Thúc đẩy tìm kiếm giải pháp để WTO đóng góp giải quyết việc thu hẹp khoảng cách tiếp cận vắc-xin chống Covid-19

0
36
(Internet)

Nữ Tổng giám đốc WTO Tiến sỹ Ngozi Okonjo-Iweala mới đây đã có chuyến đi Mỹ làm việc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và dự Phiên họp mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở thủ đô Washington, DC. Nữ Tổng giám đốc WTO cũng đã triệu tập cuộc họp trực tuyến cấp cao ngày 14/4 về chủ đề “Covid-19 và sự bình đẳng vắc-xin: WTO có thể đóng góp gì?”. Tổng giám đốc WTO đặc biệt nhấn mạnh WTO cần đóng góp thúc đẩy tiếp cận vắc xin Covid-19 công bằng trên toàn thế giới để phục hồi tăng trưởng kinh tế và thương mại sau đại dịch, và việc hồi sinh hệ thống thương mại đa phương sẽ tăng cường ứng phó y tế và phục hồi kinh tế, đồng thời bà cũng đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này đối với các Thành viên WTO, các nhà sản xuất vắc-xin và các tổ chức tài chính quốc tế.

Tại các cuộc thảo luận tại Washington, DC, Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala nêu rõ sự phục hồi kinh tế bền vững và bao trùm từ đại dịch Covid-19 có nghĩa là cần có tiếp cận nhanh chóng, công bằng với vắc xin, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Sự khan hiếm vắc xin tiếp tục và mối đe dọa liên quan đến các biến thể virus mới nguy hiểm là những rủi ro hàng đầu đối với sự phục hồi hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu. Với phương châm “không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”, Tổng giám đốc WTO kêu gọi toàn cầu phải hành động và WTO cần có đóng góp của mình.

Tổng giám đốc WTO đã triệu tập cuộc họp trực tuyến cấp cao ngày 14/4/2021 với một số Bộ trưởng Thương mại, các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất vắc xin và cung ứng y tế, tổ chức phi chính phủ để thảo luận về cách WTO có thể tạo điều kiện tiếp cận vắc xin rộng rãi hơn, bất chấp sự bế tắc về đề xuất từ miễn áp dụng một số điều khoản của Hiệp định TRIPS của WTO. Tổng giám đốc WTO cho biết, hiện WTO có 3 mục tiêu: (i) Đầu tiên là xác định chính xác những rào cản, đặc biệt là những rào cản liên quan đến thương mại, đối với việc tăng cường sản xuất, phân phối và quản lý vắc xin một cách công bằng, xem xét cách WTO có thể đóng góp vào các giải pháp này. (ii) Thứ hai là tập hợp những người có khả năng gia tăng và mở rộng quy mô sản xuất, những người có khả năng chia sẻ công nghệ và bí quyết, và những người sẵn sàng tài trợ thêm năng lực sản xuất vắc xin. (iii) Thứ ba là suy nghĩ về con đường phía trước, bao gồm cả việc miễn trừ áp dụng các điều khoản TRIPS và khuyến khích nghiên cứu và phát triển, để các nước có được các công nghệ y tế cần thiết, không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal và Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Ebrahim Patel đã phát biểu tại cuộc họp. Cho đến nay, Cơ quan Quản lý của TT Biden đã phản đối việc miễn áp dụng một số điều khoản của TRIPS. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai phát biểu nhấn mạnh cam kết của bà trong việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết khoảng cách chênh lệch giữa các nước phát triển và đang phát triển khi tiếp cận thuốc chữa bệnh[1].

Cuộc họp đã nghe các ý kiến ​​của nhiều bên từ nhiều đại diện chính phủ và nhà sản xuất vắc xin từ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… Điều đáng mừng: Nguồn cung vắc xin đang tăng mạnh và các công ty đang vừa học vừa làm và đã tăng năng suất đáng kể. Cũng có sự sẵn sàng tài trợ đầu tư vào sản xuất vắc xin cả trong ngắn hạn và dài hạn, đồng thời có những ý tưởng và năng lượng để làm những điều khác biệt. Trong khi các nghĩa vụ TRIPS đã được thảo luận, những người tham gia cũng tập trung vào ảnh hưởng của các hạn chế xuất khẩu đối với sản xuất vắc xin COVID-19. Tổng giám đốc WTO kêu gọi các Thành viên dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hậu cần và hải quan, đồng thời tiến hành các cuộc đàm phán trong Hội đồng TRIPS của WTO.

Khó khăn, thách thức còn lớn và nhiều điều cần phải làm. Việc phân phối vắc xin cần phải hiệu quả hơn và công bằng hơn. Mặc dù WTO đã có những cuộc trao đổi hữu ích, tuy nhiên vẫn còn những quan điểm khác nhau, chẳng hạn như tương lai của chuỗi cung ứng vắc xin, về vai trò thích hợp của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (liệu các điều khoản của Hiệp định TRIPS đã đủ linh hoạt để thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất vắc xin ở các nước đang phát triển hay chưa), về các vấn đề minh bạch hợp đồng vắc xin, vốn được xem là một yếu tố quan trọng trong việc định giá và phân phối phù hợp và một phần quan trọng của tiếp cận và công bằng. Các Thành viên đều cho rằng tăng cường năng lực sản xuất vắc xin là một quá trình phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, dài hạn và mô hình kinh doanh bền vững dựa trên chuỗi cung ứng quốc tế mở về nguyên liệu và thiết bị y tế, đồng thời đòi hỏi phải chuyển giao công nghệ và bí quyết, cùng với đầu tư và hỗ trợ để đảm bảo chất lượng.

Tổng giám đốc WTO đưa ra một số khuyến nghị. Đối với các thành viên WTO: Giảm hơn nữa các hạn chế xuất khẩu và rào cản chuỗi cung ứng, đồng thời hợp tác với các tổ chức khác để tạo thuận lợi cho các thủ tục hậu cần và hải quan; thúc đẩy đàm phán trong Hội đồng TRIPS về đề xuất miễn trừ và khuyến khích nghiên cứu và đổi mới.  Đối với các nhà sản xuất vắc xin: Mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường công nghệ và chuyển giao bí quyết, minh bạch trong các thỏa thuận hợp đồng và định giá sản phẩm. Đối với các tổ chức quốc tế và các thiết chế tài chính: WTO ghi nhận sự sẵn sàng tài trợ và xây dựng năng lực của các thể chế này đối với việc sản xuất không chỉ vắc xin mà còn thuộc chuẩn đoán và điều trị Covid-19.

[1] https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2021/april/ambassador-katherine-tais-remarks-wto-virtual-conference-covid-19-vaccine-equity

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here