Thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam với Hàn Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng những năm qua, tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá chất lượng cơ cấu hàng hóa còn nhiều hạn chế. Sử dụng một vài hệ thống phân loại hàng hóa quốc tế, bài viết này phân tích xu hướng biến đổi của thương mại Việt Nam-Hàn Quốc dưới khía cạnh mức độ phức tạp, tinh xảo của hàng hóa xuất nhập khẩu. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp có độ phức tạp và tinh xảo cao hơn. Tuy nhiên, tỷ phần xuất khẩu nhóm hàng thâm dụng yếu tố tài nguyên, công nghệ thấp và lao động giản đơn của Việt Nam vẫn còn cao, chủ yếu do năng lực sản xuất còn hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam và các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa chưa phát triển.
1. Khái quát thương mại hàng hóa Việt Nam – Hàn Quốc những năm gần đây
Được thúc đẩy bởi những tương đồng về lịch sử và văn hóa, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực kể từ khi đôi bên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức năm 1992. Những điểm nhấn đáng chú ý của mối quan hệ này bao gồm: thiết lập quan hệ Hợp tác toàn diện (2001); nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược (2009); ký kết và thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA, 2015). Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn tích cực phối hợp hợp tác tại các diễn đàn, tổ chức đa phương như: hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6); Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM); hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).
Trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thương mại được đánh giá là khu vực phát triển nhanh và ấn tượng nhất. Dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Hợp tác và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, thương mại hàng hóa hai chiều Vỉệt Nam-Hàn Quốc đã tăng từ 500 triệu đô la Mỹ (USD) năm 1992 lên tới 2,1 tỷ USD, 12,8 tỷ USD và 43,5 tỷ USD, lần lượt các năm 2000, 2010 và 2016, tương ứng với mức tăng gần 90 lần trong vòng 25 năm qua. Nhờ đó, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á của Hàn Quốc.
Đi sâu vào thương mại hàng hóa giữa đôi bên, Hình 1 cho thấy hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc tăng nhanh từ 350 triệu USD năm 2000 lên tới trên 10 tỷ USD năm 2016, tương đương với mức tăng gần 30 lần. Cùng thời kỳ này, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc cũng mở rộng nhanh chóng, lên đến hơn 32 tỷ USD năm 2016 so với 9,7 tỷ USD năm 2010 và 1,7 tỷ USD năm 2000. Về tỷ trọng, xuất khẩu tới Hàn Quốc chiếm 6,3% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm đến 18,3% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ bên ngoài. Với Hàn Quốc, xuất khẩu sang thị trường Việt Nam chiếm khoảng 6,4% tổng xuất khẩu ra bên ngoài của Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ tương ứng đối với nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn, xấp xỉ 2,9%.
Trên bình diện khu vực Đông Nam Á, năm 2016 xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc thấp hơn Singapore (14,5 tỷ USD), nhưng lớn hơn đáng kể các nước còn lại như Malaysia (8,8 tỷ USD), Indonesia (7 tỷ USD), Thái Lan (4 tỷ USD) và Philippines (2 tỷ USD). Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia ASEAN nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa từ Hàn Quốc, thậm chí xấp xỉ gấp hai lần nước đứng ở vị trí thứ hai là Singapore (16,9 tỷ USD).
Tuy thương mại Việt Nam-Hàn Quốc mở rộng rất nhanh những năm qua nhưng Việt Nam luôn là bên chịu thâm hụt. Đáng chú ý hơn, giá trị thâm hụt ngày càng tăng lên theo thời gian, từ 1,4 tỷ USD năm 2000 tăng mạnh lên 6,6 tỷ USD và 21,8 tỷ USD lần lượt các năm 2010 và 2016. Trong đó, thâm hụt thương mại đặc biệt tăng nhanh kể từ 2006-2007 đến nay, khi FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) được ký kết và Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thậm chí, dù VKFTA mới chỉ có hiệu lực nhưng nó cũng có những tác động không nhỏ đến thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam với Hàn Quốc. Sự gia tăng thâm hụt thương mại một mặt, phản ánh nhu cầu về hàng hóa do Hàn Quốc sản xuất của Việt Nam là rất lớn nhưng mặt khác, nó cũng nói lên những hạn chế về năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội địa Việt Nam (Xem hình 1).
2. Mức độ phức tạp của thương mại hàng hóa Việt Nam – Hàn Quốc.
Khi tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, các quốc gia không chỉ cố gắng gia tăng giá trị tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu mà quan trọng hơn là cải thiện hàm lượng khoa học công nghệ, mức độ phức tạp, tinh xảo của hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị tăng thêm cho sản phẩm xuất khẩu (Trương Quang Hoàn, 2017), Trong nghiên cứu này, tác giả trước tiên sử dụng hệ thống phân loại hàng hóa quốc tế theo yếu tố hàm lượng công nghệ của Lall (2000) để phân tích cơ cấu thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với Hàn Quốc. Cụ thể, Lall (2000) phân loại hàng hóa tiêu chuẩn quốc tế (SITC) cấp độ 3 chữ số thành 5 nhóm như sau: 1. Hàng sơ cấp (48 ngành); 2. Hàng chế tạo dựa vào tài nguyên (62 ngành); 3. Hàng sử dụng công nghệ thấp (44 ngành); 4. Hàng sử dụng công nghệ trung bình (58 ngành); 5. Hàng sử dụng công nghệ cao (18 ngành). Những nhóm hàng trên lại được phân thành các phân nhóm nhỏ hơn. Các kết quả nghiên cứu chính được minh họa ở Bảng 1 và Bảng 2 dưới đây.
Bảng 1: Xuất khẩu của Vỉệt Nam sang Hàn Quốc theo hàm lượng công nghệ
(đơn vị: %)
2001 | 2005 | 2010 | 2015 | 2016 | |
Hàng sơ cấp | 39,32 | 37,63 | 40,59 | 12,37 | 9,29 |
Hàng chế tạo dựa vào tài nguyên | 10,50 | 10,40 | 7,65 | 7,48 | 6,45 |
Nông nghiệp | 8,57 | 7,41 | 5,26 | 4,75 | 4,17 |
Sản phẩm khác | 1,93 | 2,99 | 2,39 | 2,73 | 2,28 |
Hàng sử dụng công nghệ thấp | 33,82 | 38,35 | 38,25 | 40,50 | 36,00 |
Dệt may và giày dép | 23,54 | 27,63 | 30,31 | 34,59 | 30,38 |
Sản phẩm khác | 10,28 | 10,72 | 7,94 | 5,91 | 5,62 |
Hàng sử dụng công nghệ trung hình | 4,26 | 5,07 | 5,74 | 12,01 | 14,04 |
Phương tiện vận tải | 0,04 | 0,10 | 0,40 | 0,65 | 0,57 |
Các sản phẩm đã được gia công, xử lý | 2,23 | 2,77 | 1,77 | 2,45 | 1,97 |
Các sản phẩm cơ khí, kỹ thuật | 1,99 | 2,20 | 3,57 | 8,91 | 11,50 |
Hàng sử dụng công nghệ cao | 12,09 | 8,51 | 7,76 | 27,62 | 34,22 |
Điện và điện tử | 11,79 | 8,29 | 7,67 | 25,72 | 32,74 |
Sản phẩm khác | 0,30 | 0,22 | 0,09 | 1,90 | 1,48 |
Hàng không được phân loại | 0,01 | 0,03 | 0,01 | 0,01 | 0,01 |
Tổng | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Source: Tính toán của tác giả dựa trên Cơ sở dữ liệu của UNCTAD.
Bảng 2: Nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc theo hàm lượng công nghệ (đơn vị: %)
2001 | 2005 | 2010 | 2015 | 2016 | |
Hàng sơ cấp | 2,80 | 3,90 | 4,45 | 4,45 | 3,99 |
Hàng công nghiệp dựa vào tài nguyên | 10,89 | 15,81 | 13,71 | 4,53 | 6 42 |
Nông nghiệp | 3,12 | 2,55 | 2,88 | 1,80 | 1,74 |
Sản phẩm khác | 7,77 | 13,26 | 10,83 | 2,73 | 4,68 |
Hàng sử dụng công nghệ thấp | 33,32 | 31,66 | 29,49 | 15,54 | 13,66 |
Dệt may và giày dép | 24,75 | 23,24 | 14,58 | 8,41 | 7,63 |
Sản phẩm khác | 8,57 | 8,42 | 14,91 | 7,13 | 603 |
Hàng sử dụng công nghệ trung hình | 45,58 | 36,95 | 37,60 | 35,89 | 31,93 |
Phương tiện vận tải | 15,08 | 8,81 | 8,84 | 5,14 | 4,03 |
Các sản phẩm đã được gia công, xử lý | 18,31 | 17,29 | 16,81 | 11,74 | 10,33 |
Các sản phẩm cơ khí, kỹ thuật | 12,19 | 10,85 | 11,95 | 19,01 | 17,57 |
Hàng sử dụng công nghệ CCU | 7,06 | 11,01 | 14,02 | 39,45 | 43,87 |
Điện và điện tử | 4,66 | 9,26 | 12,14 | 37,16 | 40,47 |
Sản phẩm khác | 2,40 | 1,75 | 1,88 | 2,29 | 3,40 |
Hàng không đươc phân loại | 0,34 | 0,69 | 0,74 | 0,15 | 0,14 |
Tổng | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên Cơ sở dữ liệu của UNCTAD.
Về xuất khẩu, Bảng 1 cho thấy, giai đoạn 2001-2016, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đã có những thay đổi đáng kể theo hướng giảm tỷ trọng các mặt hàng sơ cấp, hàng nguyên vật liệu thô và tăng tỷ phần các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao và trung bình của Việt Nam đã tăng mạnh, từ khoảng 16% năm 2001 tăng lên 48% năm 2016, phần lớn đến từ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng cơ khí, kỹ thuật và điện, điện tử. Tuy vậy, tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng sử dụng công nghệ thấp, tài nguyên và nguyên vật liệu thô của Việt Nam đến Hàn Quốc dù giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể, trên 50% vào năm 2016.
So sánh với xuất khẩu của các quốc gia ASEAN khác đến thị trường Hàn Quốc, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam thấp hơn Malaysia (41%), Philippines (44%) và Singapore (51%), nhưng cao hơn Indonesia (8%), Thái Lan (33%) và các nước còn lại. Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong khi đóng góp của nhóm hàng công nghệ cao vào xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng tăng nhanh thì tỷ phần của nhóm hàng này trên tổng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế ASEAN chủ chốt khác lại có chiều hướng giảm mạnh theo thời gian… (còn nữa)
Trương Quang Hoàn, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.
(Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 03/2018)