Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp ASEAN vào Việt Nam

0
139
  1. Giới thiệu:

Qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Trong thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn lực quan trọng góp phần đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đất nước. FDI bổ sung nguồn vốn đáng kể cho tăng trưởng, chuyển giao công nghệ, tăng cường khả năng xuất khẩu các sản phẩm cũng như tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao mức sống của người dân (Nguyễn Thị Mai Hương, 2017, Nguyễn Quỳnh Thơ, 2017). Kể từ khi Việt Nam cam kết thực hiện AFTA (từ ngày 1/1/1996), đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp của ASEAN nói riêng đã đóng góp đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) được kí kết bởi các Bộ trưởng ASEAN vào ngày 7/10/1998 tại Manila. Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN đã tạo nên một bước ngoặt trong tư duy và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về vai trò của đầu tư khu vực, nhất là trong việc biến ASEAN trở thành một khu vực đầu tư đơn nhất, các nước đã quyết tâm hướng đến những quy định đầu tư được đơn giản hóa thông qua sự minh bạch các quy tắc, thủ tục cũng như các chính sách điều hành về đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam cũng như Việt Nam tham gia đầu tư vào ASEAN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến tháng 6/1997, tốc độ thu hút đầu tư của ASEAN vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, tổng số dự án đầu tư của ASEAN đã tăng lên 328 dự án với tổng số vốn cam kết lên tới 7.815 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với thời kỳ trước 1/1/1996. Đầu tư của toàn ASEAN đã chiếm gần 30% tổng mức đầu tư của tất cả các quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ba quốc gia, gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan chiếm giữ các vị trí lần lượt thứ 1, thứ 7 và 8 trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Tuy đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam những năm vừa qua, song kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và các nước ASEAN, hoạt động này vẫn chưa khai thác hết lợi thế của các nước ASEAN như cùng là các nước trong khu vực. Ngoài ra, nguồn vốn FDI vào ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng còn gặp nhiều trở ngại từ chính sách FDI cả về qui định cũng như trong thực thi chính sách. Chính vì vậy, bài viết nhằm đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp ASEAN vào Việt Nam để đề xuất một số giải pháp khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI này.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu: Tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu này chủ yếu được kế thừa và tổng hợp từ các sách, báo, tạp chí, báo cáo của các Bộ, ngành và các trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành có liên quan.

Nguồn dữ liệu thứ cấp về nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ ASEAN và thế giới vào Việt Nam được thu thập từ cơ quan thống kê ASEAN; Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu được thu thập từ Tổng cục thống kê; Đầu tư trực tiếp nước ngoài phân theo ngành đầu tư và theo lĩnh vực đầu tư được thu thập từ Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phương pháp nghiên cứu: Bài viết chủ yếu sử dụng phương pháp thống kê mô tả kết hợp với phân tích, đánh giá.

  1. Một số vấn đề lý luận về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

3.1. Khái niệm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1996) quy định: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kì tài sản nào để tiến hành hoạt động đầu tư theo luật này.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (1993): FDI được định nghĩa là: “Loại hình đầu tư quốc tế trong đó một chủ thể kinh tế thuộc một nền kinh tế thu được lợi ích lâu dài từ một chủ thể kinh tế thuộc một nền kinh tế khác.

Đầu tư trực tiếp bao hàm mối quan hệ dài hạn giữa nhà đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, và một mức độ ảnh hưởng nhất định của nhà đầu tư đối với công tác quản trị hoạt động tại doanh nghiệp nhận khoản vốn đầu tư.

Theo tổ chức thương mại thế giới – WTO (1996): Đầu tư nước ngoài xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác.

OECD (1996), FDI đựợc xem là “việc đầu tư được thực hiện nhằm thu được lợi ích lâu dài của một chủ thể đầu tư ở một quốc gia (nhà đầu tư trực tiếp) vào một chủ thể kinh tế ở một quốc gia khác (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp). Lợi ích lâu dài bao hàm sự tồn tại của một mối quan hệ trong dài hạn giữa nhà đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp tiếp nhận vốn và một mức độ ảnh hưởng nhất định của mối quan hệ này lên công tác quản trị hoạt động của doanh nghiệp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm các giao dịch ban đầu giữa hai chủ thể kinh tế và các giao dịch kế tiếp sau liên quan đến vốn các chủ thể này với các chi nhánh, các đơn vị liên kết.
Tóm lại, đầu tư nước ngoài là sự di chuyển các nguồn lực từ quốc gia này qua quốc gia khác để tiến hành những hoạt động đầu tư nhằm thu được lợi ích.

3.2. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Theo tác giả Nguyễn Quỳnh Thơ (2017) thì hệ thống chỉ tiêu đánh giá hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài là kết quả thu hút và thực hiện FDI. Hệ thống chỉ tiêu này cho phép đánh giá trực tiếp kết quả thu hút và thực hiện FDI tại nước chủ nhà. Đây là nhóm chỉ tiêu truyền thống với các tiêu chí đánh giá bao gồm:

(1) Quy mô vốn đăng ký: Là tổng số vốn góp bằng tiền hoặc tài sản hợp pháp, lợi nhuận để lại và các hình thức vốn khác do nhà đầu tư nước ngoài cam kết đưa vào nước chủ nhà để tiến hành các hoạt động đầu tư trực tiếp (World Bank, 2016).

Vốn đăng ký bao gồm vốn cam kết của nhà đầu tư nước ngoài theo giấy phép cấp mới (đối với các dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án độc lập với các dự án đang hoạt động mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ); và cấp bổ sung (đối với các dự án đầu tư nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực sản xuất kinh. doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường của dự án đầu tư hiện có đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các năm trước).

(2) Quy mô vốn thực hiện: Là số vốn đầu tư thực tế do các nhà đầu tư nước ngoài đã chi ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước sở tại, bao gồm chi phí xây dựng các công trình, nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị… Quy mô vốn thực hiện thể hiện hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư, cơ chế quản lý nhà nước, cũng như hiệu lực thực thi của các văn bản pháp luật. Về mặt lý thuyết, vốn FDI thực hiện thường nhỏ hơn vốn FDI đăng ký của dự án.

(3) Cơ cấu FDI: Là chỉ tiêu thể hiện sự cân bằng hay mất cân bằng trong xu thế phát triển của dòng vốn FDI. Cơ cấu FDI có thể đựợc phân theo các tiêu chí khác nhau như: hình thức đầu tư, ngành kinh tế, vùng kinh tế. Nhóm chỉ tiêu này cho phép đánh giá sự thay đổi về mẫu hình của dòng vốn tại quốc gia tiếp nhận vốn.

  1. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp ASEAN vào Việt Nam

4.1. Quy mô và tốc độ thu hút vốn đầu tư ASEAN

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào năm 1988 đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/9/2017, cả nước có 24.199 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 310,19 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 167,35 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam thì đầu tư ASEAN chiếm vị trí đáng kể và dao động từ 16-18,3% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tỷ lệ này của năm 2016 là 18,31%. (Bảng 1).

Theo số liệu từ cơ quan Thống kê ASEAN, nguồn vốn đầu tư trực tiếp (đã thực hiện) ASEAN vào Việt Nam tăng đều qua các năm và ASEAN luôn là khu vực đầu tư vốn trực tiếp ổn định vào Việt Nam. Đến hết năm 1997, số dự án đầu tư của ASEAN là 409 chiếm 18,5% tổng số dự án với 7.381,8 triệu USD và chiếm 23,4% tổng vốn FDI tại Việt Nam thì đến hết năm 1999 số dự án của ASEAN là 495 nhưng chỉ chiếm 17,6% tổng số dự án FDI tại Việt Nam. Cũng do còn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, từ năm 1999 đến năm 2005, vốn FDI của các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam không tăng và có xu hướng giảm. Đến năm 2007, vốn FDI của ASEAN vào Việt Nam tăng đáng kể và đạt 543,2 triệu USD và năm 2008 đạt 2705 triệu USD. Năm 2010, vốn FDI của ASEAN đạt 1.300,88 triệu USD, năm 2016 vốn đầu tư này vào Việt Nam đạt 2.306,61 triệu USD. So với năm 2015, nguồn vốn FDI này tăng 153 triệu USD, tức tăng 7,11%. (Bảng 2).

Trong số các quốc gia ASEAN đầu tư chủ yếu vào Việt Nam phải kể đến Singapore, Malaysia và Thái Lan. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến hết năm 2016 có 8 nước ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia) đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế của Việt Nam. Tính lũy kế qua các năm, Singapore dẫn đầu trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam với số dự án và vốn đăng ký luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Đến hết năm 2016, Singapore có tổng vốn đầu tư đăng ký là 38.255,4 triệu USD, chiếm 63,78% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ ASEAN vào Việt Nam và chiếm 13% trong tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; tiếp theo là Malaysia đầu tư vào Việt Nam 543 dự án với tổng vốn đăng kí đạt 11.966,5 triệu USD, chiếm 19,95%; Thái Lan đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đăng kí đạt 7.799,7 triệu USD, chiếm 13,%; Brunei với tổng vốn đăng kí đạt 432,1 triệu USD, chiếm 2,29%. Một số ít dự án còn lại là của Indonesia, Lào và Campuchia.

4.2. Về cơ cấu vốn đầu tư của ASEAN

Các nước Asean đã đầu tư vào 18/18 ngành kinh tế của Việt Nam. Vốn đầu tư của ASEAN vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực bất động sản và lĩnh vực nông nghiệp theo Bảng 3:

Lĩnh vực chế biến, chế tạo: Đây là lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư ASEAN (1009 dự án và 22,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư). Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đa phần các dự án từ nhà đầu tư Singapore (438 dự án và 13,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 43% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này); tiếp đến là Thái Lan (184 dự án và 5,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 18,2% tổng số dự án và 26% tổng vốn đầu tư); sau đó là Malaysia (225 dự án và 1,98 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 22,2% tổng số dự án và 9% tổng vốn đầu tư).

Dệt may cũng là một trong các lĩnh vực mà các nước Asean cón nhiều dự án. Đặc điểm chung của các dự án trong lĩnh vực dệt may là quy mô dự án nhỏ, quy mô bình quân 1 dự án dệt may của Asean vào khoảng 6 triệu USD/dự án. Trong lĩnh vực dệt may thì Singapore, Thái Lan và Brunei là những quốc gia có nhiều dự án hơn cả.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản: Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 97 dự án và 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Chỉ tính riêng hai lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm đến hơn 70% tổng vốn đầu tư của Asean vào Việt Nam. Trong lĩnh vực này, Singapore cũng chiếm đa phần các dự án (77 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 77,7% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Đứng thứ hai là Malaysia (16 dự án và 5,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 33,3% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Brunei chỉ có 2 dự án song tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới 1 tỷ USD. Các dự án bất động sản của các nước Asean tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, do đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án bất động sản.

Lĩnh vực Nông nghiệp: Hiện nay, các nước Asean đã đầu tư 81 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 1,08 tỷ USD, chiếm 2% so với tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp ASEAN vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế và nguyên nhân do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này thường gặp nhiều rủi ro về thiên tai và rủi ro về biến động thị trường. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp. Trong số các nước Asean thì Thái Lan có tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất (29 dự án và 477 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 44% tổng vốn đầu tư của ngành nông nghiệp Asean). Tiếp theo là Singapore (28 dự án và 335 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 30,8% ), Malaysia (18 dự án và 146 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 13,4%).

Tuy đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đầu tư của các nước ASEAN vào Việt Nam trong những năm vừa qua, song kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và các nước ASEAN, hoạt động này vẫn chưa khai thác hết lợi thế của các nước ASEAN như cùng là các nước trong khu vực, có vị trí địa lý gần nhau, hiểu rõ về phong tục tập quán cũng như văn hóa của các nước, có những ưu đãi về thuế quan và những chính sách khuyến khích đầu tư nhất là khi AEC được hình thành.

Theo kết quả đánh giá từ bảng số liệu trên cho thấy các điểm số trung bình cao nhất là với các qui định về sàng lọc và thẩm định, di chuyển của nhà đầu tư. Đặc biệt qui trình kiểm tra và thẩm định có thể là trở ngại lớn trong việc thu hút vốn FDI của các nước ASEAN vì những thủ tục này thường phức tạp, thiếu sự minh bạch. Qui định về năng lực đầu tư có điểm số trung bình thấp nhất. Xét về tổng thể AEC giúp tăng cường khả năng thu hút đầu tư của khu vực ASEAN nói chung nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh nội khối giữa các nước trong khu vực. Trong đó, một số quốc gia sẽ mất lợi thế thu hút đầu tư do chính sách bảo hộ và nguồn đầu tư sẽ chuyển sang các nước có lợi thế cạnh tranh cao hơn Trung tâm thông tin tư liệu, 2014.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của WEF, khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ về triển vọng đầu tư ở các nước ASEAN 2016 – 2017 trên 16 chỉ tiêu tác động đến môi trường đầu tưcho thấy Singapore được đánh giá tốt nhất với 12 chỉ tiêu đạt điểm mạnh. Việt Nam vẫn đứng sau các nước Malaysia, Philippines và Brunei, tương đương với Thái Lan và cao hơn các nước Lào, Cambodia, Myanmar và Indonesia. Về độ sẵn có của lao động giá rẻ, Lào được đánh giá tốt nhất, tiếp theo là Cambodia và Philippines, Việt Nam. Điều này cho thấy lao động giá rẻ cũng là một trong những nhân tố tác động tích cực đến thu hút FDI. Về độ sẵn có của lao động được đào tạo Việt Nam, Philippines, Singapore được đánh giá tốt, đây cũng được cho là điểm mạnh về thu hút FDI. Đa phần các doanh nghiệp hài lòng về sự ổn định chính trị tại các nước ASEAN, ngoại trừ Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lo ngại tham nhũng ở hầu hết các nước, ngoại trừ Brunei và Singapore. Về cơ sở hạ tầng, chỉ có 4 nước Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan được đánh giá tốt. Về luật pháp và quy định, chỉ có Singapore được đánh giá tốt. Số liệu cho thấy các chỉ tiêu này của Việt Nam là rất thấp. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút vốn đầu tư ASEAN vào Việt Nam. (Bảng 5).

Bên cạnh các yếu tố trên, xu hướng tái cơ cấu kinh tế của các nước trong và ngoàiASEAN cũng sẽ tác động đến xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất và sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu mà hệ quả là sự dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư. Đối với Thái Lan, nhằm thoát bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững, đón đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, Thái Lan đã bắt đầu triển khai mô hình phát triển kinh tế “Thái Lan 4.0” hướng đến các ngành công nghệ cao. Do đó, các ngành công nghệ thấp sẽ có xu hướng dịch chuyển khỏi Thái Lan. Tương tự, Trung Quốc cũng đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhu cầu trong nước, cắt giảm công suất các ngành công nghệ dư thừa. Điều này sẽ kéo theo sự dịch chuyển dòng vốn sang các nước khác đi kèm với xuất khẩu công nghệ thấp.

  1. Kết luận

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp ASEAN. Nhờ vào nhiều điều kiện thuận lợi như các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, gần cảng biển lớn, ưu đãi thuế quan…, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong khu vực. FDI của các nước ASEAN vào Việt Nam tuy đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng việc thu hút đầu tư từ các nước chưa đồng đều, trong khi Singapore, Malaysia, Thái Lan là ba nước luôn đứng đầu trong đầu tư tại Việt Nam, thì các nước còn lại có kết quả còn khiêm tốn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư FDI ASEAN vào Việt Nam, trong thời gian tới Chính phủ và các bộ ngành chỉ đạo, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về đầu tư, kinh doanh, ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư ASEAN vào một số lĩnh vực, đồng thời chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và có chính sách phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút vốn đầu tư.

Trần Văn Hùng (Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here