Cam kết áp thuế quan của Trump được công bố hôm 25/11 đã làm chao đảo thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu vào ngày 26/11, vì 3 quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Các quan chức từ Mexico, Canada và Trung Quốc cùng các nhóm ngành công nghiệp lớn đã cảnh báo rằng lời đe dọa áp thuế quan cao đối với hàng hóa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ gây hại cho nền kinh tế của tất cả những bên liên quan, khiến lạm phát tăng vọt và gây tổn hại đến thị trường việc làm.
Cam kết áp thuế quan của Trump được công bố hôm 25/11 đã làm chao đảo thị trường tiền tệ, trái phiếu và cổ phiếu vào ngày 26/11, vì 3 quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Mexico và Canada đặc biệt gắn bó chặt chẽ với nhau trong sản xuất ô tô và sản lượng năng lượng của Hoa Kỳ nhờ vào nhiều thập kỷ ký kết các thỏa thuận thương mại giữa hai nước láng giềng Bắc Mỹ.
Theo hai nguồn tin thân cận với kế hoạch trên nói với Reuters ngày 26/11 rằng, kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Canada và Mexico vào ngày đầu tiên nhậm chức của Trump không miễn trừ dầu thô như các giám đốc điều hành ngành công nghiệp đã hy vọng. Các nhà lãnh đạo và các quan chức cấp cao khác đã cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra và nền kinh tế bị tổn hại, đồng thời tìm cách đàm phán với Trump sau thông báo bất ngờ này, trong đó bao gồm khoản thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc – cho đến khi 3 quốc gia này siết chặt dòng chảy ma túy bất hợp pháp và tình trạng di cư qua biên giới.
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Một mức thuế quan sẽ tiếp nối một mức thuế quan khác để đáp trả, cứ thế cho đến khi chúng ta đặt các doanh nghiệp chung của mình vào vòng nguy hiểm”. Sheinbaum cho biết bà có kế hoạch gửi một lá thư tới Trump và sẽ gọi điện cho ông để thảo luận về vấn đề này. Một quan chức của Ngân hàng Canada cho biết bất kỳ động thái nào của Trump nhằm thực hiện lời đe dọa sẽ tác động đến cả hai bên biên giới phía Bắc của Mỹ. Phó Thống đốc Rhys Mendes phát biểu tại một sự kiện ở Charlottetown, Đảo Prince Edward: “Những gì xảy ra ở Mỹ có tác động lớn đến chúng tôi và một điều gì đó như thế này rõ ràng sẽ tác động đến cả hai nền kinh tế”.
Trước đó, một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington khẳng định: “Sẽ không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến thuế quan”. 3 quốc gia nói trên đã vận chuyển tổng cộng hơn 1 nghìn tỷ USD hàng hóa đến Mỹ trong 9 tháng đầu năm, dẫn đầu là Mexico, tiếp theo là Trung Quốc và sau đó là Canada, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, tính đến tháng 9 vừa qua.
Thuế quan được trả bởi các công ty nhập khẩu hàng hóa và thường được chuyển cho người tiêu dùng, mặc dù Trump thường xuyên tuyên bố sai rằng thuế quan sẽ được áp dụng đối với các quốc gia nước ngoài có liên quan. Bernard Baumohl – nhà kinh tế trưởng của Economic Outlook Group – cho biết: “Điều điên rồ ở đây là những mức thuế quan như vậy cuối cùng sẽ phản tác dụng với Mỹ dưới hình thức lạm phát cao hơn và lãi suất tăng”. Trump “sẽ hủy bỏ lời cam kết duy nhất mà ông đã đưa ra với người Mỹ trong chiến dịch tranh cử, đó là giảm chi phí sinh hoạt”.
Theo các nhà kinh tế nông nghiệp và giám đốc điều hành ngành, nếu Trump thực hiện các kế hoạch thuế quan, người tiêu dùng có thể phải đối mặt với giá cao hơn đối với bơ, dâu tây và các sản phẩm tươi sống khác, cũng như thịt. Mexico và Canada là hai nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp hàng đầu cho Mỹ, với giá trị nhập khẩu hàng nông sản lên tới gần 86 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Hải quan Mỹ.
Đàm phán lại USMCA?
Các khoản thuế được đe dọa đưa ra có vẻ như vi phạm các điều khoản của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Thỏa thuận mà Trump đã ký thành luật, có hiệu lực vào năm 2020 và tiếp tục các hoạt động thương mại miễn thuế phần lớn giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào năm 2026.
Warren Maruyama – cựu Cố vấn của Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush – cho biết Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, điều này sẽ mở khóa “Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp quốc tế” (IEEPA) và cho phép ông áp đặt thuế quan một cách tương đối dễ dàng. Maruyama nói: “Nếu bất kỳ dấu hiệu nào tạo ra tiền lệ, thì đó là một cuộc chiến khó khăn nghiêm trọng để thách thức các hành động được thực hiện theo khuôn khổ đó”. Theo giới chuyên gia thương mại, thuế quan cũng có thể thúc đẩy việc đàm phán lại sớm USMCA, trước đợt đánh giá năm 2026 theo kế hoạch.
Thảm họa cho ngành công nghiệp ô tô của Mỹ
Những lời chỉ trích của Trump đã khiến đồng tiền của Mexico và Canada lao dốc, và cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu giảm do tình hình bất ổn gia tăng.
Nhà phân tích Daniel Roeska của Bernstein cho biết trong một lưu ý: “Nếu được thực hiện, điều này sẽ gây ra thảm họa cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ và Detroit Three (3 thương hiệu lớn), tất cả đều nhập khẩu một lượng lớn xe từ Canada và Mexico, cũng như Volkswagen và các nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM) của châu Âu khác”.
Ford và General Motors nằm trong số các nhà sản xuất ô tô có cổ phiếu giảm mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng biến động trái chiều. Các nhóm vận động hành lang trong ngành khoan và lọc dầu đã cảnh báo về những tác động lớn, bao gồm giá nhập khẩu cao hơn và nguồn cung dầu thô và sản phẩm ít hơn, cũng như khả năng trả đũa có thể gây tổn hại cho người tiêu dùng.
Mỹ cần nhập khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và Canada là nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất, vận chuyển hơn 4 triệu thùng mỗi ngày, chủ yếu qua đường ống. Scott Lauermann – phát ngôn viên của API, một nhóm thương mại đại diện cho ngành công nghiệp dầu khí và khí đốt tự nhiên của Mỹ – cho biết: “Việc duy trì dòng chảy tự do của các sản phẩm năng lượng qua biên giới của chúng ta là rất quan trọng đối với an ninh năng lượng Bắc Mỹ và người tiêu dùng Mỹ”.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank hôm 26/11 ước tính rằng mức thuế đề xuất đối với Mexico và Canada sẽ làm tăng lạm phát của Mỹ tạm thời và họ đã nâng dự báo lạm phát chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi năm 2025 từ 2,6% lên 3,7%. Con số này là 2,7% vào tháng 9.
Tập trung vào fentanyl
Trump đã cam kết trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình sẽ đánh thuế ở các mức độ khác nhau đối với các đối tác thương mại của Mỹ, một phần trong lời hứa “đặt nước Mỹ lên hàng đầu”.
Áp dụng thuế nhập khẩu là một chính sách quan trọng trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên của Trump và giống như bây giờ, ông cũng đã đe dọa áp dụng chúng vì những lý do không liên quan đến kinh tế. Năm 2019, ông đã đe dọa áp thuế 5% đối với Mexico do dòng người di cư đổ vào biên giới phía Nam nước Mỹ, nhưng sau đó đã hủy bỏ sau khi Mexico đồng ý thực hiện các bước thắt chặt kiểm soát biên giới.
Trong trường hợp hiện tại, dòng ma túy bất hợp pháp vào Mỹ, đặc biệt là fentanyl, đã được thêm vào các khiếu nại của Trump với 3 quốc gia. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, số ca tử vong do dùng quá liều fentanyl ở Mỹ thực sự đã giảm vào năm 2023, mặc dù gần 75.000 người vẫn tử vong vì loại thuốc phiện mạnh này.
Một số người cho biết mức thuế quan có thể là một lời chào mở đầu cho đàm phán. Thomas Ryan, nhà kinh tế học Bắc Mỹ tại Capital Economics, cho biết: “Nó mở ra cánh cửa để Canada và Mexico đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy trong 2 tháng tới để cố gắng tránh các mức thuế quan đó”.
Các kế hoạch của Trump liên quan đến Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng vì trước đó ông đã cam kết áp thuế 60% trở lên. Trên trang mạng xã hội của mình, ông chỉ nói về “mức thuế bổ sung 10%, ngoài bất kỳ mức thuế bổ sung nào, đối với tất cả các sản phẩm của họ nhập khẩu vào Mỹ”
Sơn Hà