Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta.
Theo Tổng cục Thống kê, sau 11 tháng năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt 122,4 tỷ USD, tăng trưởng mạnh ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Cụ thể, 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD, tăng 23,9%; kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,5 tỷ USD, tăng 7,3%; xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 95,4 tỷ USD tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Hoa Kỳ (Bộ Công Thương), Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Hiện các mặt hàng trong top 15 xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt nhất sang Hoa Kỳ với kim ngạch 9 tháng đầu năm là: Đồ gỗ nội thất, tăng 23,9%, đạt giá trị 9,57 tỷ USD; máy móc, thiết bị quang học, đo lường y tế tăng 15,6%, đạt giá trị 1,18 tỷ USD; máy xử lý dữ liệu tự động, mã hóa; các loại máy văn phòng, máy in; dụng cụ thiết bị cầm tay, khí nén thủy lực… tăng 78,5%; đạt giá trị 20,6 tỷ USD; giày dép, tăng 14,0%, đạt giá trị 6,7 tỷ USD;…
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn giữ ngôi là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt-Hoa Kỳ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, với 111,5 tỷ USD.
Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại 2 chiều vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD.
Sang năm 2023 giảm xuống còn 110,8 tỷ USD, (giảm 10,5% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ lượng hàng hóa trị giá 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13,8 tỷ USD, giảm 4,5%. Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt 83,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022.
Với kết quả đạt được trong 11 tháng, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thương mại giữa hai nước cán mốc trăm tỷ USD.
Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn kỳ vọng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn tới đây thuận lợi, bởi đây là thị trường có sức tiêu dùng hàng hóa cực lớn, với hơn 300 triệu dân. Không ít doanh nghiệp Việt xem Hoa Kỳ là thị trường quan trọng hàng đầu, đặc biệt với ngành hàng điện tử, may mặc, giày dép, nội thất và nông thủy sản.
Tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2024, do Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 6/12 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Hoa Kỳ (Bộ Công thương) cho biết, việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế – thương mại – đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, với mức độ thâm hụt thương mại đứng thứ 3 trong tổng số đối tác của Hoa Kỳ, Việt Nam đứng trước nguy cơ có thể phải chịu mức thuế tương tự Trung Quốc ở giai đoạn đầu (15%) và có thể tăng dần nếu tình hình thâm hụt thương mại không được cải thiện cũng như những thỏa thuận của Việt Nam với Hoa Kỳ không được thực thi. Điều đáng lo ngại là sẽ áp dụng với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, không phải chỉ riêng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc (đầu tư, nguyên liệu, nhân công…).
Việc Trung Quốc bị đánh thuế cao hơn có thể dẫn tới xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc sang Việt Nam. Trong một số trường hợp có thể với mục đích dùng Việt Nam làm nơi “trung chuyển” để gian lận thương mại, lẩn tránh thuế, dẫn đến việc tiếp nhận dịch chuyển một số lượng lớn các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng là một rủi ro đáng kể trong thời gian tới trong khi Việt Nam không có biện pháp hạn chế thu hút đầu tư một quốc gia cụ thể trong hệ thống chính sách hiện nay.
Do vậy, các bộ, ngành, địa phương liên quan, cần tăng cường giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc vốn đầu tư để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển. Trong đó, lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất có thể dệt may, da giày, thủy sản, điện tử và đồ gỗ.
An Hải