1. Dự trữ ngoại hối của Bangladesh lập mốc lịch sử
Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã tăng kể từ tháng 3/2020 và lập cột mốc quan trọng, lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, vượt 45 tỷ USD vào đầu tháng 5/2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của Ngân hàng Bangladesh, dự trữ ngoại hối tăng đều đều, 32,92 tỷ USD vào tháng 4/2020; 33,22 tỷ USD vào tháng 5; 35,85 tỷ USD vào tháng 6 và 37 tỷ USD vào tháng 7/2020.
Lượng dự trữ ngoại hối tăng với hai lý do quan trọng là nhập khẩu của Bangladesh giảm và dòng kiều hối tăng.
Dòng kiều hối của Bangladesh đã tăng 39% lên 20,67 tỷ USD trong 10 tháng đầu tiên (từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021) của năm tài chính hiện tại. Dòng kiều hối cũng lập mốc mới trong lịch sử khi vượt 20 tỷ USD trong 10 tháng đầu tiên của năm tài chính hiện nay so với các năm tài chính trước đó. Thậm chí, chưa có năm tài chính nào (trong cả 12 tháng) trước đây có lượng kiều hối vượt mốc 20 tỷ USD.
Người Bangladesh ở nước ngoài đã gửi về nhà 2,06 tỷ USD trong tháng 4/2021, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước. Hai ngày đầu tiên của của tháng 5 (01-02/5), lượng kiều hối là 154 triệu USD, đã đưa lượng dự trữ ngoại hối của Bangldesh là 45,105 tỷ USD.
2. Nhập khẩu gạo cách xa mục tiêu
Tháng 7/2020, Bộ Lương thực Bangladesh quyết định mua gạo từ nước ngoài do các nhà xay xát trong nước từ chối bán cho chính phủ theo giá chính phủ đặt ra, mặc dù vụ mùa Boro có sản lượng tốt; lũ lụt đã ảnh hưởng đến sản lượng vụ Aman và giá cả tăng cao trong bối cảnh đại dịch, tháng 12, chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu từ 62,5% xuống 25% để tạo điều kiện các thương nhân có thể tăng nhập khẩu.
Năm nay, trong bối cảnh giá cả leo thang và nguồn cung nhanh chóng cạn kiệt, chính phủ đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo thông qua đầu mối chính phủ bằng các cuộc đấu thầu quốc tế và cho các nhà nhập khẩu tư nhân nhập khẩu. Hơn 400 nhà nhập khẩu tư nhân được phép nhập khoảng 1 triệu tấn còn chính phủ dự kiến sẽ nhập khẩu 500.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ nhập khẩu được 600.000 tấn gạo.
Việc nhập khẩu gạo không đạt mục tiêu, theo Thư ký bộ Lương thực, là do giá gạo trên thị trường quốc tế tăng cao và còn gặp khủng hoảng về vận chuyển.
Ngoài ra, các thương nhân cho biết các điều kiện nhập khẩu gạo đặt ra là “không thực tế” và gần như là không thể. LC phải mở trong vòng 7 ngày sau khi nhận được giấy phép của Bộ Thương mại và gạo phải nhập về thị trường trong vòng 20 ngày.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)