Thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm khoảng 5% so với mức kỷ lục thiết lập vào năm ngoái, trong bối cảnh lãi suất tăng cao gây áp lực lên các nền kinh tế, căng thẳng Mỹ-Trung dẫn tới dịch chuyển các chuỗi cung ứng, và xuất hiện thêm các chính sách hạn chế giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Số liệu trên được đưa ra trong một báo cáo của Hội nghị về Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc (UNTAC) có trụ sở tại Geneva, Thuỵ Sỹ. Theo báo cáo này, tổng giá trị thương mại hàng hoá và dịch vụ toàn cầu sẽ đạt 30,7 nghìn tỷ USD trong năm nay, so với mức 32,2 nghìn tỷ USD của năm 2022.
Trong đó, giá trị thương mại hàng hoá giảm 2 nghìn tỷ USD, tương đương giảm 8%. Ngược lại, giá trị thương mại dịch vụ được dự báo tăng 500 tỷ USD trong năm nay so với năm ngoái, tương đương mức tăng khoảng 7%.
Năm nay, giá của nhiều hàng hoá đã giảm xuống sau khi tăng cao do ảnh hưởng của lạm phát trong năm ngoái. Việc giá hàng hoá giảm là một nguyên nhân khiến giá trị thương mại hàng hoá toàn cầu giảm. “Nhưng dù tổng giá trị giao dịch giảm, khối lượng hàng hoá trong thương mại toàn cầu năm nay vẫn tăng nhẹ, phản ánh sự vững vàng của nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu trên toàn cầu”, báo cáo của UNCTAD có đoạn.
Cũng theo báo cáo trên, các quốc gia có mối quan hệ thân thiện đang có khuynh hướng giao dịch thương mại với nhau nhiều hơn, trong khi các quốc gia kém thân thiện có khuynh hướng giảm thương mại song phương. Đây cũng là một trong những vấn đề phủ bóng lên triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024, theo UNCTAD.
“Dự báo về thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều bấp bênh và nhìn chung là bi quan. Một số chỉ báo kinh tế nhất định cho thấy tiềm năng có sự cải thiện, nhưng căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao, và tình trạng bấp bênh kinh tế trên diện rộng được dự báo sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu”, UNCTAD nhận định.
(Bình Minh/vneconomy)