Đối thoại với các đại biểu, chuyên gia tham dự Diễn đàn đối thoại cấp cao giữa Chính phủ và các Đối tác phát triển về chủ đề “Tăng năng suất-đòn bẩy cho phát triển bền vững”củaViệt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến, sáng kiến từ Diễn đàn và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tiếp thu và cụ thể hóa trong nội dung Kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy tăng năng suất trong thời gian tới
Tăng trưởng GDP đạt 6,7%, cao nhất trong gần 10 năm
Thông báo với các đối tác phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017, Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7%, cao nhất trong gần 10 năm qua, đạt mức kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trên 210 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư FDI đạt 35 tỷ USD, có trên 120,000 doanh nghiệp thành lập mới… và luôn giữ vững ổn định chính trị – xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, phát triển doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp, bảo đảm an ninh xã hội, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế… Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong báo cáo trước Quốc hội 10/2017 vừa qua, Việt Nam đã thẳng thắn chỉ rõ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp”. Tăng trưởng hiện nay vẫn chủ yếu theo chiều rộng, trên cơ sở gia tăng các yếu tố đầu vào như tăng cường bổ sung vốn và sử dụng nhiều lao động giản đơn, trong khi việcđổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ của công nhân,… gọi chung là các nhân tố tổng hợp (TFP) còn rất hạn chế. Có thể nói đây cũng chính là một điểm nghẽn của phát triển bền vững của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Việc diễn đàn VDF 2017 lựa chọn chủ đề “Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững” của Việt Nam thể hiện sự đồng nhịp về tư duy, quan điểm giữa Chính phủ và các đối tác phát triển của Việt Nam.
Qua các phát biểu hôm nay cho thấy: Tăng năng suất đang có vai trò ngày càng quyết định đối với tăng GDP của Việt Nam. Thực vậy, tăng năng suất lao động đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, tăng từ mức 66,3% giai đoạn 1990 – 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 – 2012. Nhận thức rõ điều này, báo cáo của Chính phủ ra Quốc hội về Kế hoạch 2018 đã lấy chủ đề là “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo,khởi nghiệp”.
Nâng cao năng suất đang là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.Trên thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bố, sử dụng hiệu quả nguồn lực; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế… Bên cạnh nỗ lực, phát huy sức sáng tạo của chính mình, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, cách mạng công nghiệp 4.0 lan tỏa nhanh chóng, tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng…
Nhìn tổng thể cải thiện năng suất không chỉ có việc nâng cao năng suất của người lao động mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn (năng suất vốn) và quan trọng nhất là phải nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cải thiện năng suất, đó chính là nền tảng của nâng cao năng lực cạnh tranh của mọi quốc gia.
5 nhiệm vụ và giải pháp
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới:
–Thứ nhất, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính và các thị trường tài chính vi mô theo hướng tăng quy mô, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh; cải thiện cơ chế phân bổ vốn dựa trên hiệu quả, tín hiệu thị trường; cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận vốn của nông dân, các nhóm thiểu số trong xã hội; cải cách chính sách đất đai, tháo gỡ nút thắt về hạn điền;…
Quyết liệt cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước – nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế sử dụng các nguồn tài nguyên, phân bổ vốn đầu tư công trên cơ sở nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế – xã hội.
–Thứ hai, năng suất lao động là một cơ sở và là động lực chính, không chỉ cho phát triển của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cho tăng trưởng kinh tế nói chung mà còn là cải thiện thu nhập và phúc lợi của người dân. Để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên bố trí ngân sách đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, nguồn lực xã hội đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động có thể phát triển sinh kế, làm chủ được sự nghiệp của bản thân,có động cơ làm việc tốt hơn, phát huy tối đa sức sáng tạo.
Một vấn đề lớn được Chính phủ rất quan tâm thực hiện theo lộ trình, đó là cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động. Tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất còn thấp (chiếm tới 42% lực lượng lao động) sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn, nhằm nâng cao hơn, bền vững hơn năng suất tổng thể của quốc gia, hướng tới một nền sản xuất đem lại “giá trị nhiều hơn với nguồn lực ít hơn” (kinh nghiệm Ixrael, quốc gia có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt).
–Thứ ba, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là nhiệm vụ đang được Chính phủ quan tâm với việc thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế; tăng cường đầu tư cho khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển (R&D), đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kết nối thông minh…. Đặc biệt là phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tranh thủ các cơ hội tạo ra từ cách mạnh công nghiệp 4.0, để từng bước phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh, đô thị thông minh,… với năng suất, hiệu quả cao.
Trên nền tảng nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp TFP, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thứ tư, để nâng cao năng suất thành công, Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế, trên tinh thần phát huy nội lực vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới (CP TPP, EVFTA với EU và RCEP). Thực hiện cam kết trong các FTA sẽ mở cửa nhiều thị trường rộng lớn cho đầu tư, thương mại, sẽ góp phần chuyển đổi môi trường pháp luật, kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế; thực sự tạo cơ hội và cả sức ép về nâng cao sức cạnh tranh và năng suất của các doanh nghiệp, qua đó nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế.
Thứ năm, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, quyết tâm thực hiện thành công17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.
Chu Văn