Tin Kinh tế Bangladesh

0
75
(Internet)
(Internet)

1. Bangladesh nằm trong số 3 quốc gia có thành tích hàng đầu về phát triển bền vững

Theo Báo cáo Phát triển Bền vững năm 2021, Bangladesh và hai quốc gia khác là Afghanistan và Bờ biển Ngà đạt được nhiều tiến bộ nhất về Chỉ số SDGs kể từ khi Chương trình nghị sự toàn cầu 2030 thông qua vào năm 2015.

Báo cáo do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN) đưa ra hôm thứ Hai (14/6). Báo cáo cho biết, từ năm 2010 và kể từ khi thông qua các mục tiêu vào năm 2015, khu vực Đông và Nam Á đạt được nhiều tiến bộ SDG hơn so với các khu vực khác. Ngược lại, ba quốc gia sụt giảm nhiều nhất là Venezuela, Tuvalu và Brazil. Tuy nhiên, điểm chỉ số SDGs trung bình toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ khi áp dụng SDGs vào năm 2015. Sự suy giảm trên toàn cầu, bao gồm cả ở các nước OECD, phần lớn là do tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp gia tăng vào năm 2020.

Theo báo cáo, Bangladesh xếp hạng thứ 109 với số điểm tổng chung là 63,5 trong chỉ số SDGs năm 2021. Phần Lan đứng thứ nhất với 85,9 điểm. Bốn quốc gia khác trong năm vị trí dẫn đầu là Thụy Điển (85,6), Đan Mạch (84,9), Đức (82,5) và Bỉ (82,2). Ở khu vực Nam Á, Bhutan (70) ở vị trí thứ 75, Maldives (69,3) ở vị trí 79, Sri Lanka (68,1) ở vị trí 87, Nepal (66,5) ở vị trí 96, Ấn Độ (60,1) ở vị trí 120, Pakistan (57,7) ở vị trí 129 và Afghanistan (53,9) ở vị trí thứ 137.

2. Giá sợi tăng đe dọa xuất khẩu hàng may mặc phục hồi

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh đang bị ảnh hưởng do tăng đột ngột bất thường của giá sợi trên thị trường trong nước và quốc tế, một diễn biến có nguy cơ làm chệch hướng của phục hồi xuất khẩu hàng may mặc do đại dịch gây ra. Các nhà xuất khẩu cho biết giá sợi tăng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 06/2021 do giá bông trên thị trường quốc tế tăng cao.

Sợi chiếm 50% chi phí để sản xuất một chiếc áo T-Shirt hoặc một sản phẩm hàng may mặc. Giá sợi tăng tại thị trường trong nước do giá bông tăng đột biến, phí vận chuyển tăng bất thường và công suất sử dụng tăng cao ở các nhà máy do sản xuất trở lại sau một thời gian tạm ngừng hoạt động. Trên thị trường quốc tế đặt hàng thanh toán sau (international futures markets), bông được giao dịch trong khoảng 88 cent/pound ngày 11/6, tăng từ mức khoảng 73 cent vào ngày 14/12/2020. Theo World Bank Commodities Price Data, giá bông tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, loại sợi tiêu thụ rộng rãi (30-count yarn) được bán với giá từ 4,25-4,30 USD/kg tại thị trường Bangladesh vào 13/6, tăng từ khoảng 4 USD/kg hồi tháng 12/2020.

Giá cước tăng đã ảnh hưởng nặng đến giá sợi tại thị trường nội địa. Giá cước vận chuyển là 1.000 USD cho mỗi container 40 feet vào tháng 12/2020. Monsoor Ahmed, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh (BTMA) cho biết là vào tháng 6/2021 giá cước này đã tăng lên 3.000 USD. Cũng theo ông, trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2021, nhu cầu bông tăng 163% so với cùng kỳ năm ngoái do hầu hết các nhà máy ở Bangladesh đều nâng cao công suất hoặc đã khai thác tối đa công suất do nhu cầu sợi gia tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng và tiêu thụ bông toàn cầu dự kiến sẽ tăng nhẹ từ tháng trước và dự báo, nhu cầu bông bị đẩy lên mức kỷ lục do nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì Bangladesh không phải là quốc gia sản xuất bông lớn nên 99% nhu cầu về nguyên liệu thô được nhập khẩu. Các thương nhân, nhà nhập khẩu và nhà máy bông sợi nhập khẩu 8 triệu kiện bông, tiêu tốn 3 tỷ USD mỗi năm. Năm ngoái, nhập khẩu bông của Bangladesh giảm xuống còn 7,2 triệu kiện do sản xuất ở nhiều nhà máy bị ngừng lại sau khi chính phủ áp đặt các hạn chế trên toàn quốc để kiềm chế đại dịch Covid-19. Bangladesh sản xuất 150.000 kiện bông hàng năm.

Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng, các thương hiệu và nhà bán lẻ quần áo quốc tế không muốn trả giá cao hơn cho các nhà cung cấp hàng may mặc Bangladesh. Giá sợi tăng đã đẩy chi phí sản xuất hàng may mặc thành phẩm xuất khẩu lên 25%. Nhưng người mua đang đưa ra mức tăng giá chỉ từ 5% đến 10%.

Mohammad Ali Khokon, chủ tịch BTMA cho biết, năm ngoái, sản lượng bông ở Mỹ và Ấn Độ, hai nhà cung cấp nguyên liệu chính cho Bangladesh, thấp. “Vì vậy, giá sợi đã tăng ở Bangladesh”. Trong khi đó nhu cầu (hàng may mặc) ở các thị trường phương Tây giảm và giá cả thấp, Bangladesh có thể sẽ không đạt mục tiêu xuất khẩu hàng may mặc trong năm tài chính sắp tới.

Faruque Hassan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, cho biết các nhà bán lẻ và thương hiệu đã tăng giá đặt hàng lên đến 15% cho các đơn đặt hàng mới, mặc dù chi phí đã tăng lên tới 25%.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here