Tiềm năng thu hút FDI vào lĩnh vực kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

0
63
Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút FDI để phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng.

Mô hình kinh tế chia sẻ (KTCS) phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong những năm gần đây. Nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại, internet và big data trong những năm qua, Việt Nam đã tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực KTCS và xu thế này ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút FDI để phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng.

Nắm bắt được xu hướng này sẽ là cơ hội để việc thu hút vốn FDI có những bước đột phá lớn.

Tiềm năng lớn của KTCS

Với quy mô dân số 98,2 triệu người (năm 2021), trong đó tỷ lệ người dân tiếp cận internet ở mức cao trong khu vực, tỷ lệ lao động trẻ tuổi cao và thu nhập của người dân không ngừng tăng lên, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng thu hút FDI để phát triển kinh tế nói chung và kinh doanh theo mô hình KTCS nói riêng.

Theo một khảo sát về đo lường và đánh giá hành vi người tiêu dùng đối với mô hình KTCS của Công ty Nielsen vào năm 2020, 75% người Việt Nam cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này (con số này tại Philippines là 85%, tại Thái Lan là 84%, tại Malaysia là 74% và tại Singapore là 67%). Tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn 9% so với con số trung bình toàn cầu là 66%; có tới 76% người được hỏi, sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ (42% người tiêu dùng Việt Nam cho biết, họ sẽ cho thuê thiết bị điện tử, sau đó là ô tô, xe máy, nhà ở…).

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 18% người tiêu dùng ở Việt Nam từ chối chia sẻ tài sản cá nhân của mình để tăng thêm thu nhập. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang tiếp nhận mô hình kinh tế mới này một cách tích cực.

Trong giai đoạn vừa qua, các loại mô hình KTCS ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cho thấy những ưu thế vượt trội và khẳng định được vị thế của loại hình kinh tế này trong nền kinh tế cũng như thu hút được sự quan tâm của các các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mô hình KTCS hoạt động tại Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung ở 3 lĩnh vực: vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở lưu trú, cho vay ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay các công ty hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam chủ yếu do các tập đoàn lớn nước ngoài cung cấp nền tảng kết nối chi phối.

Quy mô thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến tăng trưởng một cách nhanh chóng. Trong thị trường dịch vụ vận tải trực tuyến ở Việt Nam hiện nay, có thể kể đến các công ty nước ngoài nổi bật khi nói đến lĩnh vực này là: Grab, Go-Viet (sau này là Gojek), Be.

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng là một thị trường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dự thảo báo cáo “Đánh giá tác động của một số loại hình KTCS chính tới nền kinh tế” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào ngày 2/12/2020 cho biết, từ năm 2016, hoạt động cho vay ngang hàng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, số lượng tính đến năm 2021 vào khoảng 100 công ty trong đó có 40 công ty đã đi vào hoạt động chính thức ở Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các công ty là của các nhà đầu tư nước ngoài như Tima, Trust Circle, Lendomo, Wecash, Interloan… Trong 40 công ty đang hoạt động, 10 công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty khác của các nhà đầu tư ở Nga, Singapore, Indonesia. Do một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore… đang tăng cường quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, nên các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này đã chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, mô hình KTCS đã tìm ra những hướng phát triển phù hợp và đã cơ cấu lại kể cả về loại hình và quy mô hoạt động. Cùng với những nền tảng có sẵn tại thị trường Việt Nam, đây sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài rót vốn vào phát triển mô hình KTCS tại Việt Nam.

Cơ hội song hành cùng thách thức

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút FDI vào lĩnh vực kinh tế chia sẻ.

Thứ nhất, khác với các mô hình kinh tế khác, mô hình KTCS ít bị tác động bởi đại dịch Covid-19 hơn các mô hình kinh tế truyền thống. Trong khi đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, thì mô hình KTCS với các nền tảng kết nối trực tuyến vẫn duy trì được nhiều hoạt động giao dịch kinh tế, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực. Bằng chứng rõ nhất là bán hàng online, trực tuyến, vận tải trực tuyến (vận chuyển đồ ăn, đồ uống, nhu yếu phẩm…) hay dịch vụ tài chính đã biến nguy thành cơ để phát triển, chiếm lĩnh thị phần của kinh tế truyền thống. Theo một báo cáo của Visa, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã khiến lượng người dùng mua sắm trực tuyến tăng kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua hàng trực tuyến ghi nhận tại Việt Nam mỗi ngày. Còn theo một báo cáo gần đây của Kantar, 62% người tiêu dùng Việt Nam khẳng định họ đã gia tăng đáng kể số lần giao dịch trực tuyến.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia có thị trường tiềm năng để phát triển mô hình KTCS, điều đó dẫn đến sức hút FDI vào thị trường này là rất lớn. Theo Báo cáo nghiên cứu năm 2019 của Google, Temasek Holdings và Bain&Co, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (0,2 tỷ USD) và dự báo sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Điều đó cho thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh này ở Việt Nam còn rất lớn. Trên thị trường dịch vụ chia sẻ nhà ở và phòng ở, Airbnb đã mở rộng quy mô thị trường từ 1.000 phòng cho thuê vào năm 2015 và chỉ tập trung ở các thành phố lớn lên 40.800 phòng vào tháng 01/2019 ở nhiều tỉnh/thành trong cả nước.

Thứ ba, Việt Nam có cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng thu hút FDI kịp thời và phù hợp. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch công nghệ kết nối vận tải (như Uber, Grab) bắt đầu từ năm 2014. Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình KTCS với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình KTCS và kinh tế truyền thống. Điều này đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài khi bỏ vốn vào thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội và tiềm năng lớn, nền KTCS của Việt Nam vẫn đang vấp phải những thách thức cản đường: nền tảng công nghệ chưa theo kịp sự phát triển và đòi hỏi của thị trường; những rủi ro về công nghệ, rủi ro trong giao dịch thị trường trên môi trường “ảo”, rủi ro về rò rỉ thông tin của các bên tham gia giao dịch thị trường; khung pháp lý về hoạt động của các công ty công nghệ ở Việt Nam còn chưa hoàn thiện, dẫn đến sự rụt rè của các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu và đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường; các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình KTCS ở Việt Nam khó kê khai thuế vì hệ thống pháp luật chưa ghi nhận loại hình kinh doanh này…Đây là những rào cản lớn trong việc thu hút FDI vào thị trường KTCS của Việt Nam.

Khuyến nghị và đề xuất

Từ những thách thức trên, nhóm tác giả cho rằng, cần có những giải pháp phù hợp để tăng cường thu hút FDI cho phát triển mô hình KTCS tại Việt Nam:

Thứ nhất, Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới internet, nâng cấp đảm bảo tính bảo mật tài khoản thanh toán trực tuyến, cả về số lượng và chất lượng, bởi, đặc thù cơ bản của kinh doanh chia sẻ chính là các giao dịch thông qua mạng lưới trực tuyến.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và đảm bảo an ninh mạng. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trên không gian mạng.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống luật pháp quản lý mô hình KTCS, quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong mô hình KTCS, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đối với mô hình KTCS.

Thứ tư, Bộ Tài chính cần tổ chức tuyên truyền pháp luật về thuế trên các nền tảng thương mại điện tử như liên kết đường link các website về quản lý thuế trên các trang thương mại điện tử…

Việc quản lý thuế đối với những nền tảng thương mại điện tử ở nước ngoài là “vấn đề rất khó”, theo kinh nghiệm quốc tế, cần có sự hợp tác giữa các nước hoặc tham gia vào các diễn đàn quản lý thuế hoặc sáng lập các diễn đàn quản lý thuế trong khu vực… để thống nhất các thỏa thuận về cung cấp, chia sẻ thông tin…

Nguyễn Bích Thủy, TS. Lê Hải Hà – Đại học Thương mại

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here