Tin Kinh tế Bangladesh

0
66
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Kế hoạch 5 năm tới có khả năng ra mắt vào tháng 11

Thời hạn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 đã kết thúc vào tháng 6, nhưng chính phủ đã không hoàn thành được kế hoạch mới vào thời điểm đó khi đại dịch coronavirus hoành hành ở Bangladesh. Cục Tổng hợp Kinh tế (GED) của Ủy ban Kế hoạch sẽ trình bày bản dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 để Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) thông qua lần cuối vào tháng 11. Hiện dự thảo đang trong giai đoạn hoàn thiện và nó sẽ được trình bày tại cuộc họp của NEC do Thủ tướng Sheikh Hasina chủ trì vào tháng tới.

Trong kế hoạch mới, Chính phủ nhấn mạnh chương trình bảo hiểm y tế toàn dân, chiến lược tạo việc làm trong các lĩnh vực xuất khẩu và phi chính thức nhằm khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch và xóa đói giảm nghèo.

Giám đốc GED cho biết các mục tiêu đặt ra trong dự thảo là rất quan trọng vì những mục tiêu này phải tạo cơ hội cho Bangladesh tiến tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Tầm nhìn 2041 để chuyển đất nước thành một quốc gia phát triển.

Một quan chức GED cho biết việc tạo việc làm trên quy mô lớn trong nền kinh tế hậu coronavirus được coi là thách thức lớn nhất đối với các nhà hoạch định. Dự thảo cũng bao gồm chiến lược tạo việc làm trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng.

Dự thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải có chương trình bảo hiểm y tế toàn dân thông qua nỗ lực phối hợp của chính phủ và khu vực tư nhân và đào tạo nhân viên y tế để đối phó với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng trưởng GDP lên 8,51% vào năm 2025 và cắt giảm dần lạm phát xuống 4,8%, mục tiêu thu nhập bình quân đầu người là 3.106 USD.

Kế hoạch cho rằng tỷ lệ đầu tư trên GDP cần được cải thiện lên 37,4% – 28,2% từ khu vực tư nhân, 3,0% trực tiếp từ nước ngoài và 9,2% từ chính phủ – để tạo ra số lượng việc làm dự kiến. Hiện tại, tỷ lệ đầu tư trên GDP là 31,6%. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu cải thiện tỷ lệ tiết kiệm trên GDP từ 29,5% lên 34% và giảm tỷ lệ chi tiêu trên GDP từ 75% xuống 70,3%.

2. Nền kinh tế tránh được suy thoái, nhưng vẫn có mối đe dọa lạm phát

Nguồn cung tiền gia tăng trong sáu tháng qua cùng với sự tăng trưởng của tiền mạnh (high-powered money-M1) đã giúp Bangladesh ngăn chặn suy thoái, nhưng các nhà kinh tế cho rằng áp lực về lạm phát đang gia tăng. Tiền mạnh bao gồm tổng lượng tiền mặt trên thị trường và tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương.

Chính sách tiền tệ mở rộng của Ngân hàng Bangladesh (BB) cùng với việc thực hiện các gói kích thích kinh tế của chính phủ nhằm tăng tốc độ phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng đã giúp dòng tiền vào hệ thống ngân hàng tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương điều chỉnh giảm tỷ lệ đấu giá mua lại (repo rate) và tỷ lệ dự trữ tiền mặt (CRR) kể từ tháng 4 năm 2020 đã thúc đẩy dòng tiền.

Theo số liệu thống kê mới nhất của BB, tổng cung tiền của Bangladesh, được đo bằng tiền rộng (M2), tăng 1,41%, lên tới 13,57% trong tháng 8 so với mức 12,16% vào tháng 3 năm 2020. M2 là lượng tiền trong nền kinh tế có sự kết hợp giữa tiền có tính thanh khoản cao (như tiền mặt…) và tiền kém thanh khoản (như tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn…).

Tiền dự trữ (RM) cũng có mức tăng trưởng 21,25% trong tháng 3, bởi sự tăng mạnh trong việc nắm giữ tiền mặt đề phòng trước những ngày nghỉ lễ trên toàn quốc để ứng phó với đại dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng RM đã giảm xuống còn 10% trong tháng 5, vượt mục tiêu trong năm tài chính vừa qua. Tăng trưởng cơ sở tiền (monetary base) đã tăng lên 15,56% trong tháng 6 so với mục tiêu ở mức 12% cho năm tài chính 2020.

Dữ liệu của BB cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền của ngân hàng trung ương đã nhảy vọt trở lại vào tháng 7, tháng đầu tiên của năm tài khóa hiện tại (FY21), sau khi mở cửa trở lại nền kinh tế. Tăng trưởng RM đạt 19,86% trong tháng 7, từ 15,56% một tháng trước đó, và giảm xuống 12,19% trong tháng 8.

Hệ số nhân tiền (money multiplier) đã tăng lên 5,05 vào tháng 8, từ 4,81 vào tháng 7 và 4,83 vào tháng 6. Hệ số nhân tiền được coi là một chỉ số của thị trường tiền tệ đề cập đến mức độ tiền thực tế có thể gia tăng trong tổng cung tiền.

Các nhà kinh tế lo ngại rằng cung tiền cao hơn có thể gây áp lực lạm phát lên nền kinh tế trong tương lai gần nếu các cơ quan quản lý không áp dụng các chính sách phù hợp để cân bằng giữa cung tiền và ổn định giá cả. Họ cũng khuyến nghị BB tăng cường giám sát, và cần đảm bảo việc sử dụng tiền hợp lý.

Cựu Thống đốc BB, Salehuddin Ahmed cho rằng chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nên làm việc cùng nhau để giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trên thị trường.

Một quan chức cấp cao của BB nói rằng mặc dù nguồn cung tiền đã tăng gần đây, hai chỉ số chính – M2 và RM – vẫn nằm trong dự tính của BB. Tài sản nước ngoài ròng (NFA) đã tăng gần đây sau khi thanh toán nhập khẩu giảm, dòng kiều hối tăng kỷ lục, cũng như viện trợ và cho vay nước ngoài tăng. “Những điều này đã tăng cường cung tiền trong hệ thống ngân hàng”.

Ông cũng cho biết tăng trưởng tài sản trong nước ròng (NDA) duy trì xu hướng giảm trong những tháng gần đây do chính phủ giảm đi vay từ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là từ BB. “Việc mua đô la Mỹ của BB trực tiếp từ các ngân hàng cũng góp phần làm tăng cung tiền trong hệ thống ngân hàng trong những tháng gần đây”. BB đã bơm 222,77 tỷ Tk (khoảng 2,6 tỷ USD) vào thị trường thông qua việc mua 2,63 tỷ USD từ các ngân hàng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 của năm tài chính FY21. Các kế hoạch tái cấp vốn của BB cũng đã tăng cường dòng chảy tiền thanh khoản cao trên thị trường.

Thủ tướng Sheikh Hasina cho đến nay đã công bố 19 gói kích cầu trị giá 1,03 nghìn tỷ Tk (khoảng 12 tỷ USD) để bù đắp tác động của đại dịch đối với các lĩnh vực khác nhau.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here