Nợ xấu đã, đang và sẽ vẫn luôn là một vấn đề dai dẳng và nhức nhối do ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với các tổ chức tín dụng, mà có thể lan truyền và làm rung động đến toàn bộ hệ thống tài chính quốc gia và quốc tế.
Xử lý nợ xấu được thực hiện với nhiều cách thức khác nhau ở mỗi nước, song, tựu chung lại đều quy tụ vào việc liên tục phải nâng cao năng lực và tín nhiệm đối với bất kỳ tổ chức tài chính nào…
Nợ xấu (Non-performing Loans – NPLs) là các khoản vay quá hạn hoặc gần quá hạn, mà người vay không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán lãi hoặc trả nợ gốc. Thông thường, khoản vay trở thành nợ xấu nếu không thanh toán được trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm đáo hạn; Tuy nhiên, phân loại nợ xấu còn phụ thuộc vào quy định riêng của mỗi quốc gia và các điều khoản hợp đồng của các khoản vay đó.
Nợ xấu của ngân hàng có xu hướng xuất hiện sau thời gian bùng nổ tín dụng; hoặc sau khi tín dụng tăng trưởng trì trệ kéo dài trong các hệ thống tài chính yếu về cấu trúc. Giải quyết các khoản nợ xấu hệ thống rất phức tạp và tốn kém. Nợ xấu lấn át các khoản cho vay mới, làm suy giảm lợi nhuận và khả năng thanh toán của các ngân hàng. Khi mức nợ xấu ảnh hưởng đủ lớn đến một số lượng ngân hàng nhất định, hệ thống tài chính sẽ ngừng hoạt động bình thường và các ngân hàng không thể cung cấp tốt tín dụng cho nền kinh tế nữa. Việc phục hồi hệ thống tài chính có thể bị chậm lại, do chức năng của thị trường và sự phối hợp giữa các ngân hàng đã bị suy yếu.
Nhằm đối phó với khủng hoảng trong trường hợp như vậy, các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp khác nhau, thường đòi hỏi tốn kém về tài chính và mất nhiều thời gian để đạt mục tiêu đặt ra, mà dưới đây là một số công cụ, cách thức chính:
- Xóa nợ (Write-off)
Xóa nợ là một trong những biện pháp đơn giản nhất để xử lý nợ xấu; nếu sử dụng thường xuyên, nó giúp đảm bảo rằng không có tồn đọng lớn của nợ xấu trên bảng cân đối ngân hàng. Nó cũng có thể được sử dụng như một biện pháp khẩn cấp trong thời kỳ khủng hoảng, khi các cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải xóa các khoản nợ xấu, bởi nhận thấy rằng giá trị thu hồi dự kiến sẽ là rất nhỏ và xóa nợ là biện pháp tốt nhất. Tuy nhiên, các ngân hàng thường ngần ngại khi xóa nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán của họ, vì sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận và vốn của họ. Các ngân hàng thường thích giữ toàn bộ giá trị của khoản vay trên bảng cân đối kế toán để quay vòng khoản vay, hoặc cuối cùng là cơ cấu lại nó theo thời gian hoặc dựa vào sự cải thiện các điều kiện kinh tế vĩ mô.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp xóa nợ gắn với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008., Chính phủ Mỹ năm 2015 đưa ra hướng dẫn yêu cầu thời gian giới hạn để xóa nợ phải độc lập với thời gian thu hồi nợ. Tại Nhật Bản, các biện pháp kinh tế khẩn cấp năm 2001 đã đẩy nhanh việc xử lý tài sản thế chấp. Chính phủ đã đưa ra một hướng dẫn yêu cầu các ngân hàng lớn loại bỏ các khoản vay gần phá sản, hoặc có chất lượng thấp trong vòng ba năm, sau khi được xác nhận. Ở Brazil, các khoản vay nguy hiểm phải được xóa nợ sau sáu tháng.
- Bán nợ trực tiếp (Direct sales):
Trong bán trực tiếp các khoản nợ xấu, ngân hàng thường bán tài sản xấu cho các đối tác, thông thường đó là một tổ chức tài chính khác, có thể là ngân hàng, hay các quỹ đầu tư. Các ngân hang, hoặc các công ty quản lý tài sản AMC, sẽ cung cấp cho người mua tiềm năng thông tin họ cần để tiến hành thẩm định các khoản nợ. Điển hình gần đây của phương pháp này là việc bán nợ trực tiếp ở các ngân hàng của Ireland, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh hay Ý cho một số quỹ tự bảo hiểm rủi ru và các quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ giai đoạn 2013-2016. Trong một số trường hợp, bán nợ trực tiếp sẽ bao gồm các gói cho vay, thay vì một khoản cho vay riêng lẻ, việc này nhằm tận dụng sự đa dạng hóa rủi ro thông qua việc gộp chung tài sản.
- Chứng khoán hóa nợ (Securitisation)
Chứng khoán hóa nợ là một cách xử lý nợ xấu phức tạp hơn, nhưng có đối tượng mua đa dạng hơn. Trong chứng khoán hóa, một số các khoản nợ xấu được tập hợp lại để tạo ra các mức độ nợ xấu khác nhau cho từng đợt chuyển nợ, mỗi đợt có mức độ rủi ro khác nhau. Ưu điểm của chứng khoán hóa nợ là có sự đa dạng hóa rủi ro từ một kênh tín dụng và với từng đợt chuyển nhượng, nhà đầu tư có thể chọn kết hợp lãi suất theo nhu cầu. Hơn nữa, chuyển đổi nợ xấu thành chứng khoán có thể bán trên thị trường, từ đó thu hút được sự quan tâm từ một nhóm người mua rộng rãi hơn, bao gồm cả các tổ chức nước ngoài. Chứng khoán hóa nợ cũng thường có chi phí thấp hơn, nếu các tài sản chứng khoán hóa được bảo đảm, và được bán với giá hời hơn so với bán nợ trực tiếp. Mặt khác, khi xử lý nợ xấu với quy mô nhỏ, đối với hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ, chứng khoán hóa nợ cũng bao hàm một số lợi ích kinh tế về quy mô hơn, so với bán nợ trực tiếp riêng lẻ.
Hoa Kỳ đã sử dụng phương pháp này trong cuộc khủng hoảng Saving & Loans (những năm 1980), cũng như các nước ở Châu Á (trong những năm 1990) và Châu Âu gần đây. Trong cuộc khủng hoảng Saving & Loans, chính quyền Hoa Kỳ đã thành lập Resolution Trust Corporation (RTC). Tập đoàn này được giao nhiệm vụ mua nợ xấu từ các hiệp hội tiết kiệm và cho vay. RTC tập hợp các khoản thế chấp và chuyển nhượng cho bên ủy thác, thông qua chứng khoán hóa bán dần cho các nhà đầu tư.
- Chương trình bảo vệ tài sản – Asset protection schemes
Chương trình bảo vệ tài sản (APS) là một chương trình bảo hiểm nhằm hỗ trợ các ngân hàng có mức nợ xấu cao; Trong đó, cơ quan nhà nước đứng lên đảm bảo sẽ trang trải một số khoản lỗ nhất định cho các khoản vay, với một khoản phí nhất định. Một trong những mục tiêu của APS là hỗ trợ tín dụng cho các ngân hàng, vì mức nợ xấu có thể vượt qua mức tín dụng mới. APS thường được đưa ra trong giai đoạn cấp bách và có xu hướng nhắm vào một số ngân hàng lớn trong nước thay vì toàn bộ ngành. Lợi ích của APS là biện pháp này không yêu cầu giải ngân trước, các ngân hàng có thể hưởng lợi của chương trình bảo lãnh kể từ khi bắt đầu mà chỉ phải trả một khoản phí dịch vụ. Tính khả thi của chương trình này phụ thuộc vào năng lực của cơ quan nhà nước với chương trình mà họ đảm bảo và niềm tin của những người tham gia thị trường. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, Kho bạc Nhà nước áp dụng chương trình bảo vệ tài sản vào đầu năm 2009 nhằm vào hai ngân hàng, mặc dù cuối cùng chỉ có một ngân hàng tham gia chương trình này. Tại Hoa Kỳ năm 2009, Kho bạc thành lập Chương trình bảo lãnh tài sản (AGP) để hỗ trợ một số tài sản do các tổ chức tài chính đủ điều kiện nắm giữ bằng cách đồng ý chịu một phần tổn thất trên các tài sản đó. Cuối cùng, chỉ có Citigroup nhận được hỗ trợ theo chương trình AGP, với trị giá 301 tỷ USD.
- Công ty quản lý tài sản (Assets Management Companies)
AMC là các công ty chuyên mua nợ, tài sản xấu từ các ngân hàng. Các công ty quản lý tài sản có thể thuộc sở hữu tư nhân hoặc nhà nước, và có phạm vi xử lý tài sản rất đa dạng. Thông thường, công ty quản lý tài sản chuyên biệt được thành lập khi các vấn đề nợ xấu chỉ xảy ở một số ngân hàng riêng lẻ (ví dụ giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Thụy Điển), trong khi có những AMC được thành lập để giải quyết các vấn đề nợ xấu mang tính hệ thống (ví dụ như các nước châu Á ở những năm 1990). Trong trường hợp thứ hai, nhiều khả năng các AMC sẽ được thiết lập bằng công quỹ, vì khu vực tư nhân không có đủ khả năng tài chính hoặc đủ khả năng điều phối để thực các chương trình toàn hệ thống này vào thời điểm xảy ra khủng hoảng. Khi các AMC được tập trung hóa sẽ xử lý nhất quán và tốt hơn các loại nợ xấu từ ngân hàng khác nhau, đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ và tái cơ cấu ngân hàng. RTC của Mỹ được thành lập vào năm 1989, chịu trách nhiệm và giải quyết 747 khoản tiết kiệm với tài sản trị giá 402,6 tỷ USD vào năm 1995. Securum của Thụy Điển được thành lập vào năm 1993, thuộc sở hữu chính phủ, nhằm xử lý nợ xấu của ngân hàng quốc doanh Nordbanken. SAREB của Tây Ban Nha được thành lập năm 2012 có 50% cổ phần thuộc sở hữu tư nhân và 45% thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ của SAREB là mua lại, quản lý và xử lý tài sản được chuyển bởi các tổ chức tín dụng. SAREB đã mua lại 106 tỷ EUR nợ xấu từ các ngân hàng.
Các công cụ chính sách để giải quyết nợ xấu hệ thống
Đối tượng: Con nợ (Các công ty phi tài chính) | |
Công cụ chính sách | Cách thức hoạt động |
Tái cơ cấu nợ | Hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc tái cơ cấu khoản cho vay (liên quan đến các ngân hàng, là những chủ nợ cho cùng một khách hàng) |
Đối tượng: Ngân hàng | |
Xóa nợ | Các khoản vay được xóa khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng |
Bán trực tiếp | Các ngân hàng hoặc các công ty quản lý tài sản (asset management company – AMC) bán nợ xấu cho các thị trường chuyên dụng |
Chứng khoán hóa | Ngân hàng, các công ty chuyên dụng hoặc AMC dồn và chia nhỏ các khoản vay rồi bán các sản phẩm chứng khoán hóa tại các thị trường chuyên dụng |
Chương trình bảo vệ tài sản | Các công ty được nhà nước hậu thuẫn sẽ được cung cấp bảo hiểm nợ xấu để có thể tiếp tục vay nợ ngân hàng |
Công ty quản lý tài sản chuyên trách (AMC) | Các công ty chuyên mua tài sản xấu từ các ngân hàng có vấn đề về nợ xấu |
Nguồn: Bank for International Settlements (BIS).
Nhìn chung, có thể nói, mặc dù quy mô của các vấn đề nợ xấu khác nhau giữa các quốc gia và định nghĩa về nợ xấu không dễ so sánh giữa các quốc gia, song tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể đạt đến mức rất cao trong cuộc khủng hoảng toàn hệ thống. Sử dụng linh hoạt và phù hợp đặc điểm địa phương các chính sách và công cụ xử lý nợ là nghệ thuật mỗi nước; song điều quan trọng chung được rút ra là vấn đề nợ xấu khó có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận giữa các ngân hàng với các ngân hang, mà chỉ có cách tiếp cận toàn hệ thống mới mang lại hiệu quả cao…!?
Ths. Nguyễn Trần Minh Trí
Viện kinh tế & chính trị thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam