Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển. Tình hữu nghị thủy chung của hai dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru khẳng định. Tháng 7/2007, Ấn Độ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Kể từ đó đến nay, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi tháng 9/2016, Lãnh đạo hai Bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Trọng tâm hợp tác hàng không
Việc nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã giúp quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Ấn Độ lên tầm cao mới, trong đó hợp tác hàng không là một điểm sáng về hợp tác giao thông vận tải giữa hai nước. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về đời sống tâm linh, về phong tục lễ nghĩa, về các làn điệu, là hai quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp thu hút nhiều khách du lịch như tòa thánh Fetehbur Sikri, di tích Taj Mahal, pháo đài Agra, các đền thờ mặt trời ở Konark,…, Vịnh Hạ Long, Hồ Gươm, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, phố cổ Hội An, ruộng bậc thang Sapa, biển Phú Quốc,…
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến ngày càng phổ biến đối với khách du lịch Ấn Độ và Ấn Độ cũng là một trong những điểm đến được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Theo thống kê, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng từ 33.000 lượt năm 2010 lên 85.000 lượt năm 2016, tăng 30% so với năm 2015. Tuy nhiên mới chiếm tỷ trọng khoảng 3% trong số 2 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch các nước ASEAN. Một trong những rào cản hiện nay trong hoạt động du lịch của Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia vẫn chưa có đường bay thẳng. Việc Việt Nam có đường bay thẳng đến Ấn Độ là mong muốn của người dân cũng như Chính phủ hai nước. Nếu có đường hàng không hoạt động thuận lợi như các nước trong ASEAN thì việc phát triển du lịch, thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ tất yếu sẽ phát triển mạnh.
Để biến mong muốn trên thành hiện thực, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thành công trong việc ký kết các thỏa thuận hợp tác với Ấn độ trong lĩnh vực Hàng không. Cụ thể, Hai nước đã ký Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ ngày 20/11/2013 tại Delhi, Ấn Độ và có hiệu lực ngày 2/6/2014. Trong các thỏa thuận về khai thác, hai bên đã thống nhất cho phép các hãng hàng không hai nước hợp tác liên danh song phương, liên danh với hãng hàng không nước thứ 3.
Các quy định tại Hiệp định cũng như quy định về khai thác đã đảm bảo cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không hai nước trên các đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trên cơ sở Hiệp đinh, hãng hàng không Jet Airways (9W) đã được các cơ quan chức năng Ấn Độ chỉ định khai thác thường lệ đến Việt Nam. Tháng 11/2014, Jet Airways đã chính thức khai thác đường bay Delhi-Bangkok-Tp. Hồ Chí Minh với tần suất 7 chuyến/tuần bằng tàu bay B737-800. Tháng 7/2015, 9W đã được cấp phép thay đổi đường bay khai thác từ Delhi sang Mumbai đến Tp. Hồ Chí Minh vẫn qua Bangkok (Mumbai-Bangkok-Tp. Hồ Chí Minh). Tháng 9/2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Hãng Hàng không Quốc tế Ấn Độ Jet Airways đã ký kết Biên bản ghi nhớ khai thác và hợp tác xúc tiến đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai hãng cùng cam kết phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát động thị trường hàng không giữa Việt Nam – Ấn Độ, và chuẩn bị tiền đề tốt nhất cho kế hoạch khai thác đường bay thẳng giữa hai nước.
Theo đó, Vietnam Airlines và Jet Airways tiếp tục mở rộng triển khai hợp tác liên danh trên các đường bay từ Singapore, Băng Cốc, Hồng Kông đi/đến Việt Nam trên các chuyến bay Việt Nam khai thác và hợp tác trên các đường bay từ Singapore, Băng Cốc đi đến một số điểm tại Ấn Độ như Mumbai/Delhi/Chennai do Jet Airway khai thác. Theo báo cáo, kết quả khai thác năm 2015, Jet Airway vận chuyển được 95,3 nghìn lượt khách, hệ số sử dụng ghế đạt 61%; Tuy nhiên, để thành công hơn nữa trong việc phát triển mở đường bay thẳng, thì cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của cả hai nước trong thời gian tới.
Tăng cường kết nối khu vực bằng giao thông vận tải
Bên cạnh lĩnh vực Hàng không, lĩnh vực hàng hải và đường bộ cũng được chú trọng hợp tác giữa hai nước, bằng việc tăng cường kết nối thông qua một loạt biện pháp như ký Hiệp định Hàng hải năm 2014, đàm phán để ký Hiệp định vận tải biển ASEAN – Ấn Độ; thúc đẩy việc thiết lập tuyến vận tải chuyên tuyến giữa các cảng biển của Việt Nam và Ấn Độ; mở rộng tuyến đường bộ Ấn Độ – Myanmar – Thái Lan sang Campuchia, Lào, Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kết nối ASEAN – Ấn Độ sau khi dự án này hoàn tất.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam – Ấn Độ nói chung, quan hệ hợp tác giao thông vận tải nói riêng sẽ phát triển bền vững, lâu dài vì hai nước có những mối quan tâm về lợi ích chiến lược ngày càng gần nhau hơn và cùng nhau tìm kiếm cơ hội khai thác tiềm năng hợp tác, chú trọng tăng cường kết nối khu vực về hàng không, hàng hải và đường bộ.
Trên cơ sở tình hữu nghị được thử thách qua thời gian, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ sẽ có nhiều động lực mới để phát triển vững chắc hơn nữa trong tương lai vì mong muốn và lợi ích của hai dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.
(HTQT, Bộ Giao thông Vận tải)