Theo báo cáo của nền tảng nghiên cứu dữ liệu thương mại điện tử Việt Nam Metric cho biết, trong 3 quý đầu năm 2024, tổng doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm 2023, doanh số trung bình hằng tháng của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn của Việt Nam (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo) đạt 25.300 tỷ đồng. Dự báo, tổng doanh số bán hàng trực tuyến tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong quý 4/2024, các tháng 10, 11 và 12 sẽ lần lượt tăng trưởng 10%, 20% và 35% so cùng kỳ năm 2023.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp, trực tiếp kích thích sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Bộ Công Thương Việt Nam cùng với các doanh nghiệp liên quan đã thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của tiêu dùng trực tuyến. Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ tương đối cao (hơn 60% dân số cả nước ở độ tuổi dưới 35), tỷ lệ phổ cập Internet và điện thoại thông minh của Việt Nam ngày càng tăng, sự phổ biến của thanh toán điện tử đã tạo động lực tốt cho tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng ở Đông Nam Á, ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và trở thành thị trường trọng điểm cho nhiều nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, JD.com… Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở thành kênh mới để các công ty Việt Nam xuất khẩu sản phẩm, các thương hiệu của Việt Nam như Vinamilk, Biti’s… đã đạt được mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế dựa trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Với việc phổ biến mạng 5G và ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đón nhận sự phát triển theo hướng thông minh hóa ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức như cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa chưa hoàn thiện, logistics và phân phối vẫn còn khó khăn, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử của Việt Nam cần được cải thiện để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường./.
(theo tin từ ĐSQ Việt Nam tại Bắc Kinh)