Từ ngày 15 – 16/9/2023, Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Punjab, thành phố Faisalabad – nằm ở phía Bắc Pakistan, cách thủ đô Islamabad 317 km. Đây là một trong số các thành phố giàu có nhất của Pakistan, là trung tâm công nghiệp lớn thứ hai của tỉnh Punjab và thứ ba của Pakistan, là thành phố dệt may lớn nhất Pakistan (được ví như là thành phố Manchester của Anh), chiếm tới 30 % sản lượng và 44 % xuất khẩu của ngành dệt may Pakistan.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan đã phối hợp với Liên đoàn các Phòng Công nghiệp và Thương mại Tp. Faisalabad (FCCI) tổ chức Hội thảo xúc tiến du lịch Việt Nam – Pakistan với chủ đề “Discover and Live fully in Viet Nam”. Hội thảo có sự tham dự của Ban lãnh đạo FCCI và các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của Faisalabad.
Tại Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong đã giới thiệu về lịch sử, đất nước, văn hóa, danh lam thắng cảnh Việt Nam, đồng thời chia sẻ một số thông tin về e-visa, chính sách thị thực mới của Chính Phủ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/8/2023. Một số clip quảng bá về du lịch Việt Nam đã được trình chiếu tại Hội thảo. Đại diện các doanh nghiệp đều bảy tỏ sự quan tâm và mong muốn được đến thăm quan, được tận mắt nhìn thấy những thành tựu phát triển kinh tế, cũng như các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng với những lợi thế sẵn có và chính sách thị thực mới, tiềm năng du lịch Việt Nam sẽ được khai thác triệt để. Các đại biểu cũng cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút được nhiều khách du lịch từ Pakistan. Các doanh nghiệp Pakistan bày tỏ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam để thúc đẩy du lịch hai nước Việt Nam – Pakistan.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Faisalabad, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong đã có buổi gặp và làm việc với Liên đoàn các Phòng Công nghiệp và Thương mại Tp. Faisalabad (FCCI) để thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực dệt may. Tại buổi làm việc, Đại sứ Nguyễn Tiên Phong đánh giá cao ngành dệt may của Faisalabad và cho biết trong lĩnh vực dệt may 8 tháng đầu năm 2023, Pakistan nhập khẩu sợi, sơ sợi trị giá hơn 33 triệu USD từ Việt Nam, trong khi Pakistan xuất khẩu vải trị giá hơn 32 triệu USD sang Việt Nam – chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chưa đến 0,2% tổng nhập khẩu mỗi nước, đúng là điều kiện vô cùng thuận lợi để hai nước tận dụng lợi thế bổ sung trong thương mại, thúc đẩy ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) trong đó dệt may sẽ là ngành hưởng nhiều lợi thế. Đại sứ cho biết hai nước còn nhiều dư địa hợp tác. Pakistan có thể bổ sung rất nhiều những mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam như gia vị, quế, hồi, gừng, hàng công nghiệp như thép, thiệt bị điện, thép, cao su thô, thủy hải sản, thuốc bảo vệ động, thực vật…. Pakistan có thể xuất khẩu những mặt hàng mới như hoa quả chế biến, vải vóc, muối hồng Hymalaya.. nhằm tăng cường xuất khẩu tận dụng lợi thế so sánh để nông dân/nhà sản xuất hai nước tăng thu giá trị gia tăng.
Các Doanh nghiệp Faisalabad cũng bày tỏ cho biết, thịt bò, thịt cừu của Pakistan trong nhiều năm qua đã được xuất khẩu sang những thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng, vệ sinh, an toàn như EU, các nước vùng Vịnh, Trung Đông, tuy nhiên đến nay các sản phẩm này của Pakistan vẫn chưa được cấp giấy phép xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Phía Pakistan bày tỏ mong muốn và kiến nghị Đại sứ trao đổi và thúc đẩy các bộ, ngành liên quan của Việt Nam xem xét và sớm cấp phép cho các Doanh nghiệp Pakistan trong lĩnh vực này.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước, Đại sứ Phong đã chia sẻ và đề xuất một số biện pháp cụ thể, trong đó đề nghị thành lập các đoàn thương mại song phương, diễn đàn trao đổi, Triển lãm,.. trong các lĩnh vực dệt may, du lịch, công nghệ thông tin,…
Cùng ngày, Đại sứ đã có chuyến thăm tới nhà máy Kay & Emms của Tiến sỹ Khurram Tariq, Chủ tịch FCCI – nằm trong top 15 nhà sản xuất hàng dệt kim hàng đầu ở Pakistan, đối tác sản xuất gia công của một loạt thương hiệu lớn trên thế giới như Zara, Bershka,…..có kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 100 triệu USD.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan)