4. Một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Từ việc nghiên cứu thực trạng quan hệ thương mại hàng hoá trung gian của Việt Nam với hai nước trên, có thể đưa ra một số hàm ý sau đây cho Việt Nam:
Thứ nhất, Việt Nam cần thực hiện quyết liệt việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, từ việc dựa vào khai thác các lợi thế so sánh tĩnh trong thương mại quốc tế chuyển sang khai thác lợi thế so sánh động, lấy công nghệ và trí thức làm nền tảng để đổi mới cơ cấu sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm trung gian có giá trị gia tăng cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng thị trường mở cửa hội nhập đang mở ra cho xuất khẩu Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Vì thế, Việt Nam cần biết những lợi thế so sánh của mình để từ đó phát huy, nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra sâu rộng hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu sang thay thế nhập khẩu và phát triển thị trường nội địa, chẳng hạn như Trung Quốc đã làm thông qua các biện pháp: tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, đối với Việt Nam hiện nay, thị trường trong nước chưa phát triển mạnh mẽ thì cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI, để nâng cao sức canh tranh của nền kinh tế. Phát triển xuất khẩu là con đường nhanh nhất để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Do vậy, nhu cầu phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu ngày càng trở nên cấp bách.
Việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới cần phải hướng theo chiều sâu, dựa vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh động để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu trên cơ sở đẩy mạnh cải cách thể chế, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Chuyển từ phát triển xuất khẩu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ việc dựa chủ yếu vào lợi thế so sánh sẵn có (tĩnh) sang lợi thế cạnh tranh “động” không những là nhân tố quyết định chất lượng tăng trưởng xuất khẩu, mà còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế, cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, phù hợp với xu hướng biến đổi cùa thị trường. Nhờ đó, hạn chế được rủi ro khi thị trường thế giới có những biến động bất lợi. Chuyển nền kinh tế từ khai thác và sử dụng tài nguyên dưới dạng thô sang chế biến tinh xảo hơn, nâng cao giá trị gia tăng từ mỗi một đơn vị tài nguyên được khai thác. Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá, cần giảm mạnh khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị nhóm hàng nhiên liệu và khai khoáng. Trong nhóm hàng công nghiệp chế tạo, chế biến, cần khai thác các nguồn nguyên liệu, sản phẩm trung gian nhập khẩu một cách đa dạng để phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.
Thứ hai, cần điều chỉnh cơ cấu thị trường và cơ cấu sản phẩm trong trao đổi thương mại hàng hoá trung gian, tránh lệ thuộc vào một thị trường đơn lẻ và tránh nhập khẩu các sản phẩm trung gian kém chất lượng. Chính phủ cần phải xác định sự cân bằng thương mại, cân đối giữa nhu cầu thay thế nhập khẩu và nhu cầu tăng trưởng xuất khẩu giữa các ngành. Các bộ, ngành cần phải nghiên cứu một cách tổng quát, chi tiết các ngành công nghiệp chủ chốt theo định hướng xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu, phân tích chi tiết chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng trọng các ngành, để từ đó xác định được các hàm lượng giá trị gia tăng, các tiềm năng phát triền hàng hoá trung gian, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá trung gian, để từ đó điều chỉnh và xác định cơ cấu thị trường trong trao đổi hàng hoá trung gian một cách khoa học, theo kế hoạch tổng thể. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu sản phẩm trung gian, cần củng cố và mở rộng vững chắc thị phần của hàng Việt Nam tại thị trường EU, Bắc Mỹ; tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu tại Liên bang Nga và Đông Âu, Mỹ La Tinh, Tây Á, Nam Á và Châu Phi. Bên cạnh đó, tiếp tục coi thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (Trung Quốc, Indonesia…) là thị trường xuất khẩu trọng điểm trong 10 năm tới. Xuất khẩu sang các quốc gia và vùng lãnh thổ này, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý và nhiều nét tương đồng về văn hóa. Điều này sẽ mang lại một số thuận lợi trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời vẫn bảo đảm duy trì thị trường trong nước, về cơ cấu thị trường nhập khẩu sản phẩm trung gian, để tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường như Trung Quốc, tránh những rủi ro không đáng có, trước hết cần phải mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với hàng hoá của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu hay Trung Đông. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời mở rộng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước để tránh tình trạng phải lệ thuộc hoàn toàn vào hàng hoá trung gian nhập khẩu từ nước ngoài.
Để kiểm soát hiệu quả danh mục sản phẩm hàng hoá trung gian trong trao đổi thương mại quốc tế, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu trung gian một cách thống nhất và quy định về tiêu chuẩn, phương thức kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Rà soát và cập nhật danh mục các mặt hàng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được để có biện pháp kiểm soát nhập khẩu; Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương tổ chức thực hiện nhập khẩu hợp lý, đảm bảo sản xuất, không nhập quá nhu cầu; Xem xét khả năng tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, thay thế nhập khẩu. Đồng thời, rà soát lại các danh mục mặt hàng nhập khẩu, các mặt hàng nào trong nước có thể sản xuất, cung ứng được thì sử dụng hàng trong nước để hạn chế nhập khẩu.
Thứ ba, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ để tham gia hiệu quả vào mạng sản xuất quốc tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào nhập khẩu hàng hoá trung gian và gia tăng giá trị sản phẩm cùa hàng hoá trung gian xuất khẩu. Hiện nay, các công ty xuyên quốc gia và các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ muốn tìm các nhà cung ứng ngay tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn không tìm được nhiều. Nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam còn ít, vì vậy các công ty xuyên quốc gia buộc phải nhập khẩu hàng hoá trung gian vào Việt Nam để lắp ráp hàng xuất khẩu. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp Việt Nam đã và đang phát triển theo bề rộng, theo hướng gia công như dệt may, giày dép… và lắp ráp như ô tô, xe máy, thiết bị điện và điện tử… là chủ yếu. Đặc biệt, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm khá hạn chế như ôtô là 20- 30%, da giày, dệt may là trên 10%… Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là là giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong các ngành này còn rất kém… Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay để nâng cao sức canh tranh cho các sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại là phải làm sao nâng cao được tỉ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Để làm tốt được điều này, Việt Nam chỉ có một cách duy nhất là phải phát triển thành công ngành công nghiệp phụ trợ bởi ngành công nghiệp phụ trợ có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Để phát triển công nghiệp phụ trợ thành công, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ, từ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, đến hỗ trợ vốn, tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trọng điểm, chính sách phát triển các trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật công nghệ, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp phụ trợ…. Phát triển một số ngành công nghỉệp phụ trợ trong một số lĩnh vực như sản xuất ôtô, xe máy, các sàn phẩm điện, điện tử, điện lạnh, sẽ giúp Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá trung gian, chủ động hơn trong lựa chọn các sản phẩm và thị trường nhập khẩu hàng hoá trung gian.
Thứ tư, cần có các chính sách, biện pháp tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI, Từ đó, cần tìm cách thức để phát huy vai trò, tác động lan tỏa của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng. Việt Nam có thể tham khảo các hình thức liên kết và tác động lan toả cùa các doanh nghiệp FDI Nhật Bản với các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Việt Nam cần có các chính sách và biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam, rồi xuất khẩu trở lại thị trường Nhật Bản. Đây là cách tốt nhất để vừa đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, vừa làm gia tăng tỷ trọng hàng Việt Nam trong kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Nhật Bản. Hiện nay, các công ty Nhật Bản cũng đang tích cực đầu tư ra nước ngoài để sản xuất theo hướng này, chẳng hạn như vào Trung quốc. Nhập khẩu công nghệ nguồn thông qua các dự án FDI của Nhật Bản có thể coi là một giải pháp hữu hiệu giúp tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cả về chất lượng và giá trị, đồng thời giúp Việt Nam giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm trung gian công nghệ thấp của Trung Quốc như trong thời gian qua.
Thứ năm, tập trung phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Khả năng tiếp nhận công nghệ hiện đại và các sản phẩm nhập khẩu trung gian có hàm lượng công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào năng lực và trình độ của người lao động. Trong giai đoạn đầu nhập khẩu công nghệ, người lao động chỉ cần có trình độ giáo dục bậc phổ thông cơ sở. Trong giai đoạn sau, giai đoạn tiếp thu và ứng dụng công nghệ, lao động cần được đào tạo ở bậc đại học, để họ hiểu và theo kịp với trình độ công nghệ thế giới. Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tình trạng thiếu lao động và những nhà nghiên cứu có trình độ là một trở ngại cho việc tiếp thu công nghệ từ nước ngoài. Do vậy, nếu đầu tư tích cực và hiệu quả cho phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến hơn so với hiện nay. Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Trung Quốc đã rất thành công khi thực hiện những nỗ lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực trình độ cao một cách có hệ thống và nghiêm túc. Nguồn lao động có trình độ ngày càng tăng là điều kiện tiên quyết, bởi vì hầu hết công nghệ ngày càng có hàm lượng kỹ năng cao hơn. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng nhập khẩu hàng hoá trung gian kém chất lượng và trình độ công nghệ thấp như hiện nay, không còn cách nào khác là Việt Nam cần phải tập trung phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho người lao động một cách hiệu quả.
Kết luận
Trong điều kiện phân công lao động quốc tế đang dịch chuyển từ chiều ngang sang chiều dọc, trong đó mỗi nước sẽ chịu trách nhiệm phụ trách một công đoạn sản xuất để tạo ra sản phẩm, thì thương mại hàng hoá trung gian trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với Việt Nam, mặc dù đã có những nỗ lực tích cực trong việc tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng hàng hoá Việt Nam vẫn dừng chân ở vị trí rất thấp trong các công đoạn sản xuất và cung ứng hàng hoá. Nghiên cứu quan hệ thương mại hàng hoá trung gian của Việt Nam với các nước Nhật Bản, và Trung Quốc cũng như kinh nghiệm trao đổi hàng hoá trung gian giữa hai nước Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy Việt Nam còn gặp phải rất nhiều thách thức và rủi ro trong trao đổi thương mại hàng hoá trung gian trên thị trường quốc tế. Những hạn chế trong xuất nhập khẩu hàng hoá trung gian của Việt nam với Trung Quốc và Nhật Bản đang tạo ra những điểm nghẽn trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu, trong việc nâng cao nội lực của các doanh nghiệp sản xuất nội địa và tạo ra những nguy cơ cho nền kinh tế Việt Nam khi thị trường hàng hoá thế giới có những biến động khó lường. Đề tài cũng chỉ ra một số hàm ý về mặt chính sách, giúp Việt Nam lựa chọn lại đối tác và cơ cấu hàng hoá trung gian trong trao đổi thương mại quốc tế trong tương lai. Những yếu kém trong trao đổi hàng hoá trung gian của Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua cũng khiến chúng ta nhận thức lại tầm quan trọng của thương mại hàng hoá trung gian, để từ đó có những giải pháp hiệu quả trong tham gia mạng sản xuất quốc tế, tránh những tổn thương và sự đứt quãng khi tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu./.
(Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi – Trung Đông, số 7/2017)