Tại Tọa đàm với chủ đề: “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA” diễn ra ngày 13/11, các chuyên gia nhận định, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách của Việt Nam; tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam….
Tuy nhiên, kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy, Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này.
Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, cần tăng cường tổ chức tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong quá trình triển khai cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA.
Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả dung lượng các thị trường có FTA với Việt Nam. Đây cũng là một trong những kỳ vọng lớn khi các FTA bước sang giai đoạn thực thi mới.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, Việt Nam đã và đang thực thi 15 FTA; trong đó, có 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).
“Đây là những FTA không chỉ bao gồm những lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Do đó, nội dung cam kết tương đối phức tạp và có rất nhiều tiêu chuẩn cao đòi hỏi đội ngũ nguồn nhân lực hiểu sâu về những nội dung cam kết này để giúp cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp nắm và thực thi một cách đúng và đầy đủ các nội dung cam kết”, bà Nguyễn Thị Lan Phương nói.
Phó Trưởng phòng WTO và FTA cho biết, thực tế cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đã rất nỗ lực đồng hành cùng nhau nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các FTA này.
Thế nhưng, tỷ lệ tận dụng các FTA này còn tương đối hạn chế. Với những FTA có kết quả tốt như EVFTA cũng chỉ đạt được ở mức khoảng 26% hoặc những FTA như CPTPP chỉ ở mức 5%. Đây là những con số còn tương đối khiêm tốn so với dư địa và những cơ hội từ những FTA này mang lại.
Về phía địa phương, chia sẻ về giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các FTA, ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho hay, công tác bố trí nguồn nhân lực phụ trách hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi các FTA nói riêng tại thành phố Hải Phòng được thành phố rất quan tâm.
UBND thành phố đã thành lập 300 chỉ đạo hội nhập phi quốc tế, trong đó tổ chức phối hợp của các liên ngành tham mưu, giúp ủy ban chỉ đạo, điều hành triển khai, đôn đốc, kiểm tra đánh giá các hoạt động hội nhập quốc tế của thành phố nói chung và thực thi FTA nói riêng. do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của TP. Hải Phòng tăng nhờ khai thác tốt lợi thế từ các FTA.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Detech cũng chia sẻ, đơn vị quan tâm tìm kiếm các chuyên gia có kinh nghiệm từ FTA để có thể tư vấn cho đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp.
Bà Hằng nói: “Từ đó, chúng tôi có thể có những biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do liên quan đến cả quy định về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và ba lĩnh vực này rất quan trọng.
Chính vì vậy, doanh nghiệp đã gặt hái thành công. Cà phê Detech đã có mặt ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng hai con số. Đồng thời, doang nghiệp còn mở mang thị trường xuất khẩu sang các đối tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Gia Thành