Việc bổ nhiệm người kế nhiệm bà Christine Lagarde làm người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ là một cơ hội để tái khẳng định sứ mệnh và tầm nhìn của IMF về thực tế của thế kỷ XXI.
75 năm sau cuộc họp tại Bretton Woods định hình kiến trúc của hệ thống tài chính quốc tế hiện nay, một lần nữa vấn đề luân phiên địa lý của vị trí Tổng Giám đốc IMF sẽ được đặt ra và có phần quyết liệt hơn. Bà Christine Lagarde, mới đây được bổ nhiệm làm người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, tuyên bố sẽ từ nhiệm Tổng Giám đốc IMF vào ngày 12/9.
Về mặt truyền thống, hai thể chế tài chính quốc tế lớn nhất được ra đời từ Bretton Woods là Ngân hàng thế giới (WB) và IMF lần lượt do đại diện Mỹ và châu Âu lãnh đạo. Trong đó, 5 người Pháp đã nắm vị trí Tổng Giám đốc IMF. Ít lâu sau, vào năm 1966, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được thành lập và kể từ đó nhất nhất đều do đại diện của Nhật lãnh đạo.
Liệu các nước phương Tây có thể tiếp tục bấu víu vào truyền thống kế thừa từ thế kỷ XX trong bối cảnh thế giới của thế kỷ XXI đang trải qua những biến đổi căn bản?
Trong một diễn văn tại Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 16/7, ông David Lipton, nhân vật số 2 hiện nay của IMF, đã nhắc lại rằng IMF đã khác trước, hiện có 189 thành viên, trong khi ban đầu chỉ có 44 quốc gia tham gia Hội nghị Bretton Woods. Ngoài ra, ông đặc biệt nhấn mạnh, trên hết, cần tiên lượng diện mạo thế giới trong 75 năm tới, IMF sẽ phải đối mặt với 03 thách thức cốt yếu: sự dịch chuyển của trọng tâm sức mạnh kinh tế và tài chính, mà từ giờ trở đi Mỹ chia sẻ cùng với Trung Quốc; tác động của công nghệ mới đối với kinh tế, đặc biệt là tài chính; và những mối đe dọa đối với chủ nghĩa đa phương – nền tảng của các thể chế Bretton Woods.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Việc bổ nhiệm người kế nhiệm bà Lagarde nằm trong bối cảnh của thách thức đầu tiên mà theo ông Lipton, đó là thách thức về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những yêu sách của các quốc gia mới nổi. Để giải quyết thách thức thứ 2 và thứ 3, IMF phải có khả năng giải quyết thách thức đầu tiên. Ngay trước thềm của cuộc họp tài chính G7, diễn ra ngày 17 và 18/7 tại Chantilly (Pháp), câu hỏi về vị trí lãnh đạo tương lai của IMF được đề cập đến không chính thức, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp cho biết IMF nên tiếp tục do một thành viên EU lãnh đạo. Có lẽ đây là công bố để chính thức gạt ứng cử viên George Osborne, cựu Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố của Anh, người ủng hộ Boris Johnson, đi đầu trong Brexit. Những người nhắc tới tên của Mark Carney, hiện là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, quốc tịch Canada, thì nhấn mạnh ông này cũng có quốc tịch Ireland.
Tuy nhiên, suy cho cùng việc thay đổi người đứng đầu IMF sẽ là một cơ hội để tính đến thực tế của thế kỷ XXI. Thay vì khăng khăng đòi hỏi tính liên tục của tiêu chí quốc tịch như trước, tốt hơn hết các nước châu Âu nên tập trung vào sứ mệnh của IMF. Điều quan trọng là xác định được người có năng lực nhất và có khả năng bảo vệ tốt nhất cho chủ nghĩa đa phương, hợp tác và mở cửa kinh tế – nói một cách khác là người gần gũi nhất với các ý tưởng mà các nước châu Âu ủng hộ, cho dù người đó có quốc tịch Singapore, Ấn Độ, Irland hay Pháp. Làm được vậy, các nước châu Âu sẽ tăng cường được tính chính danh của chính mình. Cải tổ Bretton Woods trước hết là cải tổ phương thức quản trị của IMF để các nước đang trỗi dậy hội nhập tốt hơn nữa. Và để qua đó không cho Trung Quốc có cớ xây dựng một hệ thống khác song song.
Tin từ ĐSQVN tại Pháp (theo Le Monde ngày 19/7)