Tin Kinh tế Bangladesh

0
73
(Internet)
(Internet)

1. Các công ty Nhật Bản tăng 4 lần trong 10 năm

Số lượng các công ty Nhật Bản hoạt động tại Bangladesh đã tăng khoảng 4 lần trong 10 năm. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), tổng cộng có 321 công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động kinh doanh tại đây, trong khi vào năm 2010, mới chỉ có 83.

Đại diện quốc gia của JETRO Yuji Ando cho biết, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bangladesh vào năm 2014, số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản tăng lên rõ rệt. Yuji cho biết giờ đây cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu chú ý đến Bangladesh như một điểm đến đầu tư. Họ đang đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau, bao gồm quần áo may sẵn (RMG), dệt, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng, tận dụng lợi thế cạnh tranh của nguồn nhân lực và thị trường nội địa lớn.

Đại diện JETRO cho biết nhiều công ty phát triển cơ sở hạ tầng của Nhật Bản đã đến Bangladesh để triển khai các dự án Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Nhật Bản, trong đó có cảng biển nước sâu Matarbari.

Do thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh tăng lên và nhu cầu trong nước ngày càng tăng, Yuji cho biết nhiều doanh nhân Nhật Bản đang mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau. Theo ông, các doanh nhân Nhật Bản cũng rất quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), phát triển cơ sở hạ tầng và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số. Đại diện JETRO cho biết các công ty Nhật Bản cũng đang đầu tư vào các dự án khác nhau theo phương thức Đối tác Công tư (PPP).

Tuy nhiên, đại diện JETRO cho rằng có nhiều thách thức vẫn tồn tại đối với các công ty Nhật Bản và các công ty nước ngoài khác ở Bangladesh, ví dụ về cơ sở hạ tầng và thuế. Ông đề nghị các cơ quan liên quan đảm bảo thủ tục thuận tiện liên quan đến hệ thống thuế và VAT, các khoản vay nước ngoài cho vốn lưu động từ công ty mẹ và thủ tục đăng ký.

Ông Yuji khuyến nghị, để thu hút thêm vốn đầu tư của Nhật Bản, điều cốt yếu Bangladesh cần phải chú trọng đến các vấn đề như quản trị doanh nghiệp và môi trường đầu tư thân thiện hơn.

2. Rất nhiều nghiên cứu về FTA, nhưng Bangladesh chưa có thỏa thuận nào

Bangladesh đã nghiên cứu khả thi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 20 quốc gia trong thập kỷ qua, nhưng nước này vẫn chưa ký một thỏa thuận nào. Các quan chức liên quan cho rằng việc không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào là do không có định hướng rõ ràng liên quan đến vấn đề này.

Ủy ban Thương mại và Thuế quan Bangladesh (BTTC) đã thực hiện các nghiên cứu khả thi về các FTA theo hướng dẫn của Bộ Thương mại, gồm FTA với các nước như Nhật Bản, các thành viên ASEAN bao gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar và Indonesia, Mỹ, Canada, các thành viên của MERCOSUR, GCC, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Jordan, Bhutan , Mauritius, Úc, Nigeria, Mali và Macedonia.

Trong hầu hết các trường hợp, các nghiên cứu được thực hiện mà không xem xét liệu các quốc gia này có giá trị thương mại đáng kể với Bangladesh, hay họ có quan tâm đến việc ký kết FTA với Bangladesh hay không. Theo các quan chức, Bangladesh thậm chí còn không đưa ra các đề xuất chính thức cho những nước quan tâm đến việc thảo luận về khả năng ký kết FTA.

Một quan chức thương mại cấp cao tham gia vào quá trình này cho biết: “Không có mục tiêu cụ thể nào cho các FTA được đặt ra cho đến nay. Trước tiên, cần phải quyết định lý do tại sao và muốn ký hiệp định với ai”. “Tiến hành số lượng lớn các nghiên cứu khả thi là một nhiệm vụ vô ích. Đầu tiên, chúng ta phải tìm ra quốc gia nào quan tâm đến việc ký kết các FTA với chúng ta và sau đó chúng ta nên tiến hành các nghiên cứu”.

Chính phủ cũng cần đặt mục tiêu ký kết các FTA lên hàng đầu. Theo các quan chức, Bangladesh vẫn chưa chính thức bắt đầu đàm phán với bất kỳ quốc gia nào về việc ký kết FTA, mặc dù trong năm 2019, chính phủ đã thành lập một ủy ban đàm phán thương mại, do một Phó Thư ký (Phó Thứ trưởng) của Bộ Thương mại đứng đầu, để chủ trì đàm phán FTA.

Kế hoạch ký kết các FTA với các nước vẫn chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu tính khả thi. Sau nhiều lần trao đổi các tài liệu liên quan đến FTA, vào đầu năm 2020, Bangladesh đã đề nghị Malaysia bắt đầu đàm phán về một FTA nhưng không nhận được phản ứng tích cực nào cho đến nay. Với Sri Lanka, các cuộc đàm phán của Bangladesh vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ và nước này vẫn chưa bắt đầu đàm phán chính thức.

Một nghiên cứu của Cục Kinh tế Tổng hợp thuộc Ủy ban Kế hoạch cho thấy, trong thời kỳ hậu LDC, Bangladesh sẽ mất hầu hết các biện pháp hỗ trợ quốc tế (ISM) và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. “Không có gì ngạc nhiên khi nguồn thiệt hại lớn nhất sẽ đến từ việc không còn các ISM liên quan đến thương mại. Việc được ưu đãi tiếp cận các thị trường với mức thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp đã là động lực lớn cho xuất khẩu của Bangladesh”. Nghiên cứu đề xuất ký kết các hiệp định thương mại với các quốc gia và khối thương mại lớn để bù đắp thiệt hại tài chính có thể có từ việc mất ISM.

Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách, Tiến sĩ Khondaker Golam Moazzem cho biết vấn đề ký kết các FTA cho đến nay vẫn chưa được chính phủ ưu tiên, về mặt chính trị. Ngay cả bên liên quan chính là khu vực tư nhân cũng không ủng hộ các FTA. “Kết quả là, không có sự tham gia tích cực của các bên liên quan chính, chính phủ sẽ trở nên rất khó khăn trong việc hiện thực hóa kế hoạch.”

Theo Tiến sĩ Moazzem, chính phủ cần phải coi trọng vấn đề FTA trong các kế hoạch chiến lược hiện đang chuẩn bị cho giai đoạn sau khi Bangladesh ra khỏi LDC. Văn phòng Thủ tướng (PMO) nên đóng một vai trò chủ động và tham gia cùng Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện các kế hoạch. PMO nên quyết định trước tiên chính phủ muốn ký FTA với những quốc gia nào trong 10 năm tới hoặc lâu hơn. Sau đó, Bộ Ngoại giao có thể bắt đầu các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy, vì việc ký kết một FTA là quyết định về chính trị trước tiên.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here