Tin Kinh tế Bangladesh

0
85
(Internet)
(Internet)

1. Kiều hối tăng trưởng hơn 36% trong năm tài chính FY21

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương được công bố vào 05/7, kiều hối đã tăng hơn 36% lên mức kỷ lục 24,78 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc 2020-21, bất chấp đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Con số này là 18,20 tỷ USD trong năm tài chính 2019-20.

Số tiền mà người Bangladesh làm việc ở nước ngoài gửi về nước lên tới 1,94 tỷ USD vào tháng 6/2021, giảm 230,21 triệu USD so với mức 2,17 tỷ USD của tháng 5/2021, vẫn cao hơn mức 1,83 tỷ USD vào tháng 6 năm ngoái.

Tuy nhiên, các quan chức của Ngân hàng Trung ương hy vọng rằng xu hướng tăng của kiều hối sẽ tiếp tục trong những tháng tới vì chính phủ đang khuyến khích 2,0% đối với chuyển tiền qua kênh chính thống.

2. Bangladesh hiện là nhà cung cấp lao động trực tuyến lớn thứ hai thế giới

Bangladesh hiện là nhà cung cấp lao động trực tuyến lớn thứ hai trên thế giới với 16% thị phần của lực lượng lao động trực tuyến toàn cầu, theo nghiên cứu “Nền kinh tế số ở Bangladesh: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD) và Friedrich Ebert Stiftung (FES) tại Bangladesh thực hiện.

Nghiên cứu cho biết thanh toán trực tuyến ở Bangladesh đã tăng từ 1,68 tỷ Tk (khoảng 19,8 triệu USD) vào năm 2016 lên 19,78 tỷ Tk (khoảng 232,7 triệu USD) vào năm 2019.

Nghiên cứu cho biết đại dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội việc làm mới trên các nền tảng số hoặc thương mại điện tử. Khoảng 500.000 việc làm mới có khả năng được tạo ra thông qua các nền tảng số trong một năm tới.

Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ internet chậm, kỹ thuật hạn chế, trình độ tiếng Anh kém, thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ ít phổ biến và khó khăn trong việc nhận thanh toán từ nước ngoài là một số thách thức đối với sự phát triển của kinh tế số.

Trong các khuyến nghị của mình, nghiên cứu cho biết một khuôn khổ quy định là cần thiết cho các ứng dụng di động, vì hiện nay rất nhiều ứng dụng như vậy đang được tạo ra. Chính phủ phải hành động nhanh chóng và ưu tiên nền kinh tế số trong trong chính sách, để Bangladesh không bị tụt hậu so với các quốc gia khác trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Tiến sĩ Fahmida, Giám đốc điều hành của CPD, cho biết: “Để được hưởng lợi từ những lợi thế công nghệ của CMCN 4.0, chúng ta cần cải thiện cơ sở hạ tầng, chính sách tài khóa và nguồn nhân lực có kỹ thuật cao”. “Các nền tảng số, đặc biệt là thương mại điện tử, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi nghiệp, mở rộng thị trường tiêu dùng và tạo việc làm”.

Ông Felix Kolbitz, Đại diện thường trú của văn phòng FES Bangladesh, cho rằng kinh tế số là một lĩnh vực tiềm năng và tác động của việc số hóa nền kinh tế ở Bangladesh cần là một quyết định mang tính chính sách. Ông hy vọng rằng các bên liên quan sẽ tích cực tham gia và thúc đẩy tạo ra một môi trường thuận lợi cho những lĩnh vực mới này phát triển.

Giáo sư Tiến sĩ Mustafizur Rahman, thành viên của CPD, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng số trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh sắp ra khỏi nhóm LDC.

Phó chủ tịch của BASIS, Farhana A Rahman cho biết cần phải tạo cơ sở dữ liệu để đưa thương mại trên facebook vào một hệ thống quy định tối thiểu bằng cách xác thực các cửa hàng thương mại điện tử trên facebook. “Chúng tôi đã thấy rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đang chiếm dụng tiền của người mua, tạo ra tác động xấu”. Bà cũng kêu gọi chính phủ thực hiện các sửa đổi cần thiết đối với các quy định và chính sách để thuận lợi hóa quá trình chuyển tiền cho ngành việc tự do (freelancing).

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here