Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam-một số đề xuất chính sách

0
156
Trong thời đại số, các ngân hàng thành công sẽ là những ngân hàng biết khai thác sức mạnh của công nghệ dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số .

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số, đồng thời là cơ hội cho các quốc gia, doanh nghiệp bứt phát, vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Tuy nhiên, nếu không tranh thủ được cơ hội này, các quốc gia, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua của tương lai. Chuyển đổi số không đơn thuần là mức độ ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), mà cần được hiểu là nút đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã có chính sách về chuyển đổi số quốc gia và đang được Chính phủ triển khai một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc triển khai tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực cụ thể như y tế, giáo dục,… đã thực hiện chuyển đổi số trong nhiều năm qua, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng. Vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát tạo nên một động lực mới đẩy mạnh hơn chuyển đổi số cả về quy mô và tốc độ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, kích hoạt thay đổi phương thức con người sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu.

  1. Khái niệm Chuyển đổi số

Hiện nay có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số, như việc ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp đạt doanh số tốt hơn và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Hay theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tái cấu trúc tư duy về việc phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người để tạo ra nhiều giá trị mới… Mặc dù chưa chuẩn hóa, nhiều tổ chức, doanh nghiệp có các định nghĩa riêng của mình, nhưng trên góc độ tổng quát, có thể hiểu chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội (KT-XH), tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Chuyển đổi số không có nghĩa là số hóa. “Số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.

Về cơ bản có thể hiểu khái quát rằng chuyển đổi số là một lựa chọn chiến lược của nhiều chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức trên thế giới, là quá trình vận dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (Virtual Reality), in 3D… trên nền tảng tích hợp thông minh các công nghệ số trong một chỉnh thể thống nhất vào hoạt động nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, thể chế, văn hóa tổ chức, quản lý tri thức.[1] Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà nước như tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc, tối ưu chi phí, nâng cao tính minh bạch… nhưng đòi hỏi nguồn lực, công nghệ cao và quyết tâm lớn.

Chuyển đổi số là “quá trình” thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, thay đổi cách con người sống và hoạt động trong thời đại số. Chuyển đổi được thực hiện trên nền tảng của các công nghệ số, và thường được phân theo 03 cấp độ: số hóa thông tin, số hóa tổ chức và chuyển đổi.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và  hoạch định chính sách,triển khai chuyển đổi số không chỉ tập trung vào khía cạnh “số” (digital) hay khía cạnh “chuyển đổi” (transformation) mà mà còn vào quá trình các cá nhân, tổ chức thích nghi (adaption) với sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, khả năng lưu trữ (storage capacity) và tốc độ mạng (networking speed) tăng gấp đôi sau lần lượt 12 và 9 tháng, nhanh gấp rưỡi và gấp đôi Định luật Moore (Moore’s law).[2] Với tốc độ phát triển chóng mặt như vậy của dữ liệu và số hóa, khi một cá nhân, tổ chức bắt đầu làm quen được với môi trường số thì môi trường đó có khả năng đã thay đổi. Những công nghệ như VR, AI, blockchain, xe tự lái… được dự báo sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong một hai thập kỷ tới. Do đó, chuyển đổi số cần được nhìn nhận như là một quá trình thích nghi liên tục trước sự thay đổi liên tục của môi trường công nghệ.

Ở quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% vào năm 2021; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động 15% năm 2017, dự kiến năm 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi từ năm 2021. Dưới góc độ doanh nghiệp, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bị thụt lùi so với các doanh nghiệp cùng ngành, giảm sức cạnh tranh và không thể đuổi kịp đối thủ. Doanh nghiệp dù ở bất cứ quy mô nào cũng cần tham gia quá trình chuyển đổi số.

  1. Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam

Việt Nam đã có chính sách về chuyển đổi số quốc gia và đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ. Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những lĩnh vực tài chính, giao thông, du lịch… Ngày 27/9/2019, Bộ chính trị đã thông qua Nghị quyết số 52-NQ/TW về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 với mục tiêu đến 2030 kinh tế số chiếm trên 30% GDP, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Hiện nay, Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố cũng dự định xây dựng thành phố thông mình (smart city) với các nền tảng công nghệ mới… Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, chính phủ đã tăng cường chỉ đạo việc triển khai chuyển đổi số. Cụ thể, từ ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 10 bộ và cơ quan ngang bộ cần thực hiện kết nối ngay với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đến ngày 30/6 phải triển khai toàn bộ 19 dịch vụ công ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Trong cuối tháng 3/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Chỉ thị 16/CT-BTTTT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số và tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.[3]

Tuy nhiên, việc triển khai tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo VCCI, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990[4]. Báo cáo của Tập đoàn Cisco về “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương” (công bố tháng 4/2020) cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%)[5].

Các hoạt động, lĩnh vực kinh tế – xã hội đã triển khai áp dụng chuyển đổi số trong nhiều năm qua, tuy nhiên, các tác động của dịch Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh hơn quá trình này. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 – 2025. Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn đến việc các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém và an toàn[6]. Trong bối cảnh đó, một số nền tảng, phần mềm phục vụ khám, chữa bệnh đã được xây dựng và đưa vào áp dụng có hiệu quả. Ví dụ, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phát triển và đưa vào triển khai từ tháng 4/2020 đã đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám, chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế như tư vấn y tế từ xa, hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa, hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Tập đoàn VNPT đã phát triển và áp dụng thử phần mềm vận hành khám bệnh cho Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, Bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu khám bệnh từ xa, kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ, kết nối bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới.[7]

Trong lĩnh vực giáo dục, năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, công tác triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục vẫn diễn ra với chậm hơn so với các quốc gia phát triển trên thế giới. Các hoạt động nâng cấp cở sở vật chất; sử dụng phần mềm online để quản lý công việc/nhân sự; áp dụng công nghệ vào giảng dạy,… dường như chưa mang lại đột phá trong việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong giáo dục[8]. Kể từ khi bùng phát dịch Covid 19, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng học trực tuyến vào hoạt động giảng dạy. Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, Việt Nam có khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ khác nhau, 11 tập đoàn ICT đã tham gia hỗ trợ ngành giáo dục triển khai đào tạo trực tuyến.

Chuyển đổi số cũng đang diễn ra trong các hoạt động hàng ngày của người dân theo hướng kết nối với Internet và dịch vụ trên Internet. Theo thống kê của Bộ Thông tin – truyền thông năm 2019, 64/97 triệu người dân Việt nam đã sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017; 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019. Thống kê từ WeareSocial và Hootsuite cũng cho thấy, người dân Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động trên mạng, 94% người sử dụng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày, 6% số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần[9].

  1. Một số đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam

Chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới là xu thế tất yếu, mang tính cấp thiết. Để chuyển đổi số thành công, cần có sự đầu tư nguồn lực, quyết tâm thực hiện của tất cả các thành phần trong xã hội và những định hướng giải pháp cụ thể. Theo đó, có thể tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, cần đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng để đáp ứng quá trình chuyển đổi số và kinh tế số. Xây dựng các nền tảng số quốc gia của Việt Nam để tạo cơ sở phát triển các dịch vụ và chuyển đổi số trên các nền tảng này. Bên cạnh đó, để thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam cần nền tảng kết cấu hạ tầng hoàn thiện hoàn toàn mới về chất, trong đó cần xác định rõ các lĩnh vực thiết yếu, ưu tiên, ví dụ như hệ thống năng lượng, giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin. Đây không chỉ là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế mà còn là các lĩnh vực có thể được tiến hành chuyển đổi số một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ hai, thúc đẩy việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý về kinh tế số. Hệ thống pháp luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung kịp thời để quản lý các mô hình kinh doanh mới một cách hiệu quả và đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế số đang đi đúng hướng. Một ví dụ cụ thể là quá trình cho phép ra đời taxi công nghệ như Grab và Be vừa qua tốn rất nhiều thời gian. Phải mất sáu năm để các nhà lập pháp hoàn thành một nghị định quy định hoạt động của các phương tiện cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách thông qua các ứng dụng di động[10].

Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh chính trị, an ninh văn hóa và an ninh quốc gia trên không gian mạng; giám sát và phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Điều này cần được chú ý cả ở cấp độ quốc gia cũng như tại các cấp, ngành và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính – tiền tệ và các cơ quan Chính phủ được số hóa.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ số và dữ liệu mở. Chiến lược chuyển đổi số cần đẩy mạnh triển khai Chính phủ số và Dữ liệu mở thông qua các ứng dụng, nền tảng, phân tích Dữ liệu lớn, và hệ thống Trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu mở sẽ tăng cường tính minh bạch và niềm tin vào Chính phủ, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cắt giảm chi phí cung cấp dịch vụ của khu vực công. Tăng cường cung cấp và xử lý trực tuyến phần lớn dịch vụ công thay vì chỉ số ít dịch vụ như hiện nay; cần có hệ thống căn cước số đáng tin cậy để hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính điện tử và các nền tảng khu vực tư nhân khác.

Thứ năm, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trên thế giới, trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng rộng rãi ở các nước có trình độ khoa học kĩ thuật phát triển và phát huy hiệu quả trong ứng phó với dịch Covid-19 (Trung Quốc sử dụng robot trong tiếp xúc, điều trị bệnh nhân nhiễm covid-19, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát tán virus). Tại Việt Nam, mặc dù AI đã được đưa vào giảng dạy và đạo tạo khá sớm song đến nay việc áp dụng AI vào hoạt động sản xuất và phát triển công nghệ còn khá hạn chế. Hiện nay, trong số các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị công nghiệp chỉ có tập đoàn Vingroup sử dụng robot một cách rộng rãi trong việc dây chuyển sản xuất ô tô.

Thứ sáu, nâng cao trình độ lực lượng lao động ICT. Theo số liệu từ trang tuyển dụng Vietnamworks, đến cuối năm 2018, Việt Nam vẫn thiếu hụt 70.000 lao động trong lĩnh vực ICT. Năm 2020, số lượng thiếu hụt nhân lực sẽ lên tới 500.000. Không chỉ hạn chế về số lượng, sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ là nguyên nhân khiến cho nhân sự ICT cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút nhân tài.

Thứ bảy, thúc đẩy việc chia sẻ tài nguyên dữ liệu số. Trong bối cảnh chuyển đổi số, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng, là tài sản, tài nguyên, điều kiện tiên quyết cho chuyển đổi số. Thời gian qua, việc phát triển các cơ sở dữ liệu trong cả khu vực công và tư đã được chú trọng, song về cơ bản việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế, chủ yếu là cát cứ thông tin, làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số.

Anh Trần

[1] Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị kinh doanh hiện đại, cho rằng tri thức sẽ thay thế đất đai, lao động, vốn và máy móc để trở thành nhân tố quan trọng nhất của sản xuất (most important production factor). Xem thêm, Xuyan Wang et al., “KM 3.0: Knowledge Management Computing Under Digital Economy,” in Knowledge, People, and Digital Transformation: Approaches for a Sustainable Future, ed. Florinda Matos et al., Contributions to Management Science (Cham: Springer International Publishing, 2020), 207–17, https://doi.org/10.1007/978-3-030-40390-4_13..

[2] Định luật Moore (Gordon Moore – một trong những người sáng lập ra Intel) cho rằng số lượng transistor trên mỗi inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau 18 tháng.

[3] “Covid-19: Thời cơ vàng để Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số,” ictvietnam.vn, April 17, 2020, http://ictvietnam.vn/covid-19-thoi-co-vang-de-viet-nam-day-manh-chuyen-doi-so-20200417112847394.htm.

[4] “Chuyển Đổi Số Là Gì và Có Lợi Ích Gì Với Doanh Nghiệp?,” accessed May 21, 2020, https://baodautu.vn/chuyen-doi-so-la-gi-va-co-loi-ich-gi-voi-doanh-nghiep-d100335.html.

[5] “Chuyển Đổi Số Là Gì và Có Lợi Ích Gì Với Doanh Nghiệp?”, https://baodautu.vn/chuyen-doi-so-la-gi-va-co-loi-ich-gi-voi-doanh-nghiep-d100335.html.

[6] “Chuyển Đổi Số Trong Ngành y Tế,” Báo Người lao động, accessed May 21, 2020, https://nld.com.vn/thoi-su/chuyen-doi-so-trong-nganh-y-te-20200418215205569.htm.

[7] “Thúc Đẩy Chuyển Đổi Số Ngành y,” Báo điện tử Đại biểu nhân dân, accessed May 21, 2020, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=434684.

[8] “Xu Hướng Ứng Dụng Công Nghệ Vào Giáo Dục ở Việt Nam,” Báo Dân trí, accessed May 21, 2020, https://dantri.com.vn/khuyen-hoc/xu-huong-ung-dung-cong-nghe-vao-giao-duc-o-viet-nam-20190110200219021.htm.

[9] “Internet Việt Nam: Đổi Mới Sáng Tạo Để Chuyển Đổi Số,” baodientu.chinhphu.vn, accessed May 21, 2020, http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Internet-Viet-Nam-Doi-moi-sang-tao-de-chuyen-doi-so/382326.vgp.

[10] “COVID-19 shows pressing need for quicker digital transformation”, https://vietnamnews.vn/economy/653931/covid-19-shows-pressing-need-for-quicker-digital-transformation.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here