Ngày 19/2, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Đinh Dậu 2017. Đây là hoạt động thường niên nhằm đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An. Qua 8 lần tổ chức cuộc gặp mặt các nhà đầu tư từ năm 2009 đến nay, Nghệ An đã thu hút được 804 dự án đầu tư, trong đó có 758 dự án đầu tư trong nước và 46 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký hơn 261.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Mạnh Cầm; lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; cùng hơn 300 đại biểu là doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước dự Hội nghị.
Thành công của Nghệ An
Thời gian qua, để hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư thực hiện hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như sân bay, cảng biển, giao thông, điện, nước, viễn thông… đã được đầu tư nâng cấp. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 141 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm là 35.441 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm cho người dân và nộp ngân sách lớn.
Năm 2017, Nghệ An đặt ra mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu trong năm 2017 sẽ thu hút đầu tư trên 100 dự án với tổng số vốn đăng ký ước đạt 30.000-35.000 tỷ đồng, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển vào các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã nêu nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, đầu tư và hoạt động hiệu quả tại Nghệ An. Cụ thể, tỉnh đã triển khai đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 3 ngày làm việc sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư. “Cá biệt đối với hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, nhà đầu tư cần gấp, chúng tôi có thể giải quyết ngay trong ngày”, ông Đường nói.
Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với đăng ký doanh nghiệp nên các hồ sơ đăng ký qua mạng được giải quyết chỉ trong 2 ngày làm việc. Ngoài ra, Tỉnh cũng đã thực thi nhiều giải pháp về cải cách quy trình, hồ sơ, thủ tục nộp thuế cũng như các thủ tục hành chính, công khai toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh và các quy hoạch của tỉnh, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực…
Cần quy hoạch tổng thể, không mâu thuẫn trong dài hạn
Đánh giá cao tinh thần tự lực, tự cường của một tỉnh giàu truyền thống, quê hương của Bác Hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghệ An đã đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư, với cách làm phong phú hơn. Không chỉ xúc tiến tập trung tại Hội nghị lớn hôm nay, mà trong năm qua, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ nhiều nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn, có tên tuổi ở trong nước và nước ngoài đã có mặt ở đây. Không chỉ đầu tư vào nhiều lĩnh vực, vùng miền, các doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ, thiết bị tiến bộ với tinh thần “xanh, sạch, mới”.
Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tiếp tục quán triệt tinh thần tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn, tăng tốc hơn nữa. Tỉnh cần có quy hoạch tổng thể tốt để không mâu thuẫn trong phát triển lâu dài, “du lịch như thế nào, hạ tầng ở đâu, các mức độ công nghiệp khác nhau ở khu vực nào”. Phải đặt vấn đề liên kết vùng, nhất là đối với Hà Tĩnh và Thanh Hóa, hai địa phương cận kề với thế mạnh là Nghi Sơn và Vũng Áng. Hai tỉnh này phát triển tốt thì Nghệ An phát triển tốt. “Nhiều người kiến nghị lần sau phải tổ chức một hội nghị xúc tiến cho cả 3 tỉnh để cùng nhau phát triển”, Thủ tướng nói.
Nghệ An phải tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ. Phát triển nguồn nhân lực để đón bắt thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phải biết tiết kiệm tài nguyên, đất đai để sử dụng lâu dài, không phát triển quá nóng vội.
“Các đồng chí đi từ thế mạnh so sánh trong kinh tế thị trường tại Nghệ An là như thế nào?”, Thủ tướng tiếp tục đặt vấn đề đối với tỉnh và yêu cầu tỉnh phải có đề án, chương trình hết sức cụ thể để giải bài toán này. Tỉnh cần xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, cả hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. Bảo đảm an ninh trật tự, quan tâm hơn đến đời sống người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An, Thủ tướng yêu cầu Nghệ An phải tìm cách phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững, tạo công ăn việc làm. Chuyển dịch mạnh mẽ hơn cơ cấu lao động theo hướng bền vững. Phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của Nghệ An theo hướng vào tốp khá của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với mục tiêu cụ thể, theo Thủ tướng, phải vào tốp 20 về PCI. Phải tập trung chỉ đạo một số việc “ra tấm ra món” như phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, đi vào một số lĩnh vực thế giới đang phát triển như tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tiếp tục đầu tư nghiên cứu để hiện thực hóa “3 quốc tế” là sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế và đường bộ quốc tế khi mà hiện nay “định hướng đã có, hình hài đã có”. Muốn vậy, phải chú ý công tác quy hoạch gắn với phát triển xã hội, đô thị hóa. Là mảnh đất có nhiều người tài, Thủ tướng đề nghị Nghệ An nghiên cứu hình thành tổ chức nghiên cứu chuyển giao khoa học đạt tầm quốc gia để có chính sách khuyến khích đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh để họ tham gia mạnh mẽ phát triển Nghệ An.
Đặt điều kiện đối với các nhà đầu tư
Đặt vấn đề các nhà đầu tư cần làm gì với Việt Nam và Nghệ An, Thủ tướng cho rằng, “đầu tiên các bạn cần có chiến lược kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, tại tỉnh Nghệ An. Đừng để tình trạng sớm nắng chiều mưa, lúc trồi lúc sụt”. Tầm nhìn doanh nghiệp thể hiện rõ ở chỗ chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của doanh nghiệp đầu tư là 100 triệu dân Việt Nam, là cạnh tranh quốc tế. “Chúng ta phải học người Nhật làm ăn cho chắc chắn, nhất là nghiên cứu thị trường trong tình hình mới”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh với các nhà đầu tư việc bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Đối xử đúng mức với người lao động, quan tâm nâng cao môi trường sống tốt hơn để tái sản xuất sức lao động cho con người “bởi bản chất chúng ta là phục vụ con người”.
Thủ tướng cũng đề nghị “doanh nghiệp nói đi đôi với làm”, “không để khi ký thì hăng hái còn làm thì chậm trễ”.
Về phía Chính phủ, chính quyền địa phương, theo Thủ tướng, sẽ tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo mọi điều kiện để bảo vệ quyền con người, quyền công dân như Hiến pháp quy định, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản của công dân. Chính phủ phải tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho kinh doanh, minh bạch hơn, thị trường hơn.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ giữ vững kinh tế vĩ mô, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, thân thiện với mọi quốc gia trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ. Để mọi thành phần kinh tế, kể cả FDI và trong nước phát triển, Chính phủ tiếp tục có cơ chế, thể chế, chính sách tốt hơn nữa, mang tính thị trường hơn nữa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Việt Hưng