Thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%

0
105
Dự kiến thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay. (Nguồn: Vietnamnet)

Việt Nam hiện đang là quốc gia tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong giai đoạn 2022-2023. Đây chính là thời điểm nước ta xây dựng các mô hình mới, từ đó giúp khôi phục doanh nghiệp và mở rộng thị trường.

Dự kiến thương mại điện tử của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay. (Nguồn: Vietnamnet)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Diễn đàn Thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương năm 2023 do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số tổ chức ngày 21/11.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn giảm mạnh do các chính sách thắt chặt tiền tệ và các yếu tố địa chính trị đã đè nặng lên các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế xã hội.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, nhiều ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao đang ở mức tăng trưởng âm, kéo theo nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

“Trước những thách thức đó, thương mại điện tử và kinh tế số tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội. Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam hiện đang là quốc gia tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong giai đoạn 2022-2023. Đây chính là thời điểm nước ta xây dựng các mô hình mới, từ đó giúp khôi phục doanh nghiệp và mở rộng thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.

Theo bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của thế giới và đây được coi là nguồn tài nguyên vô cùng lớn từ tư duy và trí tuệ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới cần chú trọng chuyển đổi các phương thức tác nghiệp quản lý điều hành đơn vị trong Bộ; thứ 2 là đổi mới phương thức để phục vụ người dân và doanh nghiệp trong đó lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Bàn về các giải pháp phát triển xã hội số ngành Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, cần tập huấn, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện từ và kỹ năng số, đào tạo nhân lực số cho các trường đại học, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên các sàn thương mại điện tử. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội tổ chức chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Tại diễn đàn, bà Cao Cẩm Linh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cũng nhận định, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ chuyển đổi số như: Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Chuỗi khối, Thực thế ảo, Thực tế tăng cường, Internet vạn vật.

Các giá trị mang lại của chuyển đổi số bao gồm: tăng mức hài lòng của người dân, rút ngắn thời gian phục vụ, tăng hiệu quả và minh bạch trong vận hành, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và tối ưu hóa cách thức quản lý.

Bà Linh nhận định: “Muốn chuyển đổi số thành công cần có chiến lược bài bản, mục tiêu rõ ràng, ưu tiên những việc khó cần giải quyết trước, chuyển đổi trước. Các giai đoạn chuyển đổi cần đi theo từng bước: số hoá thông tin – ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số”.

Theo bà Cao Cẩm Linh, chuyển đổi số tại các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn như: sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn yếu, kết cấu hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, tranh chấp về thương mại biến động phức tạp, khó lường và chứa đựng nhiều rủi ro, chất lượng nguồn lực còn nhiều hạn chế.

Đề xuất giải pháp, bà Linh cho rằng, cần xây dựng cổng dữ liệu trao đổi hệ thống liên ngành, nâng cấp giao diện và bố cục của thông tin, đồng thời tích hợp với các ứng dụng khác, tích hợp phần trao đổi, tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here