Là một trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, việc nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam để giúp mặt hàng này nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập mạnh vào thị trường EU là vấn đề cần thiết đối với ngành hàng này.
EU- Thị trường xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2021), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020). Năm 2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.
Năm 2018, năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU giảm 6%. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,22 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2019, đứng thứ 3 trong 4 thị trường chính (sau Mỹ đạt 1,6 tỷ USD; Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD; Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD).
Sang đến năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu, nhất là vào giai đoạn quý III/2021, nhưng cả năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm đưa kết quả cả năm 2021 vượt trên mong đợi với trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, đồng thời, chiếm 12% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng vị trí thứ ba, xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc (VASEP, 2022).
Mặc dù sản lượng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng nhiều, nhưng vẫn có các cảnh báo về vi phạm an toàn thực phẩm và thực tế có nhiều sản phẩm bị trả về.
Gần đây nhất, năm 2021, trong Công văn số 6353/BCT-AM, ngày 12/10/2021 của Bộ Công Thương đưa ra cảnh báo về dư lượng các chất có hại trong một số nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Trong đó, Cơ quan y tế Italy phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng động vật giáp xác và hải sản xuất khẩu của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu (K.Chi, 2021).
Còn trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 1/5/2019, Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU. Tháng 10/2019, một số lô hàng cá tra philê đông lạnh có thêm nước từ Việt Nam bị phát hiện có hàm lượng chlorate cao hơn và bị đưa vào cảnh báo nhanh RASFF. Hàm lượng chlorate cao có thể gây hại cho danh tiếng của sản phẩm, nhà sản xuất và người bán cá tra.
Trước đó, chỉ riêng trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam EU và các thị trường nhập khẩu cảnh báo không đảm bảo chất lượng và bị trả về. Số lượng hàng bị trả về gấp đôi trong năm 2017.
Nỗ lực tìm giải pháp
Để nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế của EU đối với hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Xây dựng lộ trình cho một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới của Việt Nam đối với thủy sản xuất khẩu để phù hợp với thông lệ của EU nói riêng và quốc tế nói chung, qua đó tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU. Một hệ thống tiêu chuẩn môi trường phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, tính đến điều kiện đặc thù của các doanh nghiệp trong nước sẽ là công cụ hữu hiệu để quản lý môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng để hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích và thúc đẩy các chương trình hành động nhằm cải thiện và nâng cao tính hiệu quả và bền vững trong việc sử dụng các nguồn lực và các quá trình sản xuất, giảm suy thóai tài nguyên, ô nhiễm và chất thải. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến việc tăng cường ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy sản để giảm các nguy hại.
Thúc đẩy các nỗ lực ngăn ngừa buôn bán bất hợp pháp quốc tế các hóa chất và chất thải nguy hại, ngăn ngừa sự thiệt hại gây ra từ việc vận chuyển chất thải xuyên biên giới và thải bỏ chất thải nguy hại phù hợp với các ràng buộc theo các văn bản quốc tế như Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc loại bỏ các chất thải đó.
Giáo dục ý thức cộng đồng và nâng cao nhận thức về môi trường đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, mở các chiến dịch đào tạo và tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phổ biến các quy định và tiêu chuẩn môi trường quốc tế của EU cho các nhà quản lý và doanh nghiệp, để làm sao cho các doanh nghiệp thấy được tầm quan trọng của các quy định và tiêu chuẩn này khi xuất khẩu hàng hóa.
Nâng cao nhận thức về các lợi ích mà việc đáp ứng các yêu cầu về môi trường mang lại cho quốc gia và doanh nghiệp. Mở các khóa đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp, các nhà quản lý về vấn đề bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững. Các cơ quan chức năng cần phổ biến các thông tin về các tiêu chuẩn môi trường liên quan tới sản phẩm, đồng thời giới thiệu các quy định và tiêu chuẩn môi trường của một số nước là bạn hàng của Việt Nam cho các doanh nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Trước yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thủy sản xuất khẩu của EU, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thay đổi thói quen sản xuất và kinh doanh nhằm tạo sự tin tưởng với thị trường EU và với cả các thị trường nước ngoài khác. Bên cạnh đó, không chỉ tuân thủ quy tắc, mà doanh nghiệp phải tăng thêm giá trị cho sản phẩm nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng của EU.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần chú trọng tăng cường việc ghi nhãn xuất sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cũng như thương hiệu sản phẩm thủy sản xuất xứ Việt Nam. Thực tế hiện nay hầu hết sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đóng gói tại nước nhập khẩu với tên khác. Điều này đang tạo ra mức giá mới, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không được hưởng lợi.
Cần tập trung phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Để thích ứng với thị trường này trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải chủ động đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường EU.
Đầu tư đổi mới công nghệ: Đổi mới công nghệ sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Một mặt làm giảm giá thành sản xuất, mặt khác nâng cao chất lượng do đáp ứng được các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu về bao bì đóng gói, an toàn vệ sinh, quy trình chế biến.
Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn có tính đến các tác động của các quy định tiêu chuẩn và quy định môi trường của sản phẩm. Để vượt qua các rào cản thương mại và môi trường quốc tế của EU, doanh nghiệp cần có chiến lược về sản phẩm, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh quốc gia trong lựa chọn sản phẩm kinh doanh, chú trọng đến khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hiện đại hóa khâu thiết kế sản phẩm, chọn lựa hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới phù hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tăng cường công tác thông tin. Một trong những vấn đề chính mà các doanh nghiệp của những nước đang phát triển hay gặp phải trong việc đẩy mạnh xuất khẩu là việc thiếu thông tin về tiêu chuẩn và các biện pháp về sức khỏe hay kiểm dịch áp dụng đối với sản phẩm của họ tại các thị trường trọng điểm.
Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường, sản phẩm. Ngoài sự hỗ trợ thông tin của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc tiếp cận các nguồn thông tin thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thông quốc tế, các tổ chức trong nước và quốc tế, các bạn hàng.
Quốc Cường