Giai đoạn vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào được duy trì ở mức trên 1 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng mỗi năm khoảng trên 10% (2016-2023).
Việt Nam và Lào hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, tạo thuận lợi giao thương khu vực, giảm bớt thời gian và chi phí so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.
Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào.
Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.
Hơn nữa, Lào gần như chấp nhận chứng nhận tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, như đồ uống có chứng nhận an toàn thực phẩm. Mặt khác, doanh nghiệp còn có thể tận dụng việc kết nối của Lào với Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu sang hai thị trường nhằm giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt sang thị trường lân cận.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, giai đoạn vừa qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào được duy trì ở mức trên 1 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu đạt 2 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng thương mại mỗi năm khoảng trên 10% trong giai đoạn 2016-2023.
Quy mô thương mại song phương tuy chưa lớn nhưng đã rất đáng kể trong bối cảnh sức mua của thị trường Lào hạn chế, dân số ít (khoảng 7,3 triệu người), chi phí vận chuyển hàng hóa giữa hai nước cao cộng với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Lào.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm xăng dầu; phương tiện vận tải và phụ tùng; sản phẩm từ sắt thép. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Lào là cao su; than đá; gỗ và sản phẩm gỗ; quặng và khoáng sản khác.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào ước đạt 931,4 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào ước đạt 284,2 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào ước đạt 647,2 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Trung tâm Thông tin Thương mại Lào (LTP), trong tháng 6/2024, trong số các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Lào, Việt Nam xếp thứ 2 với 115 triệu USD, sau Trung Quốc (199 triệu USD). Về thị trường nhập khẩu hàng đầu của Lào, Việt Nam giữ vị trí thứ 3 với 63 triệu USD, sau Trung Quốc và Thái Lan.
Tại buổi hội đàm và ký kết mới Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào ở Vientiane, Lào (tháng 4/2024), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hợp tác trong lĩnh vực công thương là trụ cột hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Vì vậy, việc triển khai Biên bản ghi nhớ sẽ giúp hai nước tăng cường và hỗ trợ lẫn nhau phòng chống hàng giả, nhất là tại khu vực biên giới, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đặc biệt, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Lào đã có sự tăng trưởng khả quan trong các năm qua. Từ năm 2012 đến nay, với những nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra (trừ giai đoạn Covid-19 do bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung).
Trong các năm gần đây, Lào đã chuyển từ vị thế nhập siêu sang vị thế xuất siêu sang Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực sản xuất của Lào đang dần tăng lên. Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho Việt Nam trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt hai nước.
Đánh giá cao sự cải thiện năng lực sản xuất của Lào thời gian qua và đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nước ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai cam kết, thỏa thuận đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất tại Bản thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào…
Box: Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào được ký lần đầu năm 2015. Chính phủ Việt Nam và Lào giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 3 năm, hai Bên đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.
Bản Hiệp định mới hướng tới mục tiêu tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.
Các điều khoản của Hiệp định được xây dựng dựa trên nguyên tắc phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước; bình đẳng, cùng có lợi; cùng hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ, dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Hiệp định gồm 5 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 05 phụ lục đã bao phủ các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào mới sau khi ký kết và đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh sau một thời gian thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào năm 2015; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa Việt Nam-Lào; đặc biệt việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam – Lào.
Liễu Trần