Tin Kinh tế Bangladesh

0
51
(Internet)
(Internet)

1. Vụ lúa mùa Boro bị ảnh hưởng do nhiệt độ tăng cao

Sản lượng lúa trong vụ Boro này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do “sốc nhiệt” đã ảnh hưởng đến các cánh đồng lúa ở gần 30 tỉnh ở Bangladesh, trong đó có vùng lúa lớn là Netrakona, Mymensingh, Kishoreganj, Sunamganj, Bhola, Bogura, Kushtia, Rajshahi. Các chuyên gia lo ngại mục tiêu sản xuất 20,5 triệu tấn gạo của Boro của chính phủ sẽ khó đạt được nếu tác động này tiếp tục lan rộng.

Cục Khuyến nông (DAE) cho biết các báo cáo ban đầu cho thấy tình trạng thời tiết quá nóng ảnh hưởng đến 63.000 ha đất ở 27 tỉnh. Một quan chức của Cục cho biết khu vực bị ảnh hưởng có thể lớn hơn vì dữ liệu của 2 hoặc 3 tỉnh khác vẫn chưa được cập nhật. Theo thông tin của DAE, vụ Boro năm nay đã được canh tác trên diện tích kỷ lục là 4,88 triệu ha.

Nhiệt độ cao bắt đầu gây sốc cho cây lúa đang vào thời kỳ trổ đòng và làm hạt,

Giáo sư Golam Hafeez Kennedy, một nhà kinh tế, cho biết mục tiêu sản lượng gạo của chính phủ sẽ khó đạt được nếu nhiệt độ cao, nóng tiếp tục lan rộng vào tháng 4. Vụ Boro thường đáp ứng hơn 58% nhu cầu về gạo, giáo sư đề nghị chính phủ phải nhanh chóng thu thập dữ liệu xác thực về thiệt hại cây trồng do nắng nóng, xem xét vấn đề một cách nghiêm túc vì giá gạo đã chạm mức trần cao và cần xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu gạo sau khi có số liệu về sản xuất lúa gạo trong nước.

2. Kinh tế – xã hội: Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về kinh tế-xã hội của Bangladesh

Theo một báo cáo mới có tiêu đề “Cập nhật phát triển Bangladesh-Tiến lên: Kết nối và Logistics để tăng cường khả năng cạnh tranh” của Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 đã đảo ngược xu hướng giảm nghèo đều đặn mà Bangladesh đã làm được trong 2 thập kỷ qua. Báo cáo cho biết 30% dân số Bangladesh đang ở dưới mức nghèo khổ. Theo dữ liệu của chính phủ Bangladesh, tỷ lệ nghèo đói của nước này ở mức 21,8% vào tháng 12 năm 2019.

Báo cáo của WB cho biết chính phủ Bangladesh đã chủ động ứng phó với cú sốc kinh tế do đại dịch, với chương trình ứng phó Covid-19 trị giá 14,6 tỷ USD, nhưng vẫn còn những thách thức trong việc triển khai, đặc biệt trong việc mang lại nguồn lực cho các doanh nghiệp nhỏ và hộ nghèo.

WB cho biết mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế Bangladesh bắt đầu có dấu hiệu phục hồi dần dần trong nửa đầu của năm tài chính 2020-21 khi guồng quay kinh tế chuyển động như trước đại dịch, các nhà máy mở cửa và xuất khẩu tăng trở lại. Do đó, tăng trưởng GDP dự kiến ​​đạt 3,6% trong năm tài chính này, dẫn đầu là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất nhờ nhu cầu xuất khẩu mạnh, sự phục hồi trong lĩnh vực xây dựng được hỗ trợ do đẩy nhanh đầu tư công và dịch vụ tăng trưởng mạnh nhờ tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.

Trên cơ sở khảo sát qua điện thoại gần đây, WB báo cáo đã có sự phục hồi dần dần về sinh kế và thị trường lao động ở Dhaka và Chattogram trong nửa đầu năm tài chính này. Với việc từng bước khôi phục sinh kế, cải thiện an ninh lương thực ở các khu nghèo và ổ chuột. Ở thành phố Chattogram, vào tháng 02/2021, tỷ lệ người trưởng thành có việc làm việc dường như đã trở lại mức trước Covid.

Tuy nhiên, báo cáo được xây dựng vào thời điểm nguy cơ bùng phát Covid-19 vẫn còn, cho biết những đợt lây nhiễm mới sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức. Bernard Haven, nhà kinh tế cấp cao của WB, đồng tác giả của báo cáo cho biết “có một số thông tin về đợt lây nhiễm mới và lệnh phong tỏa”. Theo ông, cần điều chỉnh các chương trình kích thích để nền kinh tế năng động và linh hoạt để có thể đáp ứng với các điều kiện thay đổi trên thực tế.  “Một trong những điều cần lưu ý trong giai đoạn này của đại dịch là các công ty nhỏ và cá nhân người nghèo cũng được tiếp cận các chương trình và nguồn lực cần thiết cùng lúc với các công ty lớn”.

Báo cáo của WB cho rằng “Bảo vệ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của Covid-19 vẫn là một ưu tiên cấp thiết”.

WB đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu để theo dõi tác động của các cú sốc trong tương lai đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, có thể giúp cung cấp thông tin cho phản ứng chính sách đối với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, tăng cường khả năng phục hồi.

Phát biểu khi công bố báo cáo, Mercy Miyang Tembon, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Bangladesh và Bhutan, cho biết bất chấp sự không chắc chắn do Covid-19 tạo ra, triển vọng kinh tế Bangladesh là tích cực. Và Mercy cho rằng “Phần lớn tốc độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng hàng loạt nhanh như thế nào. Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ sự phục hồi, giúp Bangladesh đạt được tăng trưởng xanh, thông minh và bao trùm”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here