài khóa vừa qua (2020-21), cả khu vực nhà nước và tư nhân đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn gạo, cao nhất kể từ khi phải nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2017-18 do bị mất mùa lớn do lũ lụt.

Trong một thập kỷ qua, Bangladesh đã nhập khẩu lượng ngũ cốc lương thực cao nhất (9,7 triệu tấn) trong năm tài chính 2017-18 và, lượng nhập khẩu ngũ cố cao thứ hai là trong năm tài chính 2020-21 (6,6 triệu tấn). Phần lớn lượng lớn ngũ cốc nhập khẩu về đến Bangladesh và bổ sung vào kho dự trữ lương thực của chính phủ vào tháng 5, 6 năm nay. Đây chính là một trong những lý do trả lời cho câu hỏi tại sao chính phủ không đáp ứng được mục tiêu cung cấp lương thực cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong thời gian đại dịch. Theo một báo cáo, trong năm tài chính 2020-21, cho đến giữa tháng 6 chính phủ chỉ có thể đáp ứng được 71% lượng lương thực dự kiến cung cấp  cho những người dễ bị tổn thương theo Hệ thống cung cấp thực phẩm công (Public Food Delivery System – PFDS).

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here