Đầu tư mạo hiểm
Đầu tư mạo hiểm (venture capital) là việc đầu tư vốn tài chính để sở hữu cổ phần trong các công ty khởi nghiệp với kỳ vọng thu về lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn bỏ ra khi công ty khởi nghiệp phát triển thành công.
Đối tượng chính của đầu tư mạo hiểm là các tiềm năng kinh tế còn non trẻ: Một ý tưởng sáng tạo, một công nghệ mới có thể thương mại hóa, một sản phẩm đang ở giai đoạn thử nghiệm, một công ty mới bước đầu tiếp cận thị trường.v.v. Để hấp dẫn nhà đầu tư mạo hiểm, các công ty khởi nghiệp cần có ý tưởng đột phá, công nghệ đi trước thời đại, và có tiềm năng cùng khả năng chinh phục một thị trường rộng lớn. Cùng với yếu tố con người, tiềm năng tăng trưởng là yếu tố quan trọng nhất chi phối quyết định đầu tư trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.
Đầu tư mạo hiểm có đặc trưng là dài hạn (5-10 năm), tính thanh khoản thấp (khó thoái vốn) và rủi ro đặc biệt cao (trên 90% các công ty khởi nghiệp thất bại). Để đảm bảo hiệu quả sinh lời, các nhà đầu tư mạo hiểm thường chỉ đầu tư nếu lợi nhuận kỳ vọng ở mức 10-20 lần số vốn bỏ ra. Trên thực tế, khi một quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào khoảng 30 công ty khởi nghiệp, chỉ một hoặc vài trong số đó sẽ thành công và mang về lợi nhuận gấp nhiều lần số vốn bỏ ra; số còn lại sẽ thất bại và hầu như mất hoàn toàn vốn.
Kinh tế tri thức, chuỗi giá trị toàn cầu và vị trí của Việt Nam hiện nay
Kinh tế tri thức là nền kinh tế lấy việc tạo ra và sử dụng tri thức, trên cơ sở khoa học và công nghệ cao, làm nguồn lực cơ bản của phát triển, tạo ra của cải, việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong khi tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn thì tri thức và sự sáng tạo của con người là vô hạn. Một khi tri thức đã trở thành nguồn lực chủ yếu của nền kinh tế, tiêu hao tài nguyên sẽ giảm, đồng thời giá trị gia tăng tạo ra sẽ tăng lên. Đây là tiền đề cơ bản để hướng tới việc phát triển bền vững.
Nền kinh tế tri thức được xây dựng trên bốn trụ cột cơ bản: (i) Hệ thống giáo dục đào tạo hướng đến việc nâng cao kỹ năng sử dụng tri thức ở người lao động; (ii) Hệ sinh thái toàn diện hỗ trợ việc đổi mới sáng tạo; (iii) Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông đạt tốc độ cao, ổn định và an toàn; (iv) Môi trường thể chế và pháp lý khuyến khích sự phát triển, phổ cập tri thức và bảo đảm quyền sở hữu và khai thác các thành quả tri thức.
Căn cứ trên các tiêu chí này, Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng các nền kinh tế theo chỉ số kinh tế tri thức (KEI). Kết quả cho thấy các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Đức, các nước Bắc Âu, Thuỵ Sỹ, Nhật Bản, Singapore… nằm ở nhóm cao nhất. Việt Nam hiện đang đứng ở nửa dưới bảng xếp hạng với vị trí 102 trên 146 nước và vùng lãnh thổ.
Sự phân hạng các nền kinh tế theo chỉ số kinh tế tri thức cũng trùng khớp với sự phân công lao động giữa các quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, các nước có chỉ số KEI cao cũng đồng thời là các quốc gia đứng ở nấc cao trong chuỗi giá trị (thiết kế, tinh chế và hoàn thiện sản phẩm); các nước có chỉ số KEI thấp cũng đồng thời là các quốc gia đứng ở nấc thấp trong chuỗi giá trị (sản xuất nguyên liệu thô, gia công và sơ chế). Điều này không ngạc nhiên vì kinh tế tri thức là thành quả từ các khoản đầu tư lớn và dài hạn cho giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển cơ sở hạ tầng. Thực tế hiện nay chỉ có các nước đã trở nên giàu có nhờ chiếm lĩnh phần giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu mới có đủ nguồn lực để tự mình phát triển nền kinh tế tri thức.
Sự phân công lao động toàn cầu cùng sự phân cực giàu nghèo giữa các quốc gia hiện nay là hệ quả của các cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ với mức độ phân hoá ngày càng tăng. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiền đề của giai đoạn kinh tế tri thức, sự phân cực này được dự báo sẽ diễn ra đặc biệt nhanh và khốc liệt hơn. Các quốc gia vốn đã giàu lên từ các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nay càng có nguồn lực để đầu tư và chiếm lĩnh nhanh chóng phần kinh tế tri thức; các quốc gia còn lại thiếu và yếu về nguồn lực nếu không có cách tiếp cận hợp lý sẽ nhanh chóng bị tụt hậu xa hơn, thậm chí bị đào thải.
Việt Nam hiện đang đứng ở những nấc rất thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, nơi giá trị gia tăng tạo ra chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Để nâng cao giá trị sản xuất toàn xã hội, cách duy nhất là phải thúc đẩy nền kinh tế lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị, tức phải tham gia sâu hơn vào phần thiết kế, tinh chế và hoàn thiện sản phẩm. Mặt khác, để tránh tụt hậu và bị đào thải trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão, Việt Nam cần có cách tiếp cận hợp lý để tham gia sớm nhất vào nền kinh tế tri thức. Để đạt được đồng thời hai mục tiêu này, lựa chọn đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài có thể là một cách tiếp cận khả dĩ.
Tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu qua kênh đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài
Tiền đề lý luận cho cách tiếp cận trên xuất phát từ các nghiên cứu về chiến lược phát triển doanh nghiệp cho tăng trưởng trong môi trường kinh tế tri thức. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã chỉ rõ trong điều kiện kinh tế tri thức, chính sách phát triển doanh nghiệp cho tăng trưởng cần áp dụng cách tiếp cận “hệ sinh thái” và tập trung nguồn lực cho các công ty tăng trưởng nhanh (high growth firm – HGF). Thực tiễn cho thấy phần lớn số lượng việc làm và giá trị gia tăng tạo ra tại các nước OECD trong vòng vài thập kỷ qua chỉ đến từ một số ít các công ty tăng trưởng nhanh. Nhận diện sớm các công ty này và tập trung nguồn lực hỗ trợ cho họ sẽ mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với chính sách phát triển khởi nghiệp theo bề rộng. Mặt khác, các HGF không thuần tuý được tạo ra từ phòng thí nghiệm hay một vài cá nhân khởi nghiệp xuất sắc. Sản phẩm nghiên cứu và ý tưởng kinh doanh tốt chỉ biến thành các HGF khi được nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường thuận lợi, tức một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển toàn diện từ các nhân tố tham gia (cá nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, hệ thống giáo dục và nghiên cứu, nhận thức của công chúng, môi trường thể chế…) đến cách thức các nhân tố đó tương tác lẫn nhau. Chính sách khởi nghiệp chỉ hướng đến một hoặc một số nhân tố mà thiếu đi sự phát triển đồng bộ toàn bộ hệ sinh thái sẽ không thể thành công.
Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các nước đang phát triển như Việt Nam khi muốn tiến lên nền kinh tế tri thức. Trong khi chủ trương lấy mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp làm động lực tăng trưởng trong thời kỳ mới là đúng đắn, thì sự thiếu vắng một hệ sinh thái đồng bộ hỗ trợ khởi nghiệp là khó khăn không nhỏ. Ngoài ra, thách thức thứ hai cần đối mặt là việc khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Nếu nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp không được đầu tư có chất lượng (ở đây là việc tìm ra và nuôi dưỡng các công ty tăng trưởng nhanh) mà chỉ chạy theo số lượng thì hiệu quả đầu tư sẽ rất thấp. Bài toán nan giải Việt Nam đang đối mặt là cần dành nguồn lực hạn chế của mình để phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, trong khi những công ty như vậy lại chỉ được hình thành trong môt hệ sinh thái phù hợp, điều mà Việt Nam có thể còn mất nhiều thập kỷ mới có thể xây dựng.
Cách tiếp cận tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu qua kênh đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài là một hướng hoá giải thách thức trên. Nội hàm quan trọng nhất cần làm rõ trong cách tiếp cận này là động từ “tham gia” và sự phân định giữa nền kinh tế tri thức trong phạm vi quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Trong khi phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam cần những khoản đầu tư lớn và dài hạn cho giáo dục, nghiên cứu khoa học và hoàn thiện thể chế, điều mà Việt Nam khó có thể làm được trong tương lai gần với nguồn lực hạn chế, thì việc tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu lại là việc có thể tiến hành sớm và không nhất thiết phải có đồng bộ các nguồn lực này. Về bản chất, tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu là việc Việt Nam đầu tư nguồn lực và vốn vào các quốc gia, khu vực đã có nền kinh tế tri thức phát triển để được quyền chia sẻ lợi nhuận từ giá trị gia tăng tạo ra tại các nền kinh tế đó.
Có hai phương thức để Việt Nam sớm tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu. Một là đầu tư trực tiếp, theo đó Nhà nước, các cá nhân và tổ chức Việt Nam trực tiếp thành lập doanh nghiệp và tham gia vào phân khúc công nghệ cao tại các nền kinh tế tri thức. Hai là đầu tư gián tiếp, theo đó Nhà nước, các cá nhân và tổ chức Việt Nam góp vốn cổ phần vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cao tại các nền kinh tế tri thức để được quyền chia lợi nhuận tương lai nếu các công ty đó thành công.
Về hướng đầu tư trực tiếp. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức Việt Nam tham gia trực tiếp vào việc nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, tại các nền kinh tế tri thức phát triển. Có ba nhóm giải pháp:
- Một là, tổ chức xét tuyển và cung cấp tài chính để các nhà khoa học, cá nhân Việt Nam xuất sắc đi tu nghiệp tại các nước phát triển với định hướng nhằm tạo ra các phát minh, sáng chế và tiến hành thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu của mình ngay tại chính các nước đang tu nghiệp. Cách tiếp cận này khác về chất so với việc cấp học bổng cho các cá nhân ra nước ngoài học tập để sau này về nước phục vụ. Như trên đã đề cập, một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức là cách tiếp cận về “hệ sinh thái”, theo đó một phát minh sáng chế chỉ có thể được thương mại hoá thành công và tạo ra giá trị cao nhất khi được ươm mầm trong một hệ sinh thái phù hợp. Việc khuyến khích các du học sinh nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm của mình ngay tại các nước phát triển chính là cách giúp tạo ra giá trị gia tăng cao nhất cho sản phẩm của họ.
- Hai là, tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng và hỗ trợ tài chính để gửi các cá nhân khởi nghiệp xuất sắc tại Việt Nam tham gia vào các chương trình Ươm tạo (incubator) và Tăng tốc (accelerator) tại các nước phát triển. Chẳng hạn tại Thuỵ Sỹ, Fusion Accelerator là tổ chức chuyên tuyển chọn các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ tài chính trên toàn cầu để đưa sang Thuỵ Sỹ bồi dưỡng nhằm giúp các công ty này phát triển xa hơn trong hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn thiện tại Thuỵ Sỹ. Cốt lõi ở đây là việc kết hợp các ý tưởng tốt tại những nơi chưa có điều kiện phát triển với hệ sinh thái ưu việt sở tại, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và lấy đó làm cơ sở để các bên cùng chia sẻ lợi ích.
- Ba là, tiếp cận, khuyến khích, tuyển chọn và đầu tư vốn cũng như các nguồn lực cần thiết khác cho lực lượng du học sinh và những người Việt Nam đang định cư tại nước ngoài có ý tưởng và khả năng để khởi nghiệp tại các nước sở tại. Hiện chưa có những đánh giá cụ thể về tiềm năng khởi nghiệp trong cộng đồng người Việt tại nước ngoài song những quan sát sơ bộ tại một số nước như Mỹ, Pháp, Đức, Singapore… cho thấy tiềm năng này có thể không nhỏ.
Về hướng đầu tư gián tiếp. Việt Nam cần dành một phần nguồn vốn nhà nước cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia đầu tư vốn mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo tại các nước có nền kinh tế tri thức phát triển cao. Như trên đã phân tích, các công ty khởi nghiệp sáng tạo tại cái nền kinh tế tri thức phát triển cao chính là nguồn tạo ra giá trị gia tăng lớn trong tương lai. Việc đầu tư vốn mạo hiểm vào các công ty này sẽ cho phép Việt Nam được sở hữu cổ phần và phân chia lợi nhuận các công ty này tạo ra. Có hai cách tiến hành:
- Một là trở thành nhà đầu tư góp vốn trong các Quỹ đầu tư mạo hiểm tại nước ngoài. Hàng năm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm mới vẫn được mở ra để gọi vốn đầu tư vào các lĩnh vực khởi nghiệp nhiều tiềm năng. Cơ chế phân chia lợi nhuận là 20/80, theo đó Nhà đầu tư (limited parnter) góp toàn bộ vốn và thu về 80% lợi nhuận; Nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm (general partner) chịu trách nhiệm chọn các công ty khởi nghiệp để đầu tư và hưởng 20% lợi nhuận. Khó khăn chính ở đây đến từ hai khía cạnh: Một mặt, việc đầu tư vốn vào các công ty khởi nghiệp là lĩnh vực nhiều rủi ro; mặt khác, bản thân năng lực các nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm – việc liệu họ có thể tìm ra các công ty khởi nghiệp tốt để đầu tư hay không – cũng là câu hỏi mở. Trong khi rủi ro đầu tiên gắn với bản chất của đầu tư mạo hiểm và không thể tránh khỏi thì rủi ro thứ hai có thể hạn chế được bằng cách tiếp cận thận trọng và sử dụng các phương thức đánh giá phù hợp.
- Hai là Việt Nam tự mình thành lập và vận hành các Quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài. So với cách tiếp cận đầu, cách tiếp cận sau giúp Việt Nam có thêm quyền chủ động trong việc lựa chọn đối tượng đầu tư, điều rất quan trọng cho bước phát triển tiếp sẽ nêu ở phần sau. Tuy nhiên thực tế quản lý và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Cách tiếp cận đầu (góp vốn vào các quỹ nước ngoài) do vậy vẫn là lựa chọn hữu ích để Việt Nam tận dụng năng lực điều hành của các chuyên gia sở tại. Mặt khác, tự mình vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm tại nước ngoài là lựa chọn chiến lược cần tiến hành để thực hiện các mục tiêu dài hạn khác.
Quá trình phân tích trên trực tiếp nhấn mạnh vào khía cạnh đầu tư mạo hiểm vào công ty khởi nghiệp. Điều này xuất phát từ thực tế việc thương mại hoá sản phẩm trong tất cả các lĩnh vực công nghệ cao, tiền đề của kinh tế tri thức, đều bắt đầu qua con đường đầu tư mạo hiểm. Mặt khác, đầu tư mạo hiểm, nếu tiến hành có chọn lọc, sẽ đặt ra yêu cầu về vốn tương đối thấp. Ở giai đoạn hạt mầm, một khoản đầu tư $100,000-200,000 đã có thể mang lại phần sở hữu cổ phần lên đến 10-20% trong một công ty khởi nghiệp. Vốn đầu tư thấp phù hợp với năng lực tích luỹ của Việt Nam hiện nay. Tuy không thể không nhấn mạnh thực tế là rủi ro trong đầu tư mạo hiểm đặc biệt cao, nguy cơ mất hoàn toàn vốn là hiện hữu, song tổn thất từ nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế nếu không sớm tham gia vào nền kinh tế tri thức còn lớn gấp nhiều lần các rủi ro trên.
Đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài và việc tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu
Một câu hỏi tự nhiên đặt ra ở đây là việc đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài sẽ mang lại những lợi ích nào cho Việt Nam xét trên bình diện quốc gia, đặc biệt trong vấn đề chuyển dịch nền sản xuất trong nước lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Lợi ích trực tiếp, trước mắt, là lợi ích tài chính. Giá trị gia tăng tạo ra bởi kinh tế tri thức lớn gấp nhiều lần giá trị gia tăng tạo ra bởi nền kinh tế truyền thống. Nếu chưa thể phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam trong tương lai gần thì việc tham gia góp vốn chia lợi nhuận với các công ty tại các nước đã có nền kinh tế tri thức phát triển cao là cách nhanh nhất, đơn giản nhất giúp Việt Nam có thể tiếp cận khối giá trị gia tăng đó. Nếu như sự tích luỹ giá trị gia tăng trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước là tiền đề dẫn tới sự phân hoá giàu nghèo giữa các quốc gia ngày nay thì việc tham gia sớm vào khối giá trị gia tăng tạo ra bởi kinh tế tri thức chính là cách hữu hiệu giúp Việt Nam chống lại nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế. Đáng nói, cách tiếp cận này không mới, song chỉ trở nên khả thi trong điều kiện hiện nay khi nền kinh tế thế giới đã toàn cầu hoá cao độ với mức độ di chuyển vốn tự do chưa từng có.
Lợi ích thứ hai, gián tiếp và dài hạn hơn, là việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp nền sản xuất trong nước tiến lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề này đòi hỏi cách tiếp cận có hệ thống và toàn diện hơn trong việc lựa chọn hướng đi, lĩnh vực đầu tư, phương thức đầu tư, và cách thức sử dụng nguồn lợi thu được từ các hoạt động đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài. Để có chiến lược cụ thể hơn cần có những phân tích và đánh giá chuyên sâu. Tuy nhiên, hai tư tưởng cốt lõi cần đảm bảo là:
(i) Cần duy trì một mối liên hệ kinh tế chặt chẽ giữa chiến lược phát triển nền sản xuất trong nước và lĩnh vực, phương thức đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài;
(ii) Cần có cơ chế để gắn kết các kết quả đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài với việc dịch chuyển nền sản xuất trong nước.
Về vấn đề thứ nhất: Chẳng hạn, với cơ cấu kinh tế hiện hành và tiềm năng sẵn có, sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Do vậy, khi lựa chọn lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài (lựa chọn công ty khởi nghiệp để rót vốn đầu tư) cũng như khi thực hiện các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu cần ưu tiên cho các lĩnh vực gắn liền với nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, v.v. Mục tiêu là khi đã làm chủ và thương mại hoá các công nghệ này, việc ứng dụng và vận hành sẽ được chuyển giao về Việt Nam, giúp đẩy nền sản xuất nông nghiệp trong nước đi từ khâu sơ chế lên tinh chế và hoàn thiện. Một ví dụ khác, trong số nhiều lĩnh vực phát triển đa dạng của kinh tế tri thức, một số lĩnh vực đòi hỏi những đầu tư lớn về hạ tầng phần cứng (chẳng hạn công nghệ y học, công nghệ chế tạo máy) là những lĩnh vực Việt Nam còn nhiều hạn chế. Ngược lại, một số lĩnh vực khác dựa chủ yếu trên công nghệ thông tin và giải pháp phần mềm (ví dụ công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, v.v.), là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế do việc phổ cập công nghệ thông tin đã ở mức độ cao và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tốt. Khi lựa chọn lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài, cần ưu tiên cho các ý tưởng trong ngành công nghệ thông tin và giải pháp kỹ thuật số để từ đó ứng dụng vào Việt Nam và biến Việt Nam thành nhà cung cấp giải pháp cho toàn cầu.
Về vấn đề thứ hai: Cơ chế để gắn kết các kết quả đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài với việc dịch chuyển nền sản xuất trong nước có thể linh hoạt song nguyên tắc chung là việc đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài cần hướng tới việc chiếm lĩnh công nghệ, hoàn thiện và thương mại hoá công nghệ tại các nước phát triển, sau đó nhanh chóng chuyển giao về Việt Nam. Đối với nhóm đối tượng chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam được cử ra nước ngoài để phát triển công nghệ, việc chiếm lĩnh và chuyển giao có thể ràng buộc bằng các cơ chế trực tiếp. Đối với hình thức đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại nước sở tại, việc chuyển giao có thể phải thực hiện gián tiếp, thông qua các tác động định hướng chính sách với người đứng đầu trong vai trò là cổ đông. Cần lưu ý về nguyên tắc chung trong việc yêu cầu chuyển giao công nghệ là hạn chế các cơ chế hành chính. Vì như đã đề cập, một công ty khởi nghiệp chỉ thành công khi được phát triển trong môi trường sinh thái hoàn thiện. Việc chuyển giao công nghệ về Việt Nam không thể là mệnh lệnh bắt buộc mà phải tiến hành trên cơ sở luận chứng rằng đó là lựa chọn khả dĩ tối ưu cho bản thân công ty khởi nghiệp. Điều này đòi hỏi những chuẩn bị đối ứng về nền tảng trong nước liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Đây cũng chính là một phần trong mục tiêu đưa nền sản xuất trong nước tiến lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một số ý kiến về hướng triển khai
1. Nên nghiên cứu và có đề án cụ thể hơn về hướng đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài: Xác đinh cơ quan điều phối, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế (chẳng hạn Trung Quốc cho đến gần đây đã dành ra hơn $44 tỉ đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài), xây dựng phương án, lựa chọn lĩnh vực và chương trình đầu tư trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế trong nước, lựa chọn địa bàn và mô hình thử nghiệm để tổng kết thực tiễn, v.v.
2. Về chuẩn bị nguồn vốn: Đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài là lĩnh vực đòi hỏi nguồn tài chính không nhỏ, cam kết thời hạn dài và rủi ro cao, do vậy cần có nguồn vốn đối ứng phù hợp với các đặc thù trên. Hiện tại trên thế giới nguồn vốn dành cho đầu tư mạo hiểm chủ yếu đến từ các Quỹ hưu trí, Quỹ tín thác, các cá nhân giàu có và mới đây là nguồn vốn xã hội (crowdfunding). Việt Nam có thể dành một phần vốn chi cho đầu tư phát triển, một phần từ Quỹ BHXH và khuyến khích các cá nhân có vốn nhàn rỗi dài hạn tham gia vào lĩnh vực này.
3. Về chuẩn bị nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào lĩnh vực đầu tư mạo hiểm: Đây là lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy việc sử dụng các chuyên gia nước ngoài trong khi từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực trong nước là bước đệm cần thiết. Bên cạnh đó, lực lượng người Việt hoặc gốc Việt ở nước ngoài đang tham gia vào lĩnh vực khởi nghiệp, tuy chưa có thống kê chi tiết, song có thể là lực lượng đáng kể. Chẳng hạn, ông Trần Q. Minh hiện là lãnh đạo quỹ đầu tư mạo hiểm của tập đoàn bảo hiểm AXA (AXA Ventures), ông Nguyễn Triều Huy hiện là lãnh đạo một nhóm hội tụ các nhà đầu tư quan tâm đến công nghệ tài chính tương đối có ảnh hưởng ở Anh và thế giới, ông Hùng Trần, giám đốc công ty khởi nghiệp Gotit! đang phát triển nhanh chóng tại thung lũng Silicon, .v.v. Việc tăng cường đối thoại và liên kết với cộng đồng này, qua đó mở rộng mạng lưới nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm của Việt Nam ra nước ngoài là nước đi cần thiết.
4. Tăng cường đối thoại về khởi nghiệp với khối du học sinh, nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang công tác học tập tại các nước phát triển, định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện (đặc biệt hỗ trợ về tư vấn và nguồn vốn) cho những người này tham gia sâu hơn vào sân chơi khởi nghiệp tại các nước sở tại, từng bước thương mại hoá sản phẩm, ý tưởng của họ ngay tại nước sở tại.
5. Sử dụng một phần vốn chuẩn bị cho chương trình khởi nghiệp quốc gia để tuyển chọn, bồi dưỡng các cá nhân khởi nghiệp có ý tưởng xuất sắc, khuyến khích họ tham gia thi đấu và cạnh tranh để giành quyền tiếp cận các chương trình Ươm mầm và Tăng tốc tại nước ngoài.
6. Chuẩn bị nguồn vốn; tổ chức theo dõi cập nhật thường xuyên các chuyển động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu; thống kê thông tin về các quỹ đang gọi vốn đầu tư, tìm hiểu và lựa chọn một vài quỹ để tham gia trong vai trò nhà đầu tư góp vốn; từng bước đánh giá và tổng kết kinh nghiệm.
7. Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam hoạt động ở nước ngoài; lựa chọn một vài lĩnh vực ưu tiên trọng điểm (công nghệ sinh học về giống vật nuôi và cây trồng, công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp, phân tích dữ liệu về nông nghiệp hàng hoá, v.v.); tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực này, sàng lọc và tiếp cận đề nghị đầu tư vốn; từng bước đánh giá và tổng kết kinh nghiệm.
Lời kết
Tiếp cận kinh tế tri thức và tiến lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu là bước đi tất yếu, có ý nghĩa sống còn đối với việc phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai. Nội dung cốt lõi của quá trình này là việc chiếm lĩnh công nghệ mới cũng như giá trị gia tăng tạo ra từ các công nghệ đó. Cách thức chuyển giao công nghệ phổ biến hiện nay vẫn là thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, cung cấp các điều kiện ưu đãi để đổi lại ràng buộc là chuyển giao công nghệ sau thời hạn nhất định. Vấn đề trong cách tiếp cận này là thời gian chuyển giao công nghệ vẫn còn dài. Với tốc độ thay đổi công nghệ nhanh chóng như hiện nay, công nghệ từ nước ngoài nhiều khi đã lỗi thời trước khi được chuyển giao. Ngoài ra, cách tiếp cận này tự thân nó đã luôn biến Việt Nam thành nước đi sau về công nghệ.
Ngạn ngữ cổ: “Không vào hang hùm không bắt được cọp con”. Chỉ có cách tham gia trực tiếp vào nền kinh tế tri thức tại các nước phát triển, nhanh chóng chiếm lĩnh và chuyển giao công nghệ về Việt Nam mới là bước đi có thể đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện hiện nay. Bản chất cách tiếp cận này là việc nhận thức rõ Việt Nam trong tương lai gần vẫn chưa hội tụ đủ các điều kiện cần thiết cho phát triển kinh tế tri thức. Do vậy, hướng đi trước mắt để tránh tụt hâu xa hơn là phải sớm gắn kết, biến Việt Nam thành một thực thể tích cực không thể tách rời của nền kinh tế tri thức toàn cầu, tận dụng các điều kiện sinh thái hoàn thiện ở các nền kinh tế này để ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển các ý tưởng đột phá, từ đó nhanh chóng chuyển giao về Việt Nam, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chủ trương đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài, kèm theo các chính sách và cơ chế cần thiết, là bước đi để hiện thực hoá hướng đi đó.
Tiến sỹ kinh tế. Hoàng Ngọc Giang