Ngày 26/10, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.
Theo VCCI, hiện nay, Việt Nam có trên 850 nghìn doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), với quy mô vốn và lao động nhỏ bé. Quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ cũng như các vướng về cơ chế chính sách đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), VCCI cho biết, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng với sự phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…là những động lực quan trọng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, là những cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm, hàng hoá của mình đến với toàn thế giới, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Tâm, thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hoá, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu, khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường mới, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.
Theo kết quả khảo sát PCI của VCCI thực hiện trong những năm gần đây cho thấy, hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng”. Đây cũng chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cho các DNNVV Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hội, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT), Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng các chiến lược, chính sách về tín dụng chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các DNNVV, quá trình triển khai chiến lược, chính sách tín dụng còn bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vay ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, trong khi lãi suất vay của các DNNVV Việt Nam cao nên bị thua ngay từ điểm khởi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Để giúp DNNVV thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, tại hội thảo các chuyên gia đưa ra một số giải pháp: Tăng cường quản trị chiến lược, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững; đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường; xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của mình.
Bên cạnh đó, các DNNVV cần nghiên cứu, đề xuất với các ngành chức năng tiếp tục đàm phán, tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, xã hội và môi trường, ký kết các hiệp định công nhận lẫn nhau với các nước, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các DNNVV.
Vân Chi